Giáo sư Park Jung Soo chia sẻ và truyền cảm hứng sáng tạo tại một buổi hội thảo

Giáo sư Park Jung Soo chia sẻ và truyền cảm hứng sáng tạo tại một buổi hội thảo

Sáng tạo thường bắt đầu từ một ý tưởng bất ngờ, đôi khi may mắn

(ĐTCK) Đôi khi các bạn cần phải tìm cơ hội từ những cuộc khủng hoảng. Ở những thời điểm đó mới tạo ra động lực làm thay đổi những người xung quanh.

 LTS: Cách đây 3 năm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Nguyễn Quân đã nhấn mạnh tại một diễn đàn về đổi mới sáng tạo rằng, “tương lai của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm sao để doanh nghiệp có khả năng tạo ra được những giải pháp mới bước vào thị trường”.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hoạt động đổi mới sáng tạo càng trở nên cấp thiết, như lời ông Nguyễn Quân: “đổi mới sáng tạo hay là chết, đổi mới sáng tạo hay là phá sản”. Liên quan đến vấn đề này, Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Park Jung Soo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), nguyên cố vấn cấp cao của Tập đoàn Samsung.

Không có mô hình nào cho mọi công ty, do đó, mỗi công ty nên có một con đường phù hợp với mình, với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa đất nước.

Cách đây 2 năm, Thomas L.Friedman từng chia sẻ trong một buổi hội thảo do Viện Quản trị kinh doanh (FSB) - Đại học FPT tổ chức, về câu chuyện “Thế giới phẳng”. Theo tôi, thế giới này không phẳng, hiển nhiên rồi, thế giới này hình cầu. Thế giới của các nền văn hóa, thế giới Internet mới là phẳng. Thomas có lẽ đã cố tình dẫn dắt sai bằng cách nói rằng thế giới phẳng, hoặc đấy chỉ là một chiêu làm marketing, gây sốc cho người nghe.

Tôi muốn đề cập đến câu chuyện đổi mới sáng tạo ở châu Á. Đã có nhiều sự đổi mới sáng tạo thành công, cũng đã có nhiều công ty đổi mới thành công tại châu Á, đến nỗi rất nhiều quốc gia ở phương Tây phải bất ngờ trước sự thành công thần kỳ tại các quốc gia châu Á này.

Sáng tạo vì cuộc sống của con người

Sự sáng tạo đối với lịch sử loài người, có lẽ bắt đầu từ việc tìm ra lửa, các công cụ lao động, thức ăn, cao hơn là nền giáo dục, kiến tạo nên các công ty, tất cả đều là quá trình sáng tạo.

Cho đến nay, chúng ta đã tạo ra những gì? Mục tiêu của sáng tạo chính là vì phục vụ cuộc sống của con người.

Thiết thực nhất là thức ăn, quần áo và chỗ ở. Để cuộc sống sung túc hơn, trong từng lĩnh vực như các ngành nghề lao động (nông nghiệp, kinh doanh, sản xuất, dịch vụ), phục vụ nhu cầu xã hội (luật, giáo dục, y tế, giao thông), cho đến giải trí (âm nhạc, khiêu vũ, phim ảnh, truyền thông) cũng như các dịch vụ thư giãn (du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn).

Bắt đầu từ thức ăn. Nền nông nghiệp khởi nguồn từ 10.000 năm trước Công nguyên ở khu vực Trung Đông đối với lúa gạo và khoảng 6.000 năm trước Công nguyên với lúa mì. Con người không phải là những sinh vật duy nhất khám phá ra việc làm nông. Lũ kiến đã biết cách gieo trồng nấm trên lá để lấy thức ăn từ cách đây khoảng 50 triệu năm, vượt xa so với sức tưởng tượng của chúng ta.

Giáo sư Park Jung Soo  

Đàn ông bận săn bắn, còn phụ nữ cứu thế giới loài người bằng cách tạo ra ngành nông nghiệp. Sau đó, con người phát hiện ra rằng, thức ăn nóng sẽ ngon hơn và chúng ta cần phải có lửa. Ban đầu, loài người dùng những nguồn lửa tự nhiên, nhưng ngọn lửa này không hiệu quả, cần phải có thứ để giữ lửa, từ đó bếp lửa ra đời, kéo theo đó là những dụng cụ nấu ăn.

Tương tự như vậy, người ta tình cờ phát hiện bánh mì lên men ngon hơn hẳn bánh mì không lên men. Cùng theo cách đó, mì sợi ra đời. Nhiều người tưởng rằng, người Ý phát minh ra mì sợi, nhưng thực ra nó bắt đầu từ Trung Đông, sang Trung Quốc từ khoảng 4.000 năm trước, sau đó mới đến người Ý.

