Các ông lớn ngành bán lẻ có một năm kinh doanh nhiều thách thức.

Các ông lớn ngành bán lẻ có một năm kinh doanh nhiều thách thức.

So găng ba ông lớn ngành bán lẻ FRT, DGW, MWG, chiến dịch giá rẻ sẽ kết thúc cuối năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù doanh thu trong quý III/2023 có tăng trưởng so với quý trước đó nhưng biên lợi nhuận của các ông lớn trong ngành bán lẻ đang khá thấp khi vẫn đang trong cuộc chiến cạnh tranh về giá.

FRT có lãi trở lại nhưng khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh

Tại báo cáo hợp nhất quý III/2023, doanh thu của FRT đạt 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1,4 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 200) tỷ đồng trong quý II/2023 nhờ tối ưu chi phí.

Trong đó, doanh thu quý III/2023 của chuỗi FPT Shop đạt 4.104 tỷ đồng, tăng 14% so với quý II/2023.

Riêng mảng dược phẩm vẫn là động lực tăng trưởng cho FRT. FPT Long Châu đánh dấu việc vượt kế hoạch mở mới năm 2023 với 447 nhà thuốc mở mới trong 9 tháng đầu năm. Hiệu quả hoạt động nhà thuốc được duy trì, FPT Long Châu ghi nhận mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Do đó, doanh thu 9 tháng năm 2023 của chuỗi FPT Long Châu đạt 11.088 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FRT ghi nhận doanh thu đạt 23.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 197 tỷ đồng, do những khó khăn đến từ mảng bán lẻ ICT.

FRT kỳ vọng quý IV khả quan hơn với đóng góp của doanh thu Iphone 15

FRT kỳ vọng quý IV khả quan hơn với đóng góp của doanh thu Iphone 15

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, FPT Retail cho biết: “Năm 2023 là một năm kinh tế đặc biệt khó khăn và chúng tôi sẽ cố gắng để có kết quả tốt nhất trong quý IV”.

Năm 2023, FRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc tháng đầu năm 2023, FRT đã hoàn thành hơn 68% kế hoạch về doanh thu nhưng còn ở rất xa kế hoạch về lợi nhuận và khó có khả năng đạt mục tiêu.

FPT Retail tiếp tục kiên trì chiến lược tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Về lâu dài, FPT Retail vẫn ưu tiên về chất lượng và trải nghiệm khách hàng, đây mới chính là điều giữ chân khách hàng.

DGW: Biên lợi nhuận gộp giảm do đẩy mạnh chính sách khuyến mại

Công ty cổ phần Thế giới số Digiworld (mã chứng khoán DGW) cho biết, kết thúc quý III/2023, doanh thu đạt 5.413 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với quý trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với quý trước. Hai ngành hàng tăng trưởng mạnh mẽ là laptop tăng 79% và thiết bị văn phòng tăng trưởng 25%, điện thoại di động sụt giảm 19%.

Trước đó, DGW đã đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý III có tăng trưởng nhưng mức tăng thực tế về doanh thu đã vượt 4% so với kỳ vọng và lợi nhuận vượt 2%.

Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, DGW cho biết, doanh thu quý III/2023 của DGW giảm 10,7% nguyên nhân do Công ty thực hiện nhiều chương trình chiết khấu giảm giá bán để tăng doanh thu. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 giảm 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc 9 tháng của 2023, Digiworld đạt 13.968 tỷ đồng doanh thu và 256 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 22% về doanh thu và giảm 50% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 70% kế hoạch năm về doanh thu và 66% kế hoạch về lợi nhuận năm.

Xét về tỷ trọng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023, mảng laptop và máy tính bảng đóng góp 35%, điện thoại di động đóng góp 42%, thiết bị văn phòng đóng góp 17%.

Bức tranh kinh doanh quý III/2023 của DGW.

Bức tranh kinh doanh quý III/2023 của DGW.

