Sự ra đời của các quỹ ETF mới và nhanh chóng hút vốn lớn tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường.

Sự ra đời của các quỹ ETF mới và nhanh chóng hút vốn lớn tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường.

Sôi động huy động vốn ở các quỹ mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngành quỹ trở nên sôi động trong 2 năm gần đây với sự ra đời của nhiều quỹ mới, thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, trái ngược với tình cảnh trước đó là việc huy động vốn gần như bất khả thi.

Quy mô nhiều quỹ tăng vọt

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường Việt Nam hiện có 48 công ty quản lý quỹ, trong đó Công ty cổ phần Quản lỹ quỹ đầu tư Pacific Bridge tạm dừng hoạt động, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Lộc Việt bị giám sát đặc biệt, Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Đông Á đang làm thủ tục giải thể.

Tính đến tháng 9/2020, tổng số lượng quỹ hoạt động trên thị trường là 52, trong đó có 33 quỹ mở, 2 quỹ đóng, 10 quỹ thành viên, 6 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) mà các quỹ quản lý là 43.862 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF trong 9 tháng đầu năm lên đến 6.884 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cả năm 2019, trong đó có 4 quỹ ETF mới phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) thành công.

Không khó để nhận thấy, tốc độ phát triển của các sản phẩm quỹ ETF, quỹ mở và quỹ đầu tư trái phiếu trong những năm qua, nhưng sự phân hoá cũng rõ nét về tổng NAV quản lý.

Cụ thể, quỹ đầu tư trái phiếu tăng trưởng mạnh, tổng NAV lên đến 16.625 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 79,14%, với việc áp dụng công nghệ số, đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn nên thu hút nhà đầu tư, chẳng hạn quỹ trái phiếu của Techcombank, các quỹ trái phiếu của IPAAM, MB Capital và Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) .

Bên cạnh đó, sự ra đời của các quỹ ETF mới và nhanh chóng hút vốn lớn tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường. Như Quỹ ETF VFMVN30 hấp dẫn dòng vốn Thái Lan, Hàn Quốc, đưa tổng NAV lên quy mô 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Trong tháng 9/2020, Quỹ CTBC Vietnam Equity Fund giải ngân hàng trăm tỷ đồng để mua chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF.

CTBC Vietnam Equity Fund được thành lập ngày 25/8/2020 thuộc sở hữu của CTBC Investments - một trong những công ty quản lý tài sản hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc). Dragon Capital là đơn vị tư vấn cho quỹ mới này. Quy mô vốn cam kết ban đầu của Quỹ là 160 triệu USD (khoảng 3.700 tỷ đồng).

Với Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD, quy mô NAV tăng lên 800 - 900 tỷ đồng. Còn Quỹ MAFM VN30 ETF kỳ vọng huy động được 100 - 200 tỷ đồng trong giai đoạn đầu, dự kiến sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng trong vòng 1 năm. SSIAM vừa thành lập thêm 2 quỹ đầu tư tư nhân (PE) mới với quy mô huy động vốn dự kiến 100 - 150 triệu USD.

Cầu nối dòng vốn ngoại

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết, vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư lớn và các quỹ ETF. Trong đó, vốn vào nhanh và năng động là quỹ ETF.

Việc rót vốn vào ETF là đơn giản nhất, nhanh nhất, vì đây là loại quỹ đầu tư vào nhóm cổ phiếu minh bạch thông tin nhất trên thị trường. Sự phát triển của các quỹ ETF là xu hướng trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.

Các quỹ ETF có tính chất là cầu nối dòng vốn từ những thị trường lớn vào thị trường mục tiêu tiềm năng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, các quỹ ETF có tính chất là cầu nối dòng vốn từ những thị trường lớn vào thị trường mục tiêu tiềm năng.

Đây cũng là cách dễ dàng để các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn đầu tư vào thị trường, thay vì mở tài khoản trực tiếp, chuyển tiền và giao dịch với nhiều thủ tục hơn.

