Nhiều doanh nghiệp lớn đang tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp lớn đang tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Soi kế hoạch 2018 của những doanh nghiệp đầu ngành

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh 2018 lạc quan với những dự án đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường mới…, nhưng cũng có doanh nghiệp thận trọng, đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận ở mức khiêm tốn.

Sẵn sàng những bước tiến lớn

Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) là một trong những doanh nghiệp có quy mô, năng lực sản xuất hàng đầu ngành nhựa bao bì trong nước và trong khu vực. Những năm qua, AAA được xem là hình mẫu thành công của doanh nghiệp Việt Nam hướng ra thế giới, lấy đầu tư vào năng lực sản xuất làm động lực phát triển. Khởi đầu với 1 nhà máy sản xuất bao bì nhựa công suất 10.800 tấn/năm, tính đến cuối năm 2017, AAA đã có 7 nhà máy với khả năng cung cấp 96.000 tấn sản phẩm/năm.

AAA đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở mức cao, bình quân tương ứng là 28,6% và 32,4% trong giai đoạn 2013 - 2017; sản phẩm được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… chấp nhận.

Sau năm 2017 thành công với kết quả kinh doanh vượt kế hoạch, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, AAA lên kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 25,3% so với năm 2017, trong đó đầu tư nâng cao năng lực sản xuất là động lực duy trì tăng trưởng.

Cụ thể, AAA sẽ đầu tư Nhà máy số 8 và số 9 sản xuất bao bì tự hủy sinh học, bao bì màng nhiều lớp và nhựa kỹ thuật cao, nhựa chi tiết phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, với nguồn vốn dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Công ty cũng dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái (HII), đơn vị đang sở hữu nhà máy nhựa phụ gia lớn nhất Việt Nam với công suất thiết kế 372.000 tấn sản phẩm nhựa phụ gia CaCO3 (PP-PE) và bột đá siêu mịn CaCO3 mỗi năm.

Việc này một mặt giảm rủi ro nguyên liệu đầu vào, mặt khác gia tăng doanh thu, lợi nhuận khi sản phẩm của HII còn hướng đến các thị trường xuất khẩu.

Đầu tư để phát triển cũng là chiến lược được doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ điện tử, điện máy là Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) thực hiện. Sau khi kết thúc năm 2017 với doanh thu tăng 49%, lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với năm 2016 và mở thêm 742 siêu thị trên toàn quốc, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, MWG đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu tăng 30%, lợi nhuận sau thuế tăng 18% so với năm 2017, đồng thời thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 4.400 tỷ đồng cho các công ty trong Tập đoàn.

Đáng chú ý là chuỗi Bách hóa xanh với quy mô vốn tăng thêm lên đến 3.000 tỷ đồng trước mắt hướng tới 500 cửa hàng vào cuối quý II/2018.

Bách hóa xanh được xem là một bước chuyển trong chiến lược của MWG khi quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn và mảng kinh doanh điện máy có xu hướng bão hòa. Sau giai đoạn tập trung nguồn lực mở rộng hệ thống siêu thị bán lẻ điện tử, điện máy mang thương hiệu Thế giới di động và Điện máy xanh, giờ đây Bách hóa xanh được chọn như là động lực tăng trưởng mới.

Thời gian qua, hiệu quả của mảng kinh doanh Bách hóa xanh chưa cao, biên lợi nhuận gộp thấp, tỷ lệ hư hao cao và doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo MWG tự tin sẽ giải quyết những khó khăn và vận hành trơn tru mảng kinh doanh này từ giữa năm 2018.

Công ty cổ phần FPT (FPT) cho biết trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, Công ty dự kiến dành ngân sách 3.726 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư trong năm 2018, trong đó khối viễn thông được phân bổ 2.005 tỷ đồng, khối công nghệ 1.210 tỷ đồng, còn lại là đầu tư và giáo dục.

Sau khi thoái vốn khối bán lẻ và phân phối trong năm 2017, bước sang năm 2018, FPT lên kế hoạch doanh thu giảm 50%, lợi nhuận sau thuế giảm 18,1% do không còn hợp nhất hai mảng này. Công ty kỳ vọng, các khối kinh doanh còn lại sẽ tăng trưởng nhanh hơn, sớm bù đắp khoảng trống của khối bán lẻ, phân phối.

Với mảng công nghệ, FPT hướng đến tăng trưởng 9,6% về doanh thu và 29,1% về lợi nhuận trong năm 2018. Trong đó, chiến lược hướng về xuất khẩu phần mềm tiếp tục là trọng tâm với mục tiêu doanh thu từ nước ngoài tăng 35%, gấp đôi số vụ thắng thầu so với năm 2017. Bên cạnh đó, đầu tư trọng điểm vào trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ robot…, tìm kiếm các cơ hội mua bán - sáp nhập ở Mỹ, Nhật Bản để phát triển năng lực và công nghệ chiến lược.

