Start-up cần chú ý bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà sáng lập chỉ tập trung vào các hoạt động phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, thu hút khách hàng…, mà quên đi một vấn đề quan trọng không kém, đó là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Start-up cần chú ý bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp

Với start-up, tài sản sở hữu trí tuệ được xem là loại tài sản có giá trị lớn nhất và đóng vai trò chủ chốt trong quyết định rót vốn của nhà đầu tư. Tài sản sở hữu trí tuệ bao gồm nhiều dạng như tên thương mại, bí mật kinh doanh, các bằng sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả…

Tại Mỹ, một vài thập kỷ trước, tài sản sở hữu trí tuệ chỉ chiếm khoảng 20% tài sản doanh nghiệp, nhưng đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình của doanh nghiệp chiếm khoảng 80% và đến năm 2015 là 87%.

Điều đó cho thấy, việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ là vấn đề sống còn với bất cứ doanh nghiệp cũng như start-up nào. Tuy nhiên, tại Việt Nam, không ít start-up chưa hiểu rõ về tài sản sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của loại tài sản này trong khởi nghiệp. Từ đó, họ thường lơ là hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc nếu nảy sinh tranh chấp, kiện tụng.

Một start-up Việt Nam trong mảng phần mềm quản lý gọi món tại nhà hàng (muốn giấu tên) từng chia sẻ về việc giành nhiều giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp. Sau khi sản phẩm hoàn thiện, bắt đầu tiến hành kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp, cả nhóm mới phát hiện phần mềm của mình đã bị một bên khác làm giống hệt và đăng tải nhiều trên nhiều phương tiện truyền thông.

“Trước khi thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã nghĩ đến việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng vì bận rộn và nguồn vốn lúc đầu còn hạn hẹp, cả nhóm đành gác chuyện đăng ký qua một bên. Đến lúc ý tưởng bị sao chép, mọi người mới gấp rút tìm cách giải quyết”, một thành viên kể lại. May mắn rằng, nhờ sự trợ giúp kịp thời của nhiều phía, start-up đã kịp thời xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm của mình trước bên kia.

Theo các luật sư và chuyên gia trong ngành, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng quan trọng không kém việc phát triển sản phẩm hay kêu gọi vốn đầu tư. Khi nhà sáng lập có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ cho start-up, họ sẽ tránh bị người khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình cũng như tránh xâm phạm quyền của người khác.

Một trong những lỗi điển hình mà các start-up hay gặp phải là sử dụng tên thương mại, tên nhãn hiệu một cách tùy ý. Các chủ sở hữu doanh nghiệp thường tự nghĩ ra một cái tên thật hay mà không biết rằng, cái tên đó có thể đã được công ty khác dùng trước. Đây vẫn được xếp vào hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dù chỉ vô tình.

Ngoài ra, chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ giúp start-up tiết kiệm nguồn lực khi có tranh chấp. Nguồn lực này không chỉ giới hạn ở mặt tài chính, mà còn là thời gian, tâm trí, sức lực. Thêm vào đó, start-up được bảo hộ trí tuệ sẽ thuận lợi trong việc tạo dựng niềm tin với khách hàng, khiến khách hàng không bị nhầm lẫn với hàng trăm, hàng ngàn thương hiệu đang tồn tại trên thị trường.

Vì những lợi ích trên, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động cập nhật kiến thức, nâng cao khả năng nhận diện các đối tượng sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp và lựa chọn cơ chế bảo hộ phù hợp. Mỗi nhà sáng lập không nên vì lợi ích hay sự bận rộn trước mắt mà quên đi việc bảo vệ về mặt pháp lý với tài sản trí tuệ thuộc doanh nghiệp của mình.

Tin bài liên quan