Sau một tuần biến động, các nhà đầu tư toàn cầu đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn hơn

Sau một tuần biến động, các nhà đầu tư toàn cầu đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư toàn cầu đang chuẩn bị cho tình trạng thị trường hỗn loạn hơn sau một tuần biến động tiêu cực khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lại lạm phát.

Dấu hiệu của thời kỳ bất thường hầu như đang ở khắp mọi nơi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thứ ba liên tiếp trong khi Nhật Bản thực hiện biện pháp can thiệp để làm tăng giá đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998. Đồng bảng Anh trượt xuống mức đáy mới trong 37 năm so với đồng đô la sau khi Bộ trưởng tài chính mới của nước này tung ra những đợt cắt giảm thuế lịch sử và sự gia tăng rất lớn trong việc vay nợ.

Mike Kelly, người đứng đầu bộ phận đa tài sản tại PineBridge Investments cho biết: “Thật khó để biết điều gì sẽ phá vỡ ở đâu và khi nào. Trước đây, suy nghĩ cho rằng một cuộc suy thoái sẽ ngắn và nông. Bây giờ chúng tôi đang vứt bỏ suy nghĩ đó và nghĩ về những hậu quả không mong muốn của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhiều”.

Chứng khoán lao dốc trên khắp các thị trường toàn cầu. Chỉ số Dow Jones gần như gia nhập cùng với chỉ số S&P 500 và Nasdaq bước vào thị trường giá xuống, trong khi giá trái phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm khi các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục đầu tư trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng.

Đứng trên tất cả là đồng đô la Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm so với rổ tiền tệ, một phần nguyên nhân là do các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn khỏi những biến động mạnh tiêu cực trên thị trường tài chính toàn cầu.

David Kotok, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết: “Tỷ giá hối đoái hiện đang rất khó lường. Khi các chính phủ và ngân hàng trung ương đang trong việc thiết lập lãi suất, họ đang chuyển sự biến động sang thị trường tiền tệ”.

Hiện tại, các đợt bán tháo trên các loại tài sản đã thu hút rất ít các nhà đầu tư săn giá hời. Trên thực tế, nhiều người tin rằng mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn cầu làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

"Chúng tôi vẫn thận trọng", Russ Koesterich, người giám sát Global Allocation Fund của Blackrock cho biết. Ông cũng cho biết việc phân bổ cho cổ phiếu là "thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn" và ông cũng thận trọng đối với trái phiếu.

"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự không chắc chắn về việc lạm phát sẽ giảm nhanh như thế nào, có rất nhiều sự không chắc chắn về việc liệu Fed có thực hiện một chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ như họ đã báo hiệu trong tuần này hay không. Tôi muốn thấy đủ đợt bán tháo để khiến giá trở nên hấp dẫn trên thị trường chứng khoán Mỹ”, ông cho biết.

Sự ảnh hưởng từ tuần lễ tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm xu hướng đối với cổ phiếu và trái phiếu và đẩy giá cả hai loại tài sản xuống. Nhưng triển vọng mờ mịt có nghĩa là chúng vẫn không đủ rẻ đối với một số nhà đầu tư.

Jake Jolly, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BNY Mellon cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thời gian để mua cổ phiếu vẫn còn ở phía trước cho đến khi chúng tôi thấy các dấu hiệu cho thấy thị trường đã chạm đáy. Thị trường đang ngày càng tiến gần hơn đến việc định giá trong cuộc suy thoái này được nhiều người mong đợi nhưng nó vẫn chưa được định giá đầy đủ”.

Các chỉ số chứng khoán chính

Các chỉ số chứng khoán chính

Hôm thứ Sáu (23/9), các chiến lược gia của Goldman Sachs đã hạ mục tiêu cuối năm cho chỉ số S&P 500 từ 4.300 điểm xuống 3.600 điểm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9 ở mức 3.693,23 điểm.

Lợi tức trái phiếu đã tăng mạnh trên toàn thế giới. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất trong hơn 12 năm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Đức lần đầu tiên tăng trên 2% kể từ cuối năm 2008. Tại Anh, lợi suất trái phiếu 5 năm tăng vọt 50 điểm cơ bản trong ngày 23/9 - bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ ít nhất là vào cuối năm 1991.

Các nhà đầu tư đang lo sợ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn.

Mike Riddell, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định cấp cao tại Allianz Global Investors cho biết: “Câu hỏi bây giờ không phải là liệu chúng ta có đang rơi vào suy thoái hay không, mà là suy thoái sẽ sâu đến mức nào, và liệu chúng ta có thể xảy ra một số hình thức khủng hoảng tài chính và cú sốc thanh khoản toàn cầu lớn hay không”.

Bởi vì chính sách tiền tệ có xu hướng hoạt động với độ trễ, nhà quản lý danh mục Mike Riddell ước tính sự diều hâu mới từ các ngân hàng trung ương có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu sẽ thậm chí còn yếu hơn vào giữa năm tới.

“Chúng tôi có quan điểm rằng các thị trường vẫn đang đánh giá thấp tác động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu sắp tới”, ông cho biết.

Tin bài liên quan