Sau sự cố Kênh đào Suez, lại xuất hiện thêm cuộc khủng hoảng vận tải mới ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng vận tải mới khi một đợt bùng phát dịch Covid-19 ở miền Nam Trung Quốc ảnh hưởng tới nhiều cảng lớn ở đây.
Sau sự cố Kênh đào Suez, lại xuất hiện thêm cuộc khủng hoảng vận tải mới ở Trung Quốc

Khi nhiều nước trên thế giới phục hồi sau đại dịch vào cuối năm ngoái, đã có một đợt bùng nổ mua hàng khiến tình trạng thiếu container xảy ra một cách trầm trọng. Điều đó gây ra sự chậm trễ lớn trong việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu và Mỹ, đồng thời làm tăng giá cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sau đó, Ever Given, một trong những con tàu container lớn nhất thế giới bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez và chặn tuyến đường giao thương chính trong gần một tuần. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, nơi trung bình có hơn 50 tàu mỗi ngày đi qua.

Hiện nay, một cuộc khủng hoảng mới lại xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc, đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa.

Theo đó, tỉnh Quảng Đông - một trung tâm vận chuyển lớn và chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc - đang phải đối mặt với sự gia tăng đột ngột của các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Vào tháng 5/2021, Quảng Châu là thành phố đầu tiên của Quảng Đông ghi nhận ca nhiễm thuộc biến thể Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ) và kể từ đó đến nay, số ca nhiễm đã tăng vọt lên hơn 100 ca. Để kiểm soát dịch, nhà chức trách đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và các biện pháp khác làm hạn chế năng lực xử lý tại các cảng.

Theo Hội đồng Vận tải Thế giới, Quảng Đông là nơi có cảng Thâm Quyến và cảng Quảng Châu, những cảng lớn thứ ba và lớn thứ năm trên thế giới tính theo khối lượng container, do đó năng lực xử lý tại các cảng này bị hạn chế sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Sự gián đoạn ở Thâm Quyến và Quảng Châu là rất đáng lo ngại. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới chuỗi cung ứng”, Brian Glick, người sáng lập và Giám đốc điều hành nền tảng tích hợp chuỗi cung ứng Chain.io nói với CNBC.

“Chi phí vận chuyển luôn ở mức cao nhất mọi thời đại. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều mức giá trần mà không ai có thể nói mức giá này sẽ đạt đến đỉnh điểm ở đâu”, Brian Glick cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, việc này còn khiến chi phí vận tải, vốn đã cao càng tăng thêm do thời gian chờ bến tăng mạnh.

Theo Shehrina Kamal, Phó chủ tịch tại Everstream Analytics, thời gian chờ đợi tàu thuyền đến bến cảng container quốc tế Yantian ở Thâm Quyến đã “tăng vọt” từ thời gian chờ đợi trung bình là 0,5 ngày lên 16 ngày. Theo đó, việc tồn đọng sẽ có ảnh hưởng kép đến các bến cảng khác.

Cũng theo Kamal, các chủ hàng không thể chịu được sự chậm trễ sẽ chuyển các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển sang hàng không, điều này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hơn nữa.

“Tôi cho rằng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đang tăng lên và giá xuất khẩu, cũng như chi phí vận chuyển có thể sẽ tăng hơn nữa”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết và nói thêm rằng, tỉnh Quảng Đông đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, JP Wiggins, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp của hãng phần mềm vận chuyển 3GTMS nói với CNBC rằng, cuộc khủng hoảng cảng ở Trung Quốc sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn cho người tiêu dùng Mỹ, vì nhiều lô hàng được chuyển đến Bắc Mỹ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, việc tắc nghẽn kênh đào Suez có tác động lớn hơn đến thương mại châu Âu, vì rất nhiều chuyến hàng bị trì hoãn được chuyển đến châu Âu.

Theo các chuyên gia, cùng với đại dịch ở Ấn Độ và Đông Nam Á, sự gia tăng của các trường hợp Covid-19 ở Quảng Đông có thể góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở các nước khác.

Tin bài liên quan