Mì quan trọng đối với cuộc sống loài người là nó có thể lưu trữ khô, mang đi dễ dàng, dùng làm thức ăn nhanh. Có người nói rằng, nếu không có ai đó phát minh ra mì, một nửa thế giới này có lẽ đã chết đói. Như vậy, sứ mệnh những sáng tạo của thức ăn, đó là vì mục đích tồn tại của loài người.

Một ví dụ khác, vải vóc. Hoàng hậu Ly Thổ (Trung Quốc) 3.500 năm trước Công nguyên, trong một lần vô tình nhìn thấy một kén tằm rơi vào chén canh nóng. Bà nhìn thấy những sợi tơ nhả ra từ con kén, từ đó họ phát triển ngành dệt lụa. Suốt hàng ngàn năm, Trung Hoa đã giữ ngành dệt lụa như một bí mật quốc gia.

Bằng cách nào đó, người phương Tây đã biết đến sự tồn tại của tơ lụa, nhưng lại không biết cách tạo ra sản phẩm thần kỳ này. Đó là nguồn gốc của “con đường tơ lụa”, nơi những thương gia mang lụa từ Trung Quốc sang phương Tây. Cho đến khi, một cô công chúa Trung Quốc kết hôn với một chàng hoàng tử Ấn Độ. Bằng tình yêu của mình, cô mang mọi thứ đến Ấn Độ, kể cả bí quyết về ngành tơ lụa.

Sáng tạo để “sống sót”

Khi tôi hỏi sinh viên về những sản phẩm sáng tạo tiêu biểu nhất, các bạn ấy nghĩ ngay đến điện thoại thông minh, máy tính bảng, truyền hình, ô tô và điều hòa nhiệt độ. Nếu không có phát minh về điều hòa, Singapore có lẽ chỉ là một làng chài nhỏ. Sản phẩm này đã thay đổi toàn bộ nền kinh tế Singapore.

Có thể đánh giá giữa công ty tiên phong sáng tạo (Innovation Pioneer) với công ty dẫn đầu thị trường (Market Leader). Những cái tên tiên phong như Bendix (máy giặt), MITS (máy tính), RCA (ti vi màu), Pieper (ô tô), Saerom (Dialpad, VoIP), Saehan (máy nghe nhạc), Cyworld (mạng xã hội), Blackberry (điện thoại thông minh)…, hầu hết đều đã biến mất hoặc trở nên mờ nhạt. Liệu có phải “ra thị trường đầu tiên, thất bại đầu tiên”?

Những ví dụ đó cho thấy, Chiến lược đổi mới (Innovation Strategy) và Quản trị đổi mới (Innovation Management) đóng vai trò quan trọng. Chỉ đổi mới không thì không đảm bảo cho thành công.

Vậy sáng tạo là gì? Đó không phải là tạo ra vật mới, mà là làm một điều gì đó theo cách mới. Đó là sự thay đổi, nhưng phải tạo ra giá trị, khác với những thay đổi vô nghĩa. Nó thường bắt đầu từ một ý tưởng bất ngờ, vô tình, nhiều khi chỉ là do may mắn. Nó cũng cần môi trường bổ trợ để thành công. Về cơ bản, động lực của sáng tạo đó là để “sống sót”, đối với cuộc sống, cũng như trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, phải giải quyết vấn đề bền vững. Để bền vững, phải có chiến lược và quản trị sự đổi mới.

Khởi nguồn của sáng tạo

Có thể coi sáng tạo bao gồm 2 thành tố, phát minh và khai thác. Đây là chìa khóa cho những sản phẩm thành công và cũng là chìa khóa của sự tồn tại.

Chúng ta cũng cần phân loại sự sáng tạo: sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, trong quy trình, mô hình kinh doanh và trong quản trị.

Sự mô phỏng, bắt chước trong sáng tạo không phải là xấu. Đó chính là khởi nguồn của sáng tạo. Giống như một đứa trẻ, việc đầu tiên nó làm là bắt chước, sau đó học hỏi, nó nằm trong phần bản năng của loài người. Nói rộng hơn, trong lịch sử, sự chuyển giao chính là bắt chước. Ai đó sáng tạo ra, chuyển giao cho nhiều người hơn và lan tỏa toàn thế giới. Bí quyết ở chỗ, ai đó đã rất tài tình trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho một ý tưởng cũ để tạo ra một thứ mới chất lượng hơn.

