Các khách mời trao đổi tại Talkshow “Mua trước trả sau Tương lai của thanh toán bán lẻ?”. Ảnh: Chí Cường

Các khách mời trao đổi tại Talkshow “Mua trước trả sau Tương lai của thanh toán bán lẻ?”. Ảnh: Chí Cường

Số hóa: Thách thức lớn đối với hình thức mua trước trả sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời đại công nghệ số khi mà tốc độ và sự thuận tiện cho người dùng là những yếu tố then chốt, thì hình thức mua trước, trả sau (BNPL) đang vượt trội trên mọi mặt so với các giải pháp tài chính khác như thẻ tín dụng hay vay nợ.

Tại Talkshow “Mua trước trả sau Tương lai của thanh toán bán lẻ?” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển Dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), Bộ Công thương cho biết, đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng thì việc xuất hiện hình thức thanh toán mới sẽ góp phần làm thị trường nhất là thị trường bán lẻ trở nên sôi động và phát triển.

Theo một nghiên cứu từ Juniper Research có tựa đề “Mua trước trả sau: Khuôn khổ quy định, Bảng xếp hạng các đối thủ cạnh tranh & Dự báo thị trường 2022-2027”, số lượng người dùng BNPL trên toàn cầu sẽ vượt qua con số 900 triệu vào năm 2027. Tại Việt Nam, ResearchAndMarkets.com cho thấy thanh toán BNPL ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng 126% hàng năm, đạt 1,12 tỷ đô la vào năm 2022

“Quy mô thị trường bán lẻ qua thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ đô Mỹ và được dự đoán tăng lên 16,4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022. Với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm thì dư địa để BNPL phát triển là rất lớn”, ông An Sơn cho biết thêm.

Là mô hình kinh doanh mới nổi trong những năm gần đây và nổi bật nhất tại Việt Nam là Fundiin, ông Nguyễn Ảnh Cường, Đồng sáng lập & CEO Công ty Fundiin nhận định: “BNPL có hình thức tương tự như thẻ tín dụng, trong khi tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trên thế giới là hơn 50% - 70%, còn Việt Nam chỉ có hơn 5% sở hữu loại thẻ này. Phần lớn dân số không được tiếp cận hình thức cà thẻ và trả sau từ 30-45 ngày, nên khi BNPL phát triển tại Việt Nam sẽ có nhiều dư địa và tiềm năng hơn nữa”.

Ông Michal Skalicky, Giám đốc Quan hệ Khách hàng, Home Credit Việt Nam nhận định, tại Việt Nam, thị trường vẫn còn sơ khai. Có thể thấy nhiều bạn trẻ rất háo hức sử dụng phương pháp này, nhưng thực tế trên thị trường chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, Home Credit Việt Nam tin rằng, thị trường sẽ còn nhiều dư địa để BNPL và Home PayLater phát triển.

Dư địa lớn là như vậy, nhưng vẫn còn nhiều thách thức nhất định về tương lai của thị trường tiềm năng này.

Ông Ảnh Cường cho biết, rất nhiều Fintech và các công ty công nghệ lớn giai đoạn này đều giảm giá trị do sự thay đổi về mặt định giá của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư. Trước đây, nhà đầu tư muốn đầu tư vào các startup có tốc độ tăng trưởng cao, người sử dụng nhiều mà không quan tâm tới lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, giờ đây họ quan tâm hơn tới các startup có lộ trình để đạt được lợi nhuận trong thời gian ngắn thì mới quyết định đầu tư.

“Do đó, nhiều startup đã gặp vấn đề về sự thay đổi thứ tự ưu tiên từ tốc độ tăng trưởng sang bài toán về lợi nhuận nếu không thể thay đổi nhanh thì khó có thể huy động vốn”, ông Ảnh Cường nói.

Hay như từ góc độ kỹ thuật, ông Michal Skalicky cho biết, mô hình BNPL khá thách thức, buộc các công ty phải số hóa hoàn toàn trong việc lựa chọn khách hàng để cho vay một cách chính xác và nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ COD (thanh toán khi nhận hàng) vẫn còn cao, theo ông An Sơn là khoảng 73% trong năm 2021. Trong 27% còn lại thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, có thể nói họ đã quen với hình thức này và có mức thu nhập ổn định, nên có thể họ sẽ không quan tâm lắm đến hình thức BNPL. Vì vậy, thách thức đặt ra sẽ là làm thế nào để trong số người tiêu dùng đang sử dụng COD quay qua sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, trong đó có BNPL.

“BNPL sẽ phát huy hiệu quả ở những đơn hàng có giá trị cao từ 5 triệu đồng trở lên. Số lượng đơn hàng ở khoảng này chỉ chiếm khoảng 43% thị trường. Điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quy mô và không gian phát triển cho BNPL”, ông An Sơn nói.

Ngoài ra, theo các diễn giả, khó khăn thách thức còn đến từ hành lang pháp lý chưa song hành cùng sự phát triển của thị trường này. Được biết, về các chính sách đang được hoàn thiện, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng dựa theo kế hoạch của Chính phủ, cũng đang liên tục nghiên cứu cập nhật để hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời, phát triển các giải pháp, hạ tầng quan trọng để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cụ thể, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (CeCA.gov.vn), Trục thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử KeyPay Escrow... Từ phía NHNN vẫn đang chuẩn bị ban hành Nghị định sandbox cho Fintech tại Việt Nam.

Tin bài liên quan