DN sẽ phải điều chỉnh chi tiêu một cách hợp lý theo hướng tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.

DN sẽ phải điều chỉnh chi tiêu một cách hợp lý theo hướng tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.

Sau xăng dầu sẽ đến...?

(ĐTCK-online) Mặc cho giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh suốt từ ngày 25/2/2008 (thời điểm tăng giá xăng dầu đầu tiên trong năm nay), từ mức 94,84 USD/thùng (tháng 2/2008) lên 125,47 USD/thùng (tháng 5/2008) và 134,06 USD/thùng (tháng 6/2008), nhưng Chính phủ vẫn phải tiếp tục bù lỗ, không tăng giá xăng dầu nhằm thực hiện mục tiêu số 1 là kiềm chế lạm phát. Nhưng cuối cùng, khi giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới nửa đầu tháng 7/2008 lên đến 143 USD/thùng thì một sự điều chỉnh cần thiết đã được thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận, giá xăng dầu tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân nên việc tăng giá chắc chắn không chỉ tác động trực tiếp, mà còn có tác động dây chuyền đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của người dân và cả nền kinh tế.

"Nhưng không thể không tăng giá, vì ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ cho mặt hàng xăng dầu", ông Ninh nhấn mạnh và cho biết, ngay cả với mức giá mới, Nhà nước vẫn phải bù lỗ đối với mặt hàng dầu. "Nếu điều chỉnh đúng giá thị trường thì mỗi lít dầu hoả phải tăng thêm 1.000 đồng, dầu mazut tăng hơn 1.500 đồng nữa mới bằng giá nhập khẩu. Riêng với dầu diezel, Nhà nước phải gánh tới 80% số lỗ của DN đầu mối nhập khẩu. Ngoài ra, chưa kể đến việc áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng xăng dầu, năm 2008, ngân sách giảm thu ít nhất 25.000 tỷ đồng… Nhà nước đã và đang cố gắng hết sức để chia sẻ khó khăn với DN, nên cũng có quyền đòi hỏi DN gánh đỡ một phần gánh nặng này”.

Còn theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu không tăng giá xăng dầu, năm 2008, ngân sách phải bù lỗ cho các đầu mối nhập khẩu xăng dầu khoảng 70.000 tỷ đồng, trong điều kiện thu ngân sách có hạn, nếu không có tiền để bù lỗ thì nguồn cung chắc chắn sẽ bị giảm. "Một khi nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu vẫn cao thì không thể kiềm chế được lạm phát. Chính vì vậy, tăng giá bán lẻ xăng dầu chính là một trong những biện pháp để kiềm chế lạm phát", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giải thích về việc tăng giá xăng dầu.

Trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao, DN buộc phải chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhưng thực tế cho thấy, mỗi khi Nhà nước tăng giá xăng dầu, các ngành kinh tế quan trọng khác như than, điện… cũng "nhấp nhổm" đề nghị được tăng giá và theo dây chuyền, hàng loạt ngành hàng khác cũng tăng giá sản phẩm, tạo sức ép lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của toàn xã hội. Và chỉ riêng với mức giá hiện tại (xăng RON 92: 19.000 đồng/lít; dầu diezel: 15.950 đồng/lít; dầu hoả: 20.000 đồng/lít và dầu mazut: 13.000 đồng/kg) sẽ đẩy chi phí đầu vào đối với các ngành kinh tế mũi nhọn khác và việc đề nghị tăng giá chỉ còn là vấn đề thời gian.

"Để hạn chế các ngành hàng tăng giá chỉ còn cách kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, khuyến khích DN tiết kiệm tối đa chi phí nguyên, nhiên vật liệu để hạ giá thành sản phẩm. Nếu trường hợp bất khả kháng, buộc phải điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như than, điện… thì Nhà nước phải tính toán, kiểm soát chi phí để làm sao việc  điều chỉnh giá ở  mức độ hợp lý", ông Ninh cho biết.

Ngay cả với mức giá xăng dầu hiện tại, DN cũng chưa thể yên tâm khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, bởi mức giá này được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới là 130 USD/thùng, trong khi theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính thế giới, giá dầu thô trên thị trường thế giới bình quân 6 tháng cuối năm sẽ dao động xung quanh ngưỡng 145 USD/thùng. Từ nay đến cuối năm, liệu liên Bộ Tài chính - Công Thương có tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu? Trả lời câu hỏi này, ông Ninh cho biết, đối với giá xăng, dầu hoả và dầu mazut vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, tức là khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng thì DN nhập khẩu được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ.

"Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng rất nhiều phương án khác nhau để đối phó với sự tăng giá xăng dầu thế giới, mỗi phương án đều tính toán với các giả thiết khác nhau về sự tác động của nền kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, nhưng mọi phương án đều bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển", ông Ninh khẳng định.

Việc tiếp tục tăng giá xăng dầu;  tăng giá điện, than nhiều khả năng sẽ xảy ra và DN phải chấp nhận với mặt bằng giá mới. Phương án tối ưu để đối phó với tình hình này, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là, DN phải điều chỉnh chi tiêu một cách hợp lý theo hướng tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng. "Để tạo ra 1% GDP, chúng ta sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu nhiều hơn 20% so với các nước trong khu vực. Khi giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng, không còn cách nào khác, DN buộc phải tiết kiệm hơn nữa, bởi dư địa tiết kiệm của DN trong nước vẫn còn rất lớn", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.