Sự thống trị của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ đã giảm mạnh vào năm 2022

Sự thống trị của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ đã giảm mạnh vào năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo công ty quản lý tài sản Eurizon SLJ Asset Management, vị thế của đồng đô la với tư cách là đồng tiền tệ dự trữ đã giảm mạnh vào năm 2022 mặc dù sức mạnh của đồng tiền này trong thương mại quốc tế vẫn không bị thách thức.

Trong báo cáo hôm thứ Hai (17/4), các chiến lược gia Joana Freire và Stephen Jen của Eurizon SLJ Asset Management đã tính toán rằng, đồng bạc xanh chiếm khoảng 2/3 tổng dự trữ toàn cầu vào năm 2003, sau đó là 55% vào năm 2021 và 47% vào năm 2022.

“Mức giảm 8% trong một năm vừa qua là đặc biệt, tương đương với 10 lần tốc độ xói mòn trung bình hàng năm đối với thị phần của đồng USD trong những năm trước”, các chiến lược gia này cho biết.

Sự sụt giảm vị thế của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ đã tăng nhanh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra. Kế đó là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga đã khiến nhiều quốc gia không sẵn sàng nắm giữ đồng đô la.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã cắt đứt phần lớn Nga khỏi hệ thống tài chính thế giới và đóng băng dự trữ tiền tệ của nước này, buộc Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào đồng nhân dân tệ.

Mặt khác, tỷ trọng của đồng euro với tư cách là đồng tiền dự trữ đã tăng thêm khoảng 5%, nâng vị thế của đồng tiền này lên bằng mức đạt được vào năm 2003.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ bình thường và không tăng đột biến với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu vào năm ngoái.

Báo cáo cho biết, không có loại tiền tệ nào khác được thiết lập để thách thức sự thống trị của đồng đô la trong thương mại quốc tế và đây vẫn là kênh chính cho các giao dịch giữa các quốc gia.

Trích dẫn dữ liệu từ Khảo sát ngoại hối ba năm một lần của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng đô la chiếm 85% tổng giá trị giao dịch tiền tệ trong năm 2010, so với 88% thị phần vào năm 2022.

"Chúng tôi tin rằng, tình trạng đồng tiền dự trữ của đồng đô la bị xói mòn đã tăng tốc trong những năm gần đây với tốc độ đáng báo động, đặc biệt là kể từ khi xung đột Nga-Ukraine, trong khi đồng đô la có thể sẽ tiếp tục được hưởng ưu thế như một loại tiền tệ quốc tế trong một thời gian nữa”, báo cáo cho biết.

Trong khi đó, Fitch Solutions cho biết, sự thống trị của đồng đô la sẽ bị xói mòn theo thời gian nhưng sẽ không có "sự thay đổi mô hình", do không có loại tiền tệ thay thế khả thi nào cho thương mại quốc tế.

"Bất kỳ sự suy giảm nào về vị thế của đồng đô la Mỹ sẽ là một sự xói mòn chậm chứ không phải là một sự thay đổi mô hình. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy sự thống trị của đồng đô la bị xói mòn theo thời gian. Đó là bởi vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế, và sức mạnh kinh tế của nước này tiếp tục tăng lên, điều đó có nghĩa là nó sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến các tổ chức tài chính và thương mại toàn cầu”, báo cáo của Fitch Solutions cho biết.

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo của khối BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - ngày càng có nhiều luận điệu về việc giảm đô la hóa.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây tổn hại cho đồng đô la khi các quốc gia như Iran và Trung Quốc tìm kiếm các đồng tiền thay thế cho thương mại, nhưng bà cho biết sẽ rất khó để phá vỡ sự thống trị của đồng đô la.

Tin bài liên quan