Nhiều sinh viên thường cắt dán tài liệu từ Internet trong các bài tập của mình, trong đó có cả sinh viên KAIST. Điều này thường là trái luật. Nhưng ngược lại, nếu họ tìm kiếm tài liệu trên mạng, qua bạn bè, người thân, rồi biến nó trở thành của mình, làm nó tốt hơn lên, thì đó là cách nên làm, đó là sự học hỏi và sáng tạo. Tương tự, khi chúng ta đọc sách, đó là khi chúng ta lấy ý tưởng. Nếu chỉ nhắc lại những ý tưởng, điều đó không có ý nghĩa gì cả.

Luật Bảo vệ bản quyền có ý nghĩa như thế nào? Luật khuyến khích mọi người sáng tạo ý tưởng nhiều hơn, vì ý tưởng có thể tạo ra tiền. Tuy vậy, đồng thời luật cũng hạn chế sự phổ biến ý tưởng đến người khác, cũng hạn chế họ cải tiến. Để khắc phục điều này, người ta đưa ra thời hạn bảo hộ, thường là 50 năm và dài hơn đối với những sản phẩm văn học, nghệ thuật.

Bí quyết của Toyota, Samsung và Lenovo

Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á. Đây đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều công ty châu Á từ vai trò các công ty “theo đuôi” đã trở thành những tập đoàn dẫn đầu thế giới. Trong số các công ty Top 500 Fortune, có đến 1/3 số công ty đến từ châu Á, hầu hết là từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, tôi sẽ nói đến 3 ví dụ về Toyota (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và Lenovo (Trung Quốc).

Toyota có hệ thống sản xuất cực kỳ hiệu quả, bao gồm 2 cấu phần: sản xuất tức thời (lấy ý tưởng từ hệ thống siêu thị của Mỹ) và tự động hóa. Ngay khi một sản phẩm trên kệ được mua, một sản phẩm khác thay thế ngay lập tức. Điều này làm giảm thiểu sự lãng phí. Nhiều công ty cố gắng bắt chước chiến lược của Toyota, nhưng không thành công. Nhân tố bí ẩn ở đây chính là phần mềm - cực kỳ chính xác, khắt khe, nhưng dễ thích ứng, tôn trọng con người.

Samsung dẫn đầu với khá nhiều dòng sản phẩm. Bí quyết của họ chính là tốc độ. Các sản phẩm được đưa ra liên hoàn theo đường cong hàm mũ. Kết quả là giá cả của các sản phẩm rơi rất nhanh, nhưng lợi nhuận của Samsung thu được cũng rất lớn. Hãy quan sát sự vận hành của máy cắt cỏ để dễ tưởng tượng điều này.

Cùng sử dụng một loại máy, người đầu tiên bao giờ cũng cắt được nhiều cỏ nhất. Bởi vậy, trong kinh doanh, chúng ta phải là người đầu tiên mới gặt hái được lợi nhuận nhiều nhất. Trong chiến lược sáng tạo của Samsung, họ làm chủ được tốc độ và người chủ tịch tập đoàn luôn tạo ra áp lực rằng, chúng ta phải nhanh.

Lenovo là nhà sản xuất máy tính nổi tiếng hàng đầu thế giới. Họ đã tạo ra một vụ mua bán, sáp nhập thành công khi mua lại IBM. Ở đây có nguồn gốc sáng tạo đến từ văn hóa, đó là việc cân bằng hài hòa giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông trong một công ty đa quốc gia.

Có công ty nào có thể bắt chước hay lặp lại một cách thành công những sáng tạo của Toyota, Samsung hay Lenovo không? Có, nhưng rất khó. Thế nào là văn hóa sáng tạo lý tưởng? Thận trọng/Chính xác + Táo bạo/Nhanh chóng + Hợp nhất/Bao hàm? Không có mô hình nào cho mọi công ty, do đó, mỗi công ty nên có một con đường phù hợp với mình, với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa đất nước.

Trên thực tế, có một số loại hình doanh nghiệp rất khó để sáng tạo, ví dụ như luật, giáo dục, chính phủ. Khi tôi là Hiệu trưởng KAIST, chiến thuật mà tôi dùng là liên tục tìm cách thuyết phục các thành viên khác đồng ý với sự thay đổi của mình.

Rốt cuộc, Chủ tịch Hội đồng chủ nhiệm khoa đến gặp tôi và nói: “Chúng tôi đầu hàng, chúng tôi đồng ý”. Bởi vậy, đôi khi các bạn cần phải tìm cơ hội từ những cuộc khủng hoảng. Ở những thời điểm đó mới tạo ra động lực làm thay đổi những người xung quanh.

Tin bài liên quan