Lợi nhuận giảm từ Nhiệt điện Phả Lại đã dẫn đến kết quả chung không mấy vui cho REE

Lợi nhuận giảm từ Nhiệt điện Phả Lại đã dẫn đến kết quả chung không mấy vui cho REE

Sự bất ngờ của REE

(ĐTCK) Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) đã khiến thị trường khá bất ngờ khi lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm sụt giảm đến 200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, kết quả này không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty mà chịu tác động lớn từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các công ty liên doanh, liên kết.

Trên thực tế, doanh thu 6 tháng đầu năm của REE vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu tăng cùng với việc chi phí quản lý giảm đáng kể đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty tăng đến 48%.

Trong khi REE nỗ lực hết mình để cải thiện hiệu quả hoạt động thì các công ty liên doanh, liên kết mà REE đầu tư vào lại không được như thế. Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận thu được từ các công ty này chỉ gần 2 tỉ đồng, một con số khiêm tốn so với mức lợi nhuận 382 tỉ đồng cách đây 1 năm, dẫn đến kết quả chung không mấy vui cho REE.

Nếu phân tích kỹ hơn nguồn lợi nhuận ghi nhận tương ứng từ các công ty liên doanh, liên kết, có thể thấy doanh thu cổ tức đã giảm mạnh gần 76 tỉ đồng trong quý II. Đáng kể nhất là Nhiệt điện Phả Lại, khoản đầu tư lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại của REE (giá trị đầu tư cuối kỳ lên đến 1.180 tỉ đồng). Trong 6 tháng đầu năm, PPC đã chứng kiến lợi nhuận giảm đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh hợp nhất của REE.

Vì sao tình hình tại PPC lại ảm đạm như thế? Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là dù PPC đã nỗ lực cải thiện doanh thu nhưng giá vốn hàng bán đã tăng nhanh hơn (chủ yếu là do giá than và giá dầu tăng mạnh), khiến lãi gộp của PPC giảm đáng kể. Thêm vào đó, trong kỳ Công ty cũng chịu lỗ gần 260 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá do tác động tiêu cực từ việc đồng yen tăng giá mạnh trở lại.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, triển vọng kinh doanh của PPC trong 6 tháng cuối năm sẽ kém khả quan do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang giảm việc mua điện từ các nguồn nhiệt điện ở miền Bắc. Vì các tháng cuối năm là thời gian bước vào mùa mưa, EVN sẽ chuyển sang mua điện từ các công ty thủy điện có giá thấp hơn.

Mặt khác, tính đến cuối quý I/2014, số dư nợ vay bằng đồng yen của PPC vẫn còn gần 26 tỉ yen và công ty liên kết với PPC là Nhiệt điện Hải Phòng cũng có khoản vay 15 tỉ yen. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, chỉ cần tỉ giá VND/JPY tăng thêm 1%, PPC sẽ gánh chịu khoản lỗ tỉ giá thêm 50 tỉ đồng.

Chênh lệch tỉ giá đã từng mang lại lợi nhuận đột biến cho PPC như trong năm 2013. Thời điểm đó, Thủ tướng mới lên nắm quyền của Nhật, ông Shinzo Abe, đã quyết định thực hiện chính sách bơm tiền quyết liệt vào nền kinh tế, khiến đồng yen giảm giá. Tuy vậy, giá trị đồng yen đã dần phục hồi kể từ đầu năm nay, trong khi tiền đồng lại có khuynh hướng giảm, khiến các công ty như PPC bị ảnh hưởng.

Quay trở lại trường hợp của REE, dường như sẽ không công bằng nếu đánh giá thấp khả năng của công ty này chỉ bằng việc căn cứ vào kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của REE vẫn tăng mạnh đến 285 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2014. Các mảng kinh doanh chính như cơ điện, cho thuê văn phòng vẫn tăng trưởng nhẹ, trong khi mảng đầu tư tài chính rất khả quan.

Rõ ràng, vấn đề chính hiện nay của Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh và các cộng sự là khả năng quản lý cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động của các khoản đầu tư vào công ty khác như PPC.

Danh sách các công ty liên doanh, liên kết vốn đã dài của REE gần đây còn ghi nhận thêm khoản đầu tư mới trị giá 17 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hiệp (tương đương tỉ lệ nắm giữ 32%), đưa tổng số công ty liên doanh, liên kết của REE tính đến cuối tháng 6 lên đến 15. Số công ty con của REE hiện cũng đã là 12. Lĩnh vực hoạt động của các công ty này khá trải rộng như nước, hạ tầng, bất động sản, cơ điện, thủy điện, nhiệt điện, than, thương mại dịch vụ. Tính riêng các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của REE tính đến cuối tháng 6 đã chiếm đến gần 35% tổng tài sản, một con số không hề nhỏ.

Năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, với kết quả tích cực từ hoạt động đầu tư, bà Mai Thanh cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để bổ sung các tài sản thuộc lĩnh vực điện nước vào danh mục, với kỳ vọng Nhà nước sẽ nới bỏ dần kiểm soát giá điện, trong khi nước là lĩnh vực tăng trưởng khá ổn định ở Việt Nam. Nhưng đây cũng là những lĩnh vực thiết yếu và chịu nhiều tác động của các chính sách vĩ mô.

Bằng chứng là quá trình đàm phán giá bán điện giữa Nhiệt điện Phả Lại và EVN đã diễn ra từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc, trong khi những chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam và thế giới sẽ tác động không nhỏ đến PPC. Còn lộ trình tăng giá nước cần được Chính phủ xem xét và đồng ý.

Vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi đối với nhà đầu tư, cổ phiếu REE vẫn được xem là cổ phiếu an toàn, nhưng vẫn còn đó một chút băn khoăn về các khoản đầu tư của doanh nghiệp này. “Vấn đề nằm ở chỗ REE phải sắp xếp các mảng kinh doanh như thế nào để nhà đầu tư có thể hiểu được việc tạo ra giá trị trong các mảng khác nhau, kết nối các mảng đó ra sao và cho thấy sẽ bổ sung giá trị ở đâu”, ông Attila Vajda, Giám đốc phụ trách mảng khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán ACB, từng nhận xét.
Tin bài liên quan