SGI Capital: Nhịp điều chỉnh và tích luỹ là cần thiết

SGI Capital: Nhịp điều chỉnh và tích luỹ là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo SGI, sau hơn 5 tháng tăng, một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế.

SGI cập nhật một số tiêu điểm đáng lưu ý của thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 3/2024.

Theo đó, thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng 3 diễn biến đồng pha với S&P 500 tăng 3,1%, Stoxx 50 tăng 4,22%, Kospi tăng 3,95%, Nikkei 225 tăng 3,07%, Shanghai Composite tăng 0,86%, còn VN-Index tăng 2,5%.

Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang gặp áp lực chốt lời khi liên tục tăng tới vùng định giá đắt, dòng tiền đã tụ tập nhiều vào các kênh tài sản rủi ro trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn liên tục hút tiền về qua QT (một công cụ chính sách tiền tệ mang tính điều chỉnh, làm giảm bảng cân đối kế toán của Fed).

Ở bức tranh vĩ mô, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở vùng thấp 3,8%, trong khi lạm phát ở Mỹ tăng nhẹ trở lại trong 3 tháng gần đây thay vì tiến về vùng mục tiêu kỳ vọng 2%. Hệ quả là thị trường tài chính đẩy xa dần thời điểm dự báo Fed cắt giảm lãi suất và điều chỉnh tăng kỳ vọng về lãi suất dài hạn. Điều này bắt đầu tạo áp lực cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như chi tiêu của người Mỹ.

Tuy nhiên, bệ đỡ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Mỹ cho tới lúc này vẫn là kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt của các doanh nghiệp (đặc biệt là nhóm công nghệ lớn) và sự cân bằng tích cực giữa lạm phát giảm và thất nghiệp thấp. Trong trường hợp thất nghiệp Mỹ vượt 4% mà lạm phát chưa hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chịu áp lực bán và tác động tiêu cực lên các thị trường chứng khoán mới nổi và Việt Nam do tính liên thông chặt chẽ.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục trên diện rộng ở cả tiêu dùng, sản xuất, xuất nhập khẩu, du lịch và đầu tư nhờ hiệu ứng nền so sánh thấp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng phần lớn lạc quan hơn năm ngoái, thể hiện ở kế hoạch kinh doanh tăng trưởng của đa số doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy, tốc độ phục hồi là vừa phải với mức tăng trưởng dự kiến trung bình 10-15% so với 2023.

Lợi tức trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang có mức chênh lớn so với trái phiếu Mỹ và nhiều nước trong khu vực. Điều này có thể tiếp tục kích thích những dòng vốn ngắn hạn (bao gồm cả xuất siêu khối FDI) rút khỏi Việt Nam để tìm kiếm những quốc gia có lợi tức cao hơn. Tiền ảo và vàng tăng nóng thời gian qua cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá. Tuy vậy, mức độ mất giá của VND cũng chỉ tương đồng với các nước khác. Khi giá USD tự do và bán ra của ngân hàng thương mại tiệm cận và vượt qua mốc 25.200, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bắt đầu bán ra USD (spot hoặc fw) để ổn định tỷ giá, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản và lãi suất.

Dưới áp lực của lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, thị trường bất động sản cũng đang ấm lên với giao dịch sôi động hơn ở các thị trường lớn có nhu cầu sử dụng thực và nguồn cung hạn chế như chung cư và nhà phố. Sự sôi động của thị trường bất động sản nếu tiếp tục lan tỏa sẽ đánh dấu giai đoạn chuyển pha và dòng tiền vào kênh chứng khoán sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ kênh bất động sản.

Theo SGI, đang có nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán: (1) áp lực đến từ tỷ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua; (2) áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh (11.000 tỷ đồng riêng trong tháng 3); (3) áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý II; và (4) lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Trong khi đó, thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan