Sự sụp đổ của tiền điện tử có gây ra mối đe dọa cho hệ thống tài chính không?

(ĐTCK) Vào thứ Ba (10/5), giá Bitcoin đã giảm nhanh chóng xuống dưới 30.000 USD lần đầu tiên trong 10 tháng, trong khi tiền điện tử nói chung đã mất gần 800 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong tháng 4 khi các nhà đầu tư lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sự sụp đổ của tiền điện tử có gây ra mối đe dọa cho hệ thống tài chính không?

So với chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed bắt đầu vào năm 2016, tiền điện tử lại là một thị trường với quy mô lớn hơn nhiều và làm dấy lên lo ngại về mối liên hệ giữa nó với phần còn lại của hệ thống tài chính.

Thị trường tiền điện tử lớn như thế nào?

Vào tháng 11/2022, tiền điện tử phổ biến nhất là Bitcoin đã đạt mức kỷ lục hơn 68.000 USD và đẩy giá trị của thị trường tiền điện tử lên 3.000 tỷ USD theo CoinGecko. Nhưng con số đó là 1.510 tỷ USD vào thứ Ba (10/3),

Trong đó, Bitcoin chiếm gần 600 tỷ USD vốn hoá thị trường tiền điện tử, tiếp theo là ethereum với vốn hóa thị trường 285 tỷ USD.

Mặc dù tiền điện tử đã có sự tăng trưởng bùng nổ, nhưng quy mô thị trường vẫn còn tương đối nhỏ so với các thị trường khác.

Thị trường chứng khoán Mỹ có vốn hoá khoảng 49.000 tỷ USD, trong khi Hiệp hội Công nghiệp Chứng khoán và Thị trường Tài chính đã chốt giá trị thị trường của các thị trường thu nhập cố định của Mỹ ở mức 52.900 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Ai sở hữu và giao dịch tiền điện tử?

Tiền điện tử bắt đầu như một hiện tượng của các nhà đầu tư cá nhân nhưng sự quan tâm của các tổ chức từ các sàn giao dịch, công ty, ngân hàng, quỹ đầu cơ và quỹ tương hỗ đang tăng nhanh.

Mặc dù khó có dữ liệu về tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân so với tổ chức trong thị trường tiền điện tử, nhưng sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Coinbase cho biết các định chế và nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 50% tài sản trên nền tảng của mình trong quý IV/2021.

Các khách hàng tổ chức của Coinbase đã giao dịch 1,14 nghìn tỷ USD tiền điện tử vào năm 2021, tăng từ chỉ 120 tỷ đô la vào năm 2020.

Hầu hết bitcoin và ethereum đang lưu hành được nắm giữ bởi một số ít cá nhân và tổ chức. Một báo cáo tháng 10 từ Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) cho thấy 10.000 nhà đầu tư bitcoin bao gồm cả cá nhân và tổ chức kiểm soát khoảng 1/3 thị trường bitcoin và 1.000 nhà đầu tư sở hữu khoảng 3 triệu bitcoin.

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, khoảng 14% người Mỹ đã đầu tư vào tài sản kỹ thuật số vào năm 2021.

Sự sụp đổ của tiền điện tử có ảnh hưởng tới hệ thống tài chính không?

Trong khi thị trường tiền điện tử tổng thể tương đối nhỏ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Bộ Tài chính và Ủy ban Ổn định Tài chính quốc tế đã gắn cờ các stablecoin - mã thông báo kỹ thuật số được gắn với giá trị của các tài sản truyền thống - là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính.

Stablecoin chủ yếu được sử dụng để tạo điều kiện giao dịch các tài sản kỹ thuật số khác. Chúng được hỗ trợ bởi các tài sản có thể mất giá trị hoặc trở nên kém thanh khoản trong thời điểm thị trường căng thẳng, trong khi các quy tắc và tiết lộ xung quanh những tài sản đó và quyền mua lại của nhà đầu tư là không rõ ràng.

Điều đó có thể khiến các stablecoin dễ bị mất niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm thị trường căng thẳng.

Điều đó đã xảy ra vào thứ Hai (9/5), khi TerraUSD, một stablecoin lớn phá vỡ tỷ giá 1: 1 với đồng đô la và giảm xuống mức thấp nhất là 0,67 USD. Động thái đó một phần đã góp phần vào sự sụt giảm của bitcoin.

Mặc dù TerraUSD duy trì mối ràng buộc với đồng đô la thông qua một thuật toán, nhưng nhà đầu tư sử dụng stablecoin để duy trì dự trữ bằng tài sản như tiền mặt hoặc thương phiếu có thể ảnh hưởng tới hệ thống tài chính truyền thống, gây căng thẳng cho các loại tài sản cơ bản đó.

Các nhà quản lý cho biết, với vận may của nhiều công ty gắn liền với hiệu suất của tài sản tiền điện tử và các tổ chức tài chính truyền thống đang thâm nhập nhiều hơn vào loại tài sản, các rủi ro khác đang xuất hiện. Vào tháng 3, Văn phòng Tổng kiểm toán tiền tệ (OCC) đã cảnh báo rằng các ngân hàng có thể bị mắc kẹt bởi các sản phẩm phái sinh tiền điện tử vì họ đang làm việc với ít dữ liệu giá lịch sử.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhìn chung vẫn chia rẽ về quy mô của mối đe dọa mà một cú đổ vỡ từ tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính và nền kinh tế rộng lớn hơn.

Tin bài liên quan