Sắp nới trần khung giá vé máy bay nội địa

Sắp nới trần khung giá vé máy bay nội địa

0:00 / 0:00
0:00
Giá nhiên liệu bay tăng dựng đứng kể từ cuối năm 2021 đang làm “đông cứng” đà phục hồi của các hãng hàng không, thậm chí đã có hãng phải tính đến việc đóng bớt đường bay.

Áp lực giá nhiên liệu

Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam đã có Công văn số 2911/CHK-TC gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo việc rà soát tiết giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Điểm nhấn quan trọng nhất trong công văn trên là việc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không một lần nữa kiến nghị Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Đây là lần thứ ba trong vòng 3 tháng qua, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất nói trên như là một giải pháp quan trọng từ phía cơ quan quản lý nhà nước để giảm bớt phần nào khó khăn của các hãng bay trước bão giá nhiên liệu Jet A1.

Cần phải nói thêm rằng, đề xuất nới khung giá dịch vụ vận chuyển gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 4/2022, Cục Hàng không Việt Nam dựa trên dữ liệu thống kê của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) với dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 121,9 USD/thùng.

Bất chấp thị trường quốc tế còn nhiều khó khăn, nhưng doanh thu hàng ngày từ hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã đạt khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao có thể nhấn chìm những nỗ lực phục hồi của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines

Trên cơ sở dự báo của IATA và diễn biến của giá dầu, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng kịch bản với mức giá dầu Jet A1 bình quân năm 2022 là 130 USD/thùng. Mức giá này sẽ đẩy chi phí của Vietnam

Airlines tăng thêm 5.700 tỷ đồng; Vietjet tăng thêm 5.200 tỷ đồng; Bamboo Airways tăng thêm 3.200 tỷ đồng; Vietravel Airlines tăng thêm 310 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 17/6/2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đã vượt rất xa dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, vọt lên mức 175,66 USD/thùng.

Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 6/2022 của các hãng hàng không tăng 118,5% so với tháng 12/2014 và tăng 143,5% so với tháng 9/2015.

“Với mức giá dầu Jet A1 và trần giá vé như hiện nay, không hãng hàng không nào cân đối được chi phí, kể cả các hãng hoạt động theo mô hình chi phí thấp”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nếu chi phí nhiên liệu bay duy trì ở mức 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm 2022, thì chi phí ước tính của hãng hàng không quốc gia sẽ tăng thêm 4.324 tỷ đồng.

“Đối với tổng thể ngành hàng không dân dụng, việc chi phí nhiên liệu tăng cao nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sản lượng khai thác toàn ngành. Các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi phục hồi mạng bay, thậm chí phải đóng bớt đường bay do không cân đối được chi phí”, CEO Vietnam Airlines cho biết.

Không tác động nhiều tới CPI

Được biết, trong văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính vào cuối tháng 6/2022, Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án miễn 100% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong vòng 12 tháng; Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và áp dụng từ tháng 7/2022. Đặc biệt, Vietnam Airlines muốn các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu gỡ bỏ quy định về giá trần và cho phép các hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Vietnam Airlines cho rằng, cụm 3 giải pháp “combo” này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian vừa qua, không chỉ Vietnam Airlines, mà một số hãng bay khác cũng đã kiến nghị áp dụng phụ thu nhiên liệu vào giá vé.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Luật Giá, có 3 hình thức định giá đối với hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm: mức giá cụ thể; khung giá; mức giá tối đa, mức giá tối thiểu. Bên cạnh đó, Luật Hàng không dân dụng cũng quy định, giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá (tức là có mức giá tối đa và mức giá tối thiểu).

“Như vậy, hiện không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc quy định mức phụ thu nhiên liệu trượt theo biến động giá nhiên liệu. Do vậy, chỉ có thể xem xét điều chỉnh mức tối đa quy định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với biến động chi phí Jet A1 hiện nay tác động làm tăng khoảng 57,7% tổng chi phí của các hãng hàng không và đặc thù của ngành hàng không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, nên đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành) là phù hợp.

Với phương án này, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa bằng với khung giá quy định năm 2014 sẽ làm CPI chung tăng 0,003%.

“Dự kiến, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa như trên gần như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2022”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Tin bài liên quan