VNPT phải phân cấp cho các đơn vị kinh doanh được chủ động

VNPT phải phân cấp cho các đơn vị kinh doanh được chủ động

Sẽ không thành lập các TCT viễn thông vùng

(ĐTCK-online) Theo Quyết định thành lập Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2006, VNPT sẽ hoạt động theo mô hình gồm 4 tổng công ty và các đơn vị trực thuộc gồm các công ty TNHH 1 thành viên, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp sở hữu 100% vốn... Trong đó, 4 tổng công ty lớn bao gồm Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (đã được thành lập vào tháng 6/2007) và 3 tổng công ty viễn thông vùng I, vùng II và vùng III.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp với VNPT, Tập đoàn đã đưa ra kiến nghị xin phép Bộ không thành lập các tổng công ty viễn thông vùng I, vùng II, vùng III trực thuộc Tập đoàn. Lý do của việc này được ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPT đưa ra là do Đề án thí điểm thành lập VNPT được xây dựng và trình Chính phủ từ tháng 4/2002, nhưng đến nay công nghệ mạng lưới trên thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi cần có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu và phương thức tổ chức của các doanh nghiệp viễn thông. Vì thế theo ông Trận, việc tổ chức quản lý mạng viễn thông nội hạt với mô hình Tổng công ty Viễn thông I, II, III không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Về kiến nghị này của VNPT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã có ý kiến đồng ý cho phép VNPT không thành lập 3 tổng công ty viễn thông vùng, nhưng phải có phương án giải trình và xây dựng Đề án mô hình hoạt động mới của Tập đoàn để trình Chính phủ phê duyệt. Cũng theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, VNPT cần phải nhanh chóng có phương án quản lý các đơn vị viễn thông ở địa phương sau khi chia tách và phân công, phân cấp rõ ràng theo từng cấp. “Việc phân công, phân cấp phải theo nguyên tắc ai nhận đủ thông tin, ai chịu trách nhiệm trực tiếp để tránh tình trạng quan liêu và tiêu cực”, ông Hợp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng ủng hộ đề xuất của VNPT. Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong xây dựng đề án mô hình hoạt động mới, VNPT cần phải quan tâm đến đầu tư, quản lý hạ tầng thống nhất đảm bảo hội tụ công nghệ và phải phân cấp cho các đơn vị kinh doanh được chủ động. Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Thành Hưng, lý do không thành lập tổng công ty viễn thông vùng phải có tính thuyết phục, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế vì bắt đầu từ ngày 1/1/2008, Tổng công ty Bưu chính bắt buộc phải đi vào hoạt động. “Vì vậy, từ nay đến hết năm 2007, cần phải có phương án quá độ để công ty viễn thông ở các tỉnh, thành phố hoạt động “, ông Hưng nói thêm.

Mô hình quản lý mới được VNPT dự kiến đưa ra, theo ông Trận, trước mắt, cho phép Tập đoàn thực hiện thí điểm việc trực tiếp quản lý các đơn vị viễn thông nội hạt bao gồm các công ty viễn thông tỉnh, thành phố sau khi tách từ Bưu điện tỉnh, thành phố hiện nay. Như vậy, nếu làm một phép tính sơ bộ với 64 bưu điện tỉnh, thành phố hiện có sau khi chia tách bưu chính và viễn thông sẽ có 64 bưu điện trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và 64 công ty viễn thông trực thuộc trực tiếp VNPT. Cũng theo ông Trận, các công ty viễn thông này sẽ là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Tập đoàn, có con dấu riêng theo tên gọi, được đăng ký kinh doanh, được mở tài khoản tại ngân hàng và hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động được VNPT phê duyệt.

Được biết, trong năm 2006, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 56.500 tỷ đồng, tăng 23,93 lần so với năm 1995 và vốn nhà nước tại Tập đoàn là 47.600 tỷ đồng, tăng 22,7 lần so với năm 1995. Năm 2007 cũng là năm thứ 3 liên tiếp, VNPT tự cân đối tài chính từ nội bộ, đảm bảo đủ vốn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, không phát sinh các khoản vay thương mại lớn (ngoại trừ khoản vay cho Dự án Phóng vệ tinh Vinasat). Hiện tại, mạng lưới kinh doanh quốc tế của VNPT cũng đã được hình thành với việc thiết lập chi nhánh tại Mỹ, tham gia thành lập Liên doanh Cáp đồng Lào - Việt, Liên doanh cung cấp dịch vụ tại Campuchia....