Việc triển khai các tính năng ứng dụng kỹ thuật số là một phần trong chiến lược dài hạn của HSBC.

Việc triển khai các tính năng ứng dụng kỹ thuật số là một phần trong chiến lược dài hạn của HSBC.

Số hóa là chìa khóa của tăng trưởng bền vững

(ĐTCK) Áp lực mà FinTech và TechFin đang tạo ra cho các ngân hàng mang tính tích cực, có thể giúp tạo ra nhiều sự hợp tác, mang đến tiện ích cho khách hàng. Nhưng các ngân hàng truyền thống có tiếp tục giữ vai trò chủ đạo hay không, điều đó tùy thuộc vào cách họ tận dụng các cải tiến của FinTech hiệu quả như thế nào.

Áp lực thay đổi từ công nghệ

Thời gian gần đây, các tiến bộ công nghệ vượt bậc đang làm thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn và thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam. 

Cùng với sự hiện diện của các sản phẩm dịch vụ công nghệ, số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tăng cao đáng kể. Do đó, các doanh nghiệp liên tục nỗ lực để đơn giản hóa và tăng độ dễ tiếp cận đối với các sản phẩm và dịch vụ của mình.

Chúng ta mới chứng kiến giai đoạn đầu của tác động công nghệ số lên nền kinh tế và cuộc sống của mọi người. Hiện chúng ta không thể lường trước được tác động của công nghệ số lên từng cá nhân, doanh nghiệp và cả xã hội. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, công nghệ số sẽ có tác động rất lớn trong tương lai.

Trong khoảng một thập kỷ tới, chúng ta có thể chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số bao gồm trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học. Blockchain cũng bắt đầu được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ngân hàng, mang lại nhiều bước tiến mang tính đột phá.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, công nghệ này vẫn còn khá mới và cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan để tối đa hóa tiềm năng, tạo ra cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng.

Công nghệ  blockchain nói chung có tiềm năng to lớn, có thể mang lại cho nhà băng và các khách hàng của họ nhiều triển vọng, trong đó tính bảo mật được nâng cao, chi phí rẻ hơn và sai sót ít hơn. Công nghệ blockchain có thể loại bỏ rất nhiều những trung gian cả truyền thống (bao gồm ngân hàng) và hiện đại (bao gồm các công ty công nghệ) do người mua và bán sẽ giao dịch trực tiếp với nhau với độ tin cậy cao mà không cần qua trung gian.

Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để thay thế cho một số công việc truyền thống và nâng cao chất lượng ra quyết định cũng đang dần xuất hiện. Trí thông minh nhân tạo sẽ dần thay thế con người cả trong các quyết định phức tạp và quan trọng, vì máy móc có thể tiếp nhận và xử lý một lượng thông tin khổng lồ mà con người không thể làm được và ngày càng thông minh hơn.

Nhận dạng số trở thành cơ sở nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua các yếu tố sinh trắc học như giọng nói, gương mặt hay dấu vân tay. Trong tương lai, mỗi người sẽ không cần phải sử dụng những kiểu nhận dạng truyền thống như chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc mật mã mà gương mặt sẽ là nhận dạng chuẩn nhất.

Các xu hướng này tạo áp lực thay đổi lớn lên các doanh nghiệp. Do đó, việc thay đổi, cải tiến và áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh được xem là yếu tố quan trọng, một xu hướng phát triển tất yếu đối với doanh nghiệp.

Nếu chậm thay đổi, các doanh nghiệp có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường hiện tại lẫn thị trường tiềm năng và nhường chỗ cho những doanh nghiệp nhạy bén hơn. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ số nhằm tăng tính tự động hóa và cắt giảm chi phí.

Ngoài ra, họ chủ yếu tập trung vào công nghệ số cho phần giao diện với khách hàng. Để có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả, các doanh nghiệp cần có chiến lược số hóa toàn bộ doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số nhằm đặt khách hàng vào trung tâm và thay đổi trải nghiệm của khách hàng. 

Liên tục cải tiến trải nghiệm khách hàng

Tại HSBC, trong bối cảnh công nghệ số thay đổi nhanh chóng, chúng tôi xem số hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh doanh bền vững.

Ứng dụng công nghệ giúp các dịch vụ ngân hàng đơn giản hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và cho phép đáp ứng các yêu cầu của khách hàng đối với một ngân hàng trong tương lai cả về mặt tiếp cận, an ninh lẫn tính hiệu quả, nhanh chóng.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi đầu tư vào tăng cường năng lực số hóa trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, xây dựng các nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ việc thanh toán và quản lý các giao dịch thương mại, đơn giản hóa các quy trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Việc triển khai các tính năng ứng dụng kỹ thuật số là một phần trong chiến lược dài hạn của HSBC nhằm giúp khách hàng đơn giản hóa các giao dịch tài chính của mình.