Đối với mảng viễn thông, FPT đề ra mục tiêu tăng 13,2% doanh thu và 14% lợi nhuận với các nội dung truyền hình trả tiền, dịch vụ viễn thông, nội dung số… đều được đẩy mạnh đầu tư.

Nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2018. Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPB) đã thông qua các mục tiêu: vốn điều lệ tăng 71,9%, lợi nhuận trước thuế tăng 33%, tổng tài sản tăng 29%, nợ xấu dưới 3%...

Để thực hiện kế hoạch này, VPB tiếp tục chiến lược định hướng của ngân hàng bán lẻ, phát triển dựa trên bốn trụ cột: tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, con đường làm nên thành công giai đoạn 2012 - 2017.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018 cho thấy, mục tiêu của Ngân hàng là huy động vốn tăng 11%, tổng tài sản tăng 11%, vốn điều lệ tăng 19%, lợi nhuận trước thuế tăng 47%... Ngân hàng dự kiến sẽ tập trung đầu tư cho hạ tầng công nghệ, nhận diện thương hiệu, bán chéo giữa các thành viên trong tập đoàn, đặc biệt là triển khai dự án ngân hàng số, thí điểm các điểm giao dịch tự động (autobaking).

Các ngân hàng khác như VIB, VCB, Techcombank… lên kế hoạch kinh doanh tích cực cùng nhiều phương án, chiến lược mới nhằm tận dụng cơ hội phát triển.

Thận trọng để bước đi xa hơn

Một số doanh nghiệp lớn ngành thép, cao su thiên nhiên thể hiện rõ sự thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), năm 2017 thành công với doanh thu tăng 38,3%, lợi nhuận sau thuế tăng 21,3% so với năm 2016. Dù giá thép vẫn đang có diễn biến tăng, nhưng Ban lãnh đạo HPG nhận định, năm 2018, tình hình hoạt động sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực dự báo có diễn biến phức tạp, kinh tế tăng trưởng không đồng đều và còn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ gia tăng...

Do đó, HPG đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu tăng 17,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tương đương năm 2017. Trọng tâm năm nay của HPG là hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 1 Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, cho ra sản phẩm từ quý III/2018, tạo tiền đề cho “bước nhảy vọt mới” những năm tiếp theo, hướng đến mục tiêu đứng thứ nhất về sản lượng tại Việt Nam, thứ nhì Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đa dạng các sản phẩm đầu ra, đặc biệt là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ, chế tạo, nội thất văn phòng, triển khai các dự án bất động sản, sản xuất tôn mạ…

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Ban lãnh đạo đánh giá, ngành thép có triển vọng khả quan, nhưng sẽ đối mặt với những thách thức như như giá thép biến động, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, các thị trường lớn gia tăng phòng vệ thương mại, bảo hộ sản xuất gây khó khăn cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cùng ngành nâng cao công suất…

Theo đó, HSG lên kế hoạch doanh thu tăng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 2% trong niên độ tài chính 2017 - 2018. Định hướng của HSG là tập trung vào các sản phẩm và lĩnh vực truyền thống như tôn, thép, nhựa, vật liệu xây dựng. Trong đó, 40 - 50% sản lượng tiêu thụ hướng đến xuất khẩu.

Giá mủ cao su giảm từ nửa cuối năm 2017 đến nay khiến Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) và Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), 2 doanh nghiệp lớn nhất trong nhóm cao su thiên nhiên niêm yết lên kế hoạch kinh doanh năm 2018 với giá bán mục tiêu giảm từ 8 - 9% so với bình quân năm 2017. PHR đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ, dù kỳ vọng thu nhập từ các mảng kinh doanh như thanh lý cây cao su, khu công nghiệp, gỗ… bù đắp cho lợi nhuận bán mủ cao su suy giảm. Với DPR, doanh thu từ cao su, dịch vụ dự kiến giảm 12,5% so với năm 2017.

Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, xi măng, vật liệu xây dựng, vận tải, chăn nuôi, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, phân bón… nhận định có không ít khó khăn trong năm 2018 nên ưu tiên vượt qua khó khăn, tránh suy giảm doanh thu, lợi nhuận, hơn là đặt mục tiêu tăng trưởng.

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên là dịp quan trọng để lãnh đạo, ban điều hành doanh nghiệp và cổ đông cùng ngồi lại, nhận diện thuận lợi cũng như thách thức cho một năm kinh doanh mới. Tùy thuộc sự khác nhau trong mỗi lĩnh vực hoạt động, mỗi doanh nghiệp đều đã và đang xây dựng phương án kinh doanh nhằm tối ưu nguồn lực, phấn đấu đạt hiệu quả kinh doanh cao. Dù thuận lợi hay khó khăn, điều quan trọng nhất chính là ban lãnh đạo, cổ đông tìm được sự đồng thuận, tiếng nói chung để cùng nhìn về một hướng, hướng đến sự phát triển lâu bền của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan