“Sống - chín” chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp

“Sống - chín” chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp

(ĐTCK) Kỳ vọng của cổ đông về làn gió mới đến từ việc tái cơ cấu tại nhiều doanh nghiệp đã biến thành... vô vọng. Đặc biệt ở những doanh nghiệp "5 cha, 3 mẹ".

Câu chuyện tái cấu trúc để nâng chất hoạt động đã được không ít lãnh đạo DN niêm yết hạ quyết tâm từ 1 - 2 năm nay, nhưng đa phần mới dừng ở giai đoạn… hô khẩu hiệu!

“Sống - chín” chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp ảnh 1Câu chuyện tái cơ cấu tại Sudico dường như vẫn giậm chân tại chỗ

 

Từ chuyện của Sudico…

ĐHCĐ thường niên CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) năm 2012 diễn ra trong căng thẳng. Bên cạnh cuộc “so găng” giữa nhóm NĐT mới (mà ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch HĐQT Sudico) làm đại diện, với cổ đông lớn -Tổng công ty Sông Đà trong việc phân phối cơ cấu quyền lực HĐQT nhiệm kỳ mới, thì những vấn đề liên quan đến thực trạng tài chính, sai phạm của Ban lãnh đạo cũ và tái cấu trúc Sudico cũng dẫn đến những tranh cãi nảy lửa…

Tại cuộc họp này, HĐQT Sudico, trực tiếp là ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT đã hứa sẽ báo cáo lại cổ đông trong thời gian sớm nhất về việc điều tra các sai phạm trên. Ông Bình cũng cam kết sẽ hỗ trợ Sudico nhiều nhất có thể để tái cấu trúc hoạt động, đẩy mạnh Dự án Nam An Khánh. Với những lời hứa này, kết thúc cuộc họp, nhiều cổ đông đã bày tỏ sự kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới của Sudico. Tuy nhiên, kỳ vọng này đến thời điểm hiện tại có nguy cơ biến thành… vô vọng!

Hơn 1 năm sau ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012, không chỉ lời hứa lật lại và chỉ rõ nguyên nhân sai phạm chưa được thực hiện, câu chuyện quan trọng hơn là lộ trình tái cấu trúc Sudico dường như cũng chưa đi được bao nhiêu!

Dự án Khu đô thị Hòa Hải đã bị đặt dấu hỏi về khả năng thu hồi vốn, nhưng theo nhận xét từ một nguồn tin của ĐTCK là, những đặc điểm về cơ cấu quyền lực tại Sudico dẫn đến việc không ai dám quyết cắt lỗ dự án này. Theo vị này, đại diện phần vốn nhà nước tại Sudico (sở hữu 36,65%) sẽ không có động lực mạnh để cắt lỗ. Trong khi đó, nhóm quyền lực còn lại, do ông Bình làm đại diện thì càng không muốn hạch toán rõ ràng khoản này, do liên quan đến vấn đề lỗ/lãi và câu chuyện hủy niêm yết.

Dự án Nam An Khánh, dù đã được các nhóm cổ đông lớn hứa hẹn nhiều trong các cuộc gặp gỡ riêng lẻ về việc rót vốn đẩy nhanh tiến độ, khi thuyết phục NĐT ủng hộ mình trước kỳ họp ĐHCĐ 2012, nhưng vì những lý do cả chủ quan và khách quan, vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Chia sẻ với ĐTCK, một NĐT cá nhân lớn, người đã từng hết lòng ủng hộ ông Bình, nói: “Sudico là một sự lựa chọn sai lầm của tôi. Lẽ ra, tôi nên ủng hộ cổ đông Sông Đà, bởi có thể, với vai trò và vị trí từng có, họ sẽ có động lực cải tổ mạnh Sudico mạnh hơn”.

 

Đến việc “xấu xa đậy lại”

Bên lề hội thảo M&A do Báo Đầu tư tổ chức, lãnh đạo 1 CTCK lớn nhận định, sau một thời gian chạy đua với thị trường, lẽ ra các DN BĐS rất cần cấu trúc lại, nhưng rất nhiều đơn vị làm không ra đầu ra đũa, thậm chí không muốn tái cấu trúc!

Lý giải về nhận xét trên, vị này cho hay, nhiều DN BĐS thừa hiểu rằng, thực tế họ đã âm vốn chủ từ rất lâu. Do đó, việc tái cấu trúc không phải là câu chuyện lợi ích của họ, mà là lợi ích của… các chủ nợ. “Trong khi đó, đến thời điểm này, nhiều DN nói trên vẫn báo cáo đẹp, vốn chủ sở hữu vẫn lớn. Cứ giữ nguyên thì họ cũng không mất nhiều hơn, mà uy tín, lợi ích cá nhân vẫn còn. Khi nào ung nhọt bung ra thì họ sẽ buông tay thôi”, vị này nhận xét.

Một phép tính đơn giản là: một dự án BĐS, DN có 30% vốn đối ứng để triển khai ban đầu. Thậm chí, với chiêu hạch toán tăng tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến, DN hoàn toàn có thể “tay không bắt dự án”. Chính điều này dẫn đến tình trạng, khi BĐS giảm giá, nhiều DN chây ì, vì họ hiểu rằng, nếu bán thì phải hạch toán lỗ.

“Tôi đã làm việc với rất nhiều DN và thấy rằng, việc cố tình không công nhận sự mất mát thực sự là yếu tố cản lùi đà tái cấu trúc ngành BĐS. Với thực trạng này, chỉ khi nào những ông chủ thực sự của DN, là các chủ nợ, chứ không phải cổ đông, tham gia vào quá trình tái cấu trúc, thì lúc đó, hoạt động này mới thực sự diễn ra”, vị này nhận xét.

 

Và những DN “năm cha, ba mẹ”

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, giám đốc một DN niêm yết ngành vận tải biển từng chua xót nói: Lẽ ra tình hình thanh khoản và giá trị vốn chủ sở hữu thực của công ty cao hơn rất nhiều, nhưng giờ thì buồn lắm! Sự than thở bất lực này có nguyên nhân, bởi ngay từ năm 2011, 2012, khi thấy tình hình kinh doanh ngành vận tải biển khó khăn, xác định mục tiêu phải thanh lý một số tàu để đảm bảo thanh khoản cho công ty, ban lãnh đạo đã tích cực tìm kiếm đối tác để bán, song song với việc làm tờ trình cho phép thanh lý các tàu đã già.

Thế nhưng, thương trường xoay vần nhanh, còn thủ tục hành chính thì… chậm rãi. Sau thời gian dài chờ đợi, đến khi được phép bán thì ban điều hành không ai dám quyết vì sợ mang tội “làm thất thoát tài sản nhà nước” do giá tàu đã giảm mạnh.

“Bây giờ nếu bán tàu đi, giá chỉ còn phân nửa thời điểm đề xuất”, vị giám đốc cho biết. Và những con tàu vẫn nằm phơi mưa nắng, bất động như tiến trình tái cấu trúc vốn đã được công bố rầm rộ từ khi DN này làm tờ trình xin… bán tài sản!