Đối với khách hàng cá nhân, chúng tôi liên tục cải tiến các trải nghiệm ngân hàng di động và ngân hàng điện tử với nhiều tính năng tự phục vụ nhằm hỗ trợ khách hàng chủ động sử dụng các kênh giao dịch trực tuyến tiết kiệm thời gian.

Điều này đồng thời giúp giảm áp lực lên các nhân viên giao dịch ngân hàng, cho phép họ dành thời gian nhiều hơn vào việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hay yêu cầu phức tạp hơn.

Do vậy, càng nhiều công cụ trực tuyến và các nền tảng ngân hàng tự phục vụ được phát triển, chúng ta càng có nhiều cơ hội cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.

Hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (FinTech) cũng là một trong những xu hướng mang tính chiến lược của các tổ chức ngân hàng, nếu họ không muốn bị bỏ lại phía sau khi công nghệ số đang có sự phát triển chóng mặt và nhiều yếu tố công nghệ đột phá mới xuất hiện.

Hợp tác với FinTech có thể giúp các ngân hàng truyền thống hoạt động hiệu quả hơn khi kết hợp được công nghệ mới, sức sáng tạo và linh động của các FinTech với kinh nghiệm, chuyên môn của mình. Các ngân hàng có thể điều chỉnh, tận dụng những cải tiến và công nghệ mới do các FinTech phát triển để nắm bắt các cơ hội mới và thậm chí mở rộng thị phần.

FinTech xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu và những khoảng trống trên thị trường. Mối quan hệ giữa các FinTech và ngành ngân hàng truyền thống thỉnh thoảng được mô tả rằng có sự cạnh tranh khá căng thẳng.

Nhưng thực sự những gì đang diễn ra rất khác. Ngân hàng và FinTech đang hợp tác với nhau, bởi việc hợp tác này có thể giúp ngân hàng tiếp cận các công nghệ mới, còn FinTech tiếp cận được một nền tảng khách hàng lớn của nhà băng, với nguồn vốn và quy mô thị trường lớn hơn.

Một số ngân hàng hiện đang đầu tư vào FinTech, điều này phản ánh sự dịch chuyển từ quan hệ đối thủ sang quan hệ hợp tác. Cụ thể, xu hướng là đầu tư vào công nghệ mới và cung cấp các bổ trợ cho kỹ thuật và hạ tầng hiện tại, thay vì cản trở nhau hay phát triển riêng rẽ.

Các ngân hàng lớn và các FinTech có thể mang lại nhiều giá trị cho nhau. Ngân hàng có nền tảng khách hàng lớn, hạ tầng ổn định, tài sản và sự am hiểu luật pháp. Các công ty khởi nghiệp mang lại lối tư duy cởi mở, chuyên môn kỹ thuật và sự nhạy bén trong việc thích ứng để thay đổi.

Cùng với nhau, cả hai bên có thể đạt được nhiều thành công hơn trong việc cải thiện các dịch vụ tài chính và trải nghiệm khách hàng thay vì cạnh tranh với nhau.

Do đó, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các mối quan hệ đối tác giữa ngân hàng và FinTech trong các năm tới. Bản thân các ngân hàng và FinTech sẽ phải đối mặt với một thế lực mới, TechFin, những công ty công nghệ lớn nhảy vào lĩnh vực tài chính.

Tencent với WeChatpay hoặc Alibaba với Alipay và Ant Financial là những ví dụ về công ty công nghệ đã thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực tài chính.

Nếu các ngân hàng và FinTech không hợp tác chặt chẽ với nhau để cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt nhất, khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp dịch vụ khác. Bởi họ cần dịch vụ tài chính ngân hàng, chứ không cần ngân hàng.

Tại Việt Nam, HSBC đã kết hợp với một FinTech trong nước - VietUnion để giúp cho việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trở nên tiện lợi hơn. Khách hàng có thể dễ dàng và nhanh chóng thanh toán dư nợ thẻ tín dụng HSBC tại bất kỳ điểm bán lẻ nào trong mạng lưới hơn 5.000 điểm kết nối với Payoo. Họ cũng có thể lựa chọn thực hiện giao dịch bằng cách sử dụng ví điện tử Payoo.

Áp lực mà FinTech và TechFin đang tạo ra cho các ngân hàng mang tính tích cực, có thể giúp tạo ra nhiều sự hợp tác, mang đến tiện ích cho khách hàng.

Nhưng các ngân hàng truyền thống có tiếp tục giữ vai trò chủ đạo hay không, điều đó tùy thuộc vào cách họ tận dụng các cải tiến của FinTech hiệu quả như thế nào. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần có chiến lược đào tạo về con người để những nhân viên ngân hàng làm công việc sẽ được thay thế bởi máy móc trong tương lai có thể học được những kỹ năng mới để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Tin bài liên quan