Sôi động thị trường các-bon

Sôi động thị trường các-bon

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố đợt hai của Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các dự án các-bon thấp (CFA), với quy mô tài trợ hàng triệu USD cho một dự án.

Đại sứ quán Anh đang tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Cổng thông tin nhận đề xuất hiện đã được mở để các đại diện doanh nghiệp có thể nộp đề án trực tuyến.

Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư...

Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang một tương lai phát thải ròng bằng 0, chống chịu với biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp của Vương quốc Anh có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư tài chính xanh. Các dự án các-bon thấp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát thải ròng bằng 0.

Chương trình CFA đợt đầu tiên, được công bố tại Việt Nam vào năm 2022, rất thành công. Nhiều dự án tham gia trong đợt đầu đều đã có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng thông qua chương trình.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, Công ty tiếp tục đóng vai trò là đối tác thực hiện Chương trình CFA Việt Nam, tập hợp các tổ chức tài chính và các dự án sáng tạo, thân thiện với khí hậu để hỗ trợ các tham vọng về khí hậu của Việt Nam. Sáng kiến này cho phép cộng đồng đầu tư trong nước và quốc tế thấy rõ các cơ hội đầu tư về dự án các-bon thấp tại Việt Nam.

Nhận thức thị trường các-bon đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam, tuần trước, Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) đã ký kết hợp tác chiến lược với STACS - công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á, có trụ sở chính tại Singapore.

Theo thỏa thuận hợp tác, Bamboo Capital sẽ sử dụng nền tảng kỹ thuật số ESGpedia do STACS phát triển để thực hiện báo cáo ESG. Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững của Bamboo Capital, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về phát thải CO2 tại Việt Nam, cũng như tạo lập thị trường chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) vốn còn khá mới mẻ tại Việt Nam trong tương lai.

Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra (1 REC = 1 MWh). Ngoài doanh thu bán điện, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo còn có thêm nguồn thu thụ động từ việc bán chứng chỉ REC. Mua chứng chỉ REC cho phép các doanh nghiệp khấu trừ hạn ngạch phát thải CO2 mình tạo ra và chứng minh quy trình sản xuất của công ty thân thiện với môi trường, thõa mãn điều kiện “xanh hóa” từ đối tác quốc tế mà không cần trực tiếp sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù REC là công cụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của châu Á nhưng việc truy xuất nguồn gốc REC và đảm bảo không có giao dịch kép đang là một thách thức lớn. Bamboo Capital sẽ sử dụng ESGpedia để ghi nhận chi tiết các dữ liệu REC tạo ra và các giao dịch mua bán REC với đối tác để những doanh nghiệp tham gia thị trường REC có thể dễ dàng tiếp cận thông tin minh bạch và ra quyết định đầu tư chính xác.

Hiện trên thế giới có 46 quốc gia, 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá các-bon với sự tham gia của hàng chục ngàn doanh nghiệp, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.

Tín chỉ các-bon là một loại mặt hàng khá mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính.

Phát triển thị trường tín chỉ các-bon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ các-bon vẫn phụ thuộc vào bên thứ ba là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Tín chỉ các-bon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó, trao đổi tín chỉ các-bon còn được gọi là thị trường các-bon. Thông qua thị trường các-bon, có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện các cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỷ đồng thông qua bán tín chỉ các-bon từ các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ các-bon thấp tiên tiến của Nhật Bản.

Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam thì thị trường các-bon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028.

Tin bài liên quan