DGW tiết lộ chiến lược phát triển theo hàng ngang, tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm mới để phân phối. Thời gian tới đây sẽ phân phối điện thoại thương hiệu ZTE thuộc phân khúc giá rẻ; trong lĩnh vực thiết bị gia dụng, trong 2024 phân phối thêm máy điều hòa, tủ lạnh của Xaomi; trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối sản phẩm của Mitsuei Nhật Bản (nước rửa tay diệt khuẩn, nước rửa chén…)

Ông Đoàn Hồng Việt, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT DGW cho biết, khi thị trường khó khăn Công ty phải tăng khuyến mại nên chi phí bán hàng tăng. Trong quý III, tỷ lệ chi phí hỗ trợ bán hàng chiếm 4% tổng doanh thu, tăng so với các quý khác (trung bình đạt 3,2%). Chi phí tăng nên biên lợi nhuận gộp của DGW giảm. Trong tương lại, lợi nhuận của DGW khả quan hơn nhờ đóng góp của các sản phẩm tốt, chi phí bán hàng trên doanh thu giảm xuống, cải thiện tỷ lệ lãi ròng.

"Thị trường thiết bị công nghệ cạnh tranh gay gắt nên DGW cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Công ty không trực tiếp như các nhà bán lẻ vì mô hình kinh doanh khác, không có sức ép về chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhân viên nên không phải bắt buộc bán hàng và lỗ, ảnh hưởng không nghiêm trọng như nhà bán lẻ khác”, Chủ tịch DGW cho hay.

Trong thời gian tới, DGW vừa đẩy thị phần sản phẩm cũ, vừa tìm kiếm sản phẩm mới có tiềm năng để phân phối. “Nhìn quá khứ, DGW có bước tăng trưởng thần tốc vì ký với nhãn lớn như Apple, xaomi và nhìn dài hạn thì cần có nhiều nhãn hàng hơn. Tôi tin tưởng DGW tăng trưởng liên tục đều không chỉ 1-2 năm mà chục năm nữa”, Chủ tịch DGW Đoàn Hồng Việt khẳng định.

Công ty cũng đang có kế hoạch M&A một số thương vụ tương tự như đã M&A Achison để tăng trưởng nhanh hơn, mở rộng sản phẩm phân phối.

MWG: Lợi nhuận giảm 95%, Chủ tịch không nhận thù lao quý III

Trong quý III/2023, Công ty cổ phần Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) ghi nhận doanh thu đạt 30.287,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 38,82 tỷ đồng, giảm 95,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,1%, về 15,3% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 2,83%, về 0,13%.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ.

Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Doanh nghiệp thông tin khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

Sức mua kém, MWG đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn.

Sức mua kém, MWG đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn.

MWG bước vào chiến dịch giá rẻ quá để đẩy mạnh bán các sản phẩm điện thoại, điện máy - lĩnh vực đóng góp doanh số chủ lực cho công ty. Đây vốn là sản phẩm không thiết yếu nên khi kinh tế khó khăn, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, thắt chặt chi tiêu những sản phẩm này.

Kinh doanh lao dốc, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đã không nhận thù lao trong quý III. Theo báo tài chính hợp nhất quý III/2023 công bố gần đây, MWG ghi nhận Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập hơn 226 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm. Con số này cũng ngang với mức đã ghi nhận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm.

Chiến dịch bán lẻ có thể kết thúc vào cuối 2024?

Nói về cuộc chiến giá rẻ đang diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng: “Cuộc đua về giá không bao giờ là cuộc đua dài hạn, đó chỉ ngắn hạn vì không ai đi kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Cuộc đua này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 mới hết nhưng mức độ cạnh tranh đang giảm dần, không khốc liệt như hồi tháng 4 và tháng 5/2023”.

Riêng mảng laptop, Chủ tịch DGW nhận định quý III/2024 trở đi sẽ có triển vọng sáng hơn khi sản phẩm này bước vào chu kỳ thay mới 3 năm một lần, trước đó quý III/2021 phân phối laptop đã đạt đỉnh.

Phân tích với thị trường Thái Lan, Chủ tịch DGW cho hay, Việt Nam đang tiêu thụ laptop bằng Thái Lan trong khi Việt Nam có dân số 100 triệu dân còn Thái Lan chỉ hơn 60 triệu dân. Dân số cao gấp 1,5 lần, khi kinh tế tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng laptop cũng sẽ tăng cao. Lĩnh vực này sẽ không bão hòa, có nhiều cửa tăng trưởng cả về thị phần và giá trị đều tăng.

Tin bài liên quan