Sóng M&A ngành nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sôi động trong nhóm ngành nước thời gian gần đây.

Thêm thương vụ “chốt” vào cuối năm

CTCP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) vừa đăng ký mua vào gần 20,4 triệu cổ phiếu của CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water, mã SII). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 11/12/2023 đến ngày 9/1/2024, thông qua hình thức mua thoả thuận từ các cổ đông hiện hữu, không chào mua công khai.

Trước đó, đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của SII (tổ chức hôm 24/11) đã thông qua nội dung này. Đổi lại, DNP Water sẽ hỗ trợ vốn cho SII thực hiện thanh toán các công nợ hiện hữu tối đa không quá 20% tổng tài sản của SII ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.

Nếu kế hoạch M&A thành công, DNP Water sẽ nâng số lượng cổ phần nắm giữ tại Saigon Water từ hơn 12 triệu đơn vị (chiếm 19% vốn điều lệ) lên hơn 32,6 triệu đơn vị (tỷ lệ 50,61%) và biến Saigon Water thành công ty con của mình.

DNP Water hiện đang sở hữu 12 công ty con, 7 công ty liên kết liên quan đến ngành nước; đồng thời nắm giữ 2 dự án nước có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng tại Quảng Bình và Khánh Hoà, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 43% và 45%.

Để thâu tóm thành công Saigon Water, DNP Water dự kiến phải chi ra hơn 428,4 tỷ đồng, nếu tính theo thị giá SII ngày 14/12/2023 (21.000 đồng/cổ phiếu).

Làn sóng M&A trong ngành nước đã xuất hiện từ cuối năm 2021, đầu năm 2022. Năm 2022, Tổng công ty Nước Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) đã mua vào cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2, đưa hai doanh nghiệp này trở thành công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu đến cuối năm 2022 lần lượt là 24,64% và 48,86%. Biwase gia tăng sở hữu tại Công ty Cấp nước Gia Tân và Công ty Cấp nước Đồng Nai, với tỷ lệ sở hữu đến cuối năm 2022 lần lượt là 31,52% và 18,53%.

Năm nay, ngoài thương vụ DNP Water thâu tóm Saigon Water, còn một số thương vụ M&A nổi bật như Biwase gia tăng sở hữu tại CTCP Cấp nước Vĩnh Long (mã VLW), CTCP Cấp thoát nước Long An (mã LAW) và CTCP Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An…; CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) mua thêm cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại CTCP Cấp nước Cà Mau (mã CMW). Ngoài ra, TDM cũng dự kiến mua thêm cổ phần tại CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.

“Kích hoạt” bởi tiềm năng của ngành

Để thâu tóm thành công Saigon Water, DNP Water dự kiến phải chi ra hơn 428,4 tỷ đồng.

Đầu ra là sản phẩm thiết yếu với đời sống người dân, nên đa số doanh nghiệp ngành nước có lợi nhuận ổn định. 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Nước Thủ Dầu Một đạt doanh thu 457 tỷ đồng, lợi nhuận 240 tỷ đồng, tăng trưởng 28% và 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Nước Thủ Dầu Một đã đầu tư gần 1.100 tỷ đồng vào Biwase, với tỷ lệ sở hữu 37,42% nên trong 9 tháng đầu năm nhận được nhận khoản tiền cổ tức hơn 94 tỷ đồng từ đơn vị này.

Cùng thời gian, CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng (mã LDW) ghi nhận doanh thu 226,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 62,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái…

Tại Biwase, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 528,7 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, nhìn rộng ra, có thể thấy, suốt 10 năm qua, từ năm 2012 – 2022, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20,1%, tăng trưởng bình quân lợi nhuận gộp đạt 18,4%. Thậm chí, trong vài năm trở lại đây, biên lãi gộp của Biwase duy trì ổn định trên 40% - mức khá cao so với nhiều ngành kinh doanh khác.

Nhìn về dài hạn, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, ngành nước sẽ có triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ quy mô dân số đông và quá trình đô thị hoá ngày càng tăng, đời sống của người dân được cải thiện, vốn FDI tăng…

Trong một báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, Biwase sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ nước tăng tại tỉnh Bình Dương khi FDI tại tỉnh này tăng, tỷ lệ thuận với nhu cầu sử dụng nước của các khu công nghiệp. Biwase lại là doanh nghiệp duy nhất phân phối nước sạch trên địa bàn. Ngoài ra, việc Dự án Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 - 2026 dẫn đến nhu cầu nước sạch tăng mạnh tại tỉnh Đồng Nai và đối tượng hưởng lợi là Biwase và Công ty Nước Thủ Dầu Một (do có cổ phần tại Công ty Cấp nước Đồng Nai).

Bộ phận Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng trưởng ổn định khoảng 5%/năm trong những năm tới.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành nước sẽ là chất xúc tác thúc đẩy các thương vụ M&A ngành này tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Tin bài liên quan