Sẽ động viên DN, người dân tích lũy vốn cho đầu tư, phát triển

Sẽ động viên DN, người dân tích lũy vốn cho đầu tư, phát triển

(ĐTCK-online) Tân Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, để giải quyết cần có bước đi, lộ trình thích hợp, chứ không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh hiện tại, Phó thủ tướng cho rằng, các chính sách thuế sẽ động viên từng DN, từng người dân tích lũy vốn cho đầu tư, phát triển.

Trọng tâm công việc mà Phó thủ tướng ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ này là gì?

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 có xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giải quyết tốt, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh phát triển, cho đời sống của người dân. Đây là một nội dung rất lớn sẽ phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Nếu muốn huy động nguồn lực tốt thì phần vốn của Nhà nước là quan trọng để định hướng đầu tư. Bên cạnh đó, phải huy động các nguồn lực khác từ xã hội thông qua các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, DN ngoài nhà nước, người dân tham gia đầu tư. Cũng cần tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần trên cơ sở đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Việc lựa chọn từng nguồn vốn để đầu tư vào từng lĩnh vực, từng dự án, tính chất của dự án là rất quan trọng, qua đó tạo ra được sản phẩm để trả được nợ.

Theo tôi, muốn có nguồn lực đầu tư, đòi hỏi phải có cơ chế thông thoáng để xã hội tiết kiệm thực sự, dành vốn đó để đầu tư phát triển chung.

 

Vậy việc xây dựng chính sách thuế trong thời gian tới sẽ được tiến hành như thế nào để động viên DN và người dân dành vốn cho đầu tư, phát triển, thưa ông?

Thuế là nguồn thu của Nhà nước, nhưng thuế lại từ sản xuất - kinh doanh nên quan điểm xây dựng chính sách thuế trước hết là phải làm thế nào để có được nguồn thu, đồng thời thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, chứ không phải thu thuế để người dân, DN khó khăn.

Định hướng chiến lược thuế trong 10 năm tới vẫn là làm sao phải động viên từng đơn vị, từng DN và người dân tích lũy vốn, phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo ra nguồn thu lâu dài, vững chắc. Bên cạnh đó, công tác quản lý thu phải mở rộng đối tượng, phải làm sao chống được thất thu, đảm bảo vừa công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, vừa giữ được môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng nguồn thu cho ngân sách.

 

Nhiều người dân và nhà đầu tư đang kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm có những giải pháp mạnh đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay. Liệu kỳ vọng này có sớm thành hiện thực không, thưa ông?

Chính phủ đã có nhiều báo cáo trước Quốc hội về tình hình nền kinh tế hiện nay, thuận lợi cũng có nhiều nhưng thách thức, khó khăn không phải nhỏ. Nó vừa có yếu tố nội tại của nền kinh tế, vừa có yếu tố khách quan từ bối cảnh quốc tế không thuận lợi. Xu hướng phục hồi chung của nền kinh tế thế giới còn chậm, lạm phát cao trong khi Việt Nam hội nhập khá rộng, nên có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Để vượt qua khó khăn hiện nay, không thể một sớm một chiều là làm được, mà cần có bước đi, có lộ trình và những giải pháp đồng bộ. Đó là một thách thức rất lớn, chúng ta cần tập trung sức để vượt qua.

Hữu Hòe lược ghi

 

 

“Tôi vẫn lo âu cho tính thực tiễn của các thông điệp”

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM

 

Tuyên bố về khả năng sẽ kéo lãi suất cho vay xuống 17 - 19%/năm trong tháng 9 tới của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Bình thật ấn tượng, thật hết sức chú ý. Các DN đang vì vấn đề lãi suất mà đau đầu, khổ sở. Vì lãi suất cho vay quá cao (20%/năm) mà DN muốn vay cũng không dám vay. Vì lãi vay cao mà nhiều DN lẽ ra có lãi lại không thể lãi. Bởi phần lớn lợi nhuận làm ra của họ đã bị chi phí lãi vay “ăn hết”.

 

Nếu lãi vay có thể hạ, đây sẽ là tín hiệu sáng sủa, không chỉ cho riêng DN. Thị trường bất động sản, TTCK cũng rất ngóng chờ tín hiệu này. Chỉ cần lãi vay hạ, NĐT sẽ “dễ thở” hơn. Lực cầu cho TTCK, thị trường bất động sản cũng có động lực tăng trở lại.

 

Tuy nhiên, tôi vẫn lo âu cho tính thực tế của tuyên bố này. Hiện tôi chưa thấy có điều gì đột biến xảy ra để có thể giúp kéo lãi suất xuống. Trong khi đó, lo ngại lạm phát được dự báo sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm. Tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng có chững lại, nhưng tháng 7, con số này lại tăng. Các tháng còn lại, vẫn chưa thấy có gì rõ ràng.

 

Thông điệp của Thống đốc cho thấy một quyết tâm và mở ra hy vọng, dù cùng với đó là thách thức và cả những nghi ngờ.

 

 

“Nếu hạ được lãi suất dưới 10%, bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn”

Ông Bùi Kiến Thành, Chuyên gia kinh tế

 

Sẽ động viên DN, người dân tích lũy vốn cho đầu tư, phát triển ảnh 2

Trong tất cả các phát biểu của các tân Bộ trưởng, tuyên bố sẽ hạ lãi suất xuống 17 - 19%/năm trong tháng 9 tới của tân Thống đốc NHNN được chú ý nhất. Tuy nhiên, theo tôi, nếu chỉ hạ lãi suất cho vay xuống mức 17 - 19%/năm thì không có giá trị nhiều. Vì với mức vay này, DN vẫn không thể hoạt động tốt được. DN phải được vay dưới 10%/năm thì mới có thể kinh doanh tốt, phát triển ổn định.

 

Để DN có thể vay được vốn ở mức lãi thấp, cần có sự tham gia của NHNN. Cụ thể, NHNN sẽ cho các ngân hàng thương mại vay dưới hình thức tái cấp vốn. Cách thức này sẽ giúp các ngân hàng giải tỏa được thanh khoản, không phải cứ cố huy động cho bằng được mới có vốn cho vay, mà có thể dùng vốn tái cấp của NHNN để cho vay.

 

Với chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, NHNN sẽ không thể cho vay tràn lan, mà cần có một chương trình hỗ trợ những đối tượng cụ thể, đúng mục đích và hiệu quả.

 

Thực tế, lạm phát ở Việt Nam có yếu tố lãi suất cao. Vì phải vay cao nên chi phí cao, làm tăng giá thành sản phẩm. Nếu hạ được lãi suất cho vay về dưới 10%/năm, tôi tin, bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn.

Ngọc Thủy thực hiện