Không ít ý kiến nhìn nhận, các quỹ thu hút được vốn ngoại trong thời gian gần đây chủ yếu là để đón đầu cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, nâng hạng chỉ là một yếu tố, bản chất vấn đề vẫn là nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

Kể cả trong đại dịch Covid-19, Việt Nam tạo được niềm tin khi kiểm soát dịch bệnh thành công, nền kinh tế hồi phục nhanh và Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Soh Jin Wook, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Việt Nam đánh giá, sự gia tăng số lượng và quy mô các quỹ đầu tư tại Việt Nam cho thấy một khía cạnh của sự phát triển thị trường tài chính.

Đặc biệt, trong năm nay, nhiều chính phủ trên thế giới đã cung cấp thanh khoản lớn cho hệ thống tài chính.

Việt Nam đã làm điều tương tự để thúc đẩy nền kinh tế, qua đó, một phần thanh khoản chảy vào thị trường chứng khoán. Các quỹ mới được thành lập không phải vì một lý do cụ thể/duy nhất.

Các công ty đầu tư liên tục khám phá những cơ hội mới, bất chấp môi trường khó khăn, đây là một trong những khía cạnh cốt lõi của ngành đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó giám đốc SSIAM nhận xét, trong thời gian qua, thị trường Việt Nam thu hút được dòng vốn qua các quỹ ETF, PE và một số quỹ chủ động sau một thời gian dài không có quỹ mới là tín hiệu tích cực.

Việc khối ngoại có động thái bán ròng trên thị trường niêm yết phản ánh một phần xu hướng tái cấu trúc phân bổ đầu tư trên toàn cầu, cũng như các quỹ đóng hiện hữu trên thị trường có sự dịch chuyển một phần danh mục từ niêm yết sang công ty tư nhân hoặc chưa niêm yết.

Theo ông Dũng, yếu tố nâng hạng thị trường không đóng góp nhiều vào khả năng thu hút dòng vốn ngoại hiện tại.

Việt Nam có thể vẫn nằm ở nhóm thị trường cận biên trong 1 vài năm nữa, trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Dòng tiền đầu tư vào các quỹ cận biên hiện chưa nhiều. Yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm kể từ đầu quý II tới nay chủ yếu là dòng vốn giá rẻ tại thị trường nội địa.

Lãi suất có xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay đã kích thích dòng tiền tiết kiệm dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó đầu tư vào thị trường chứng khoán là lựa chọn tốt thứ hai sau đầu tư vào bất động sản. Với thế hệ 8x và 9x, chứng khoán là kênh ưu tiên đầu tư số 1 của thế hệ trẻ này.

Vì vậy, mặc dù khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong nhiều tháng qua nhưng thị trường chứng khoán vẫn ổn định và tăng trưởng.

Thanh khoản tăng mạnh, dù vốn hóa thị trường chưa thật sự lớn. Sự dịch chuyển mạnh mẽ hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy các quỹ đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam để có thể hưởng lợi trong quá trình nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các quỹ mới tham gia vào Việt Nam giai đoạn này chủ yếu nhắm tới triển vọng tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn.

Dự báo, các loại hình quỹ ETF, quỹ PE sẽ tiếp tục thu hút nhiều vốn nhất, trong khi các quỹ mở cổ phiếu gặp khó khăn trong huy động vốn do các nhà đầu tư nội địa không quá hứng thú với việc đầu tư gián tiếp qua quỹ, mà muốn tự đầu tư.

Các quỹ trái phiếu nhiều khả năng vẫn là kênh huy động vốn mạnh mẽ trên thị trường bởi tính ổn định và tương đối chắc chắn so với các quỹ cổ phiếu. Quy mô các quỹ mở trái phiếu có thể sẽ tăng trưởng mạnh và lớn hơn nhiều các quỹ mở cổ phiếu trong thập niên tới.

“Đối với ngành quản lý quỹ, việc duy trì tính hấp dẫn và cạnh tranh về lợi suất đầu tư trên các sản phẩm hiện hữu là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, năng lực nghiên cứu và khả năng cho ra mắt thường xuyên các sản phẩm đầu tư đạt tiêu chuẩn, có tính đa dạng hơn cho nhu cầu của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ là yếu tố định hình vị thế cạnh tranh lâu dài của các đơn vị quản lý quỹ trên thị trường”, ông Dũng nói.

Tin bài liên quan