Đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11.

Đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11.

Sửa đổi Luật Thủ đô: Tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội thực hiện các lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều nội dung để tăng quyền và giao quyền cho Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.

Tạo cơ chế vượt trội, phân cấp, ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, sau khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện, bổ sung các nội dung xoanh quanh 9 nhóm chính sách, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.

Đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, HĐND TP. Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Hà Nội cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Qua thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cùng với các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Góp ý Dự thảo Luật về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn.

Hà Nội cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho TP. Dù phát triển đô thị nhưng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn.

Góp ý một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp của Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề xuất, cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình,…) cho TP. Hà Nội. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.

Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.

Để Thủ đô phát triển toàn diện

Nhận định dù đã có Luật Thủ đô năm 2012, nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước; đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm lên cả hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý rộng hơn, áp dụng riêng cho Thủ đô; đòi hỏi Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các địa phương khác”, đại biểu nói.

Về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình đối với những quy định của luật khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. “Nếu sau này khi ban hành những luật mới, nếu trong luật đó có những nội dung đòi hỏi Thủ đô phải tuân thủ thì phải ghi cụ thể vào trong luật mới, còn nếu không chúng ta vẫn áp dụng Luật Thủ đô”, đại biểu nói.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Thủ đô là đô thị đặc biệt, nên cần cho thêm tiêu chuẩn đối với người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia, không phải vấn đề của một địa phương. Đồng thời, chúng ta trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND TP. Hà Nội.

“Khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác khác biệt. Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định 0,8 lần, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp; do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với một quỹ tiền lương như thế, tổ chức bộ máy hiệu quả hơn, tinh gọn hơn thì trả lương cho một cán bộ cao hơn nhiều lần so với các địa phương khác và tôi cho rằng đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra cái tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý; làm sao tiết kiệm nhưng tạo ra được hiệu lực tốt hơn.

“Về mặt chính sách tiền lương, tôi đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Góp ý về mô hình chính quyền trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, chính quyền địa phương cấp phường chỉ bao gồm UBND phường; tổ chức bộ máy phù hợp với nghị quyết nên được kiện toàn tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực; việc phân cấp, ủy quyền linh hoạt, chủ động trong triển khai hoạt động công vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, giảm bớt nhiều khâu trung gian, rút ngắn quy trình thủ tục và thời gian trong việc giải quyết công việc.

Việc quy định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại phường nhưng vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy phường, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với UBND phường và Chủ tịch UBND phường.

Về các cơ chế chính sách xã hội trong dự thảo Luật, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn Sơn La) quan tâm đến chính sách an sinh xã hội. Đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đề cập đến các đối tượng yếu thế từ người khuyết tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số chưa thể hiện rõ nét.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát lại và có chính sách rõ hơn để giải quyết được với các nhóm đối tượng này, tránh việc các đối tượng không được quan tâm đúng mức, tạo ra khoảng cách. Đặc biệt, cần rà soát chính sách, có quy định cụ thể để Thủ đô phát triển toàn diện theo tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin bài liên quan