Phiên thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sửa Luật Thủ đô: Đã phân quyền thì đừng bắt xin ý kiến

0:00 / 0:00
0:00
Được nhấn mạnh thực chất là một đạo luật về phân cấp và phân quyền, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đột phá, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Hội đồng Nhân dân được quyết định dự án đến 20.000 tỷ đồng

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp thứ 26 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề cập nhiều nội dung mà Chính phủ đề xuất phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, từ tổ chức bộ máy, thu hút nhân tài, đến tài chính, ngân sách, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Theo đó, về đầu tư, Chính phủ đề xuất Quốc hội phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP. Hà Nội.

Chẳng hạn, HĐND TP. Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng, các dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô.

UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, Dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Cũng liên quan đến đầu tư, đề xuất phân quyền cho Hà Nội còn có mở rộng phạm vi áp dụng phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.

Cho phép Hà Nội thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, cũng là đề xuất ở lần sửa đổi này.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn đề xuất phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống UBND Thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Về sử dụng đất đai, đề xuất đáng chú ý là giao HĐND TP. Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.

UBND Thành phố quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hằng năm có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất với các điều kiện cụ thể.

“Nội dung này tương tự chính sách đang được áp dụng cho TP.HCM”, Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích.

Ông Long cũng cho biết, sửa luật lần này, Chính phủ đề xuất cho phép HĐND TP. Hà Nội ban hành quy định hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Đây là chính sách hiệu quả để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), việc phân quyền cho chính quyền TP. Hà Nội quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy là bước đột phá quan trọng.

Như, HĐND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố, quận, huyện, thị xã khi bảo đảm tiêu chí thành lập theo quy định. Hay, cho phép Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao UBND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm…

Đã giao quyền, thì đừng bắt xin ý kiến

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp thêm nhiều ý kiến để việc phân cấp, phân quyền thực chất, khả thi.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ, vấn đề khiến ông trăn trở khi nghiên cứu Luật Thủ đô là quy định phân quyền ở giới hạn nào để không cần phải xin ý kiến quá nhiều, làm mất thời gian và mất thời cơ của Hà Nội.

“Cái nào đã giao quyền cho người ta, thì đừng bắt phải báo cáo xin ý kiến, đương nhiên là có báo cáo, nhưng báo cáo để giám sát, theo dõi, giúp người ta thì được, chứ lại phải xin ý kiến ông này đồng ý, ông kia không đồng ý là dừng lại, thì không nên”, ông Phương góp ý.

Nhận xét, các cơ chế cho Hà Nội chưa mạnh, chưa đặc biệt, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu không tạo nên sự thay đổi, làm nên diện mạo mới của Thủ đô bằng các nguồn lực chung của cả quốc gia, thì Thủ đô khó có thể phát triển được.

“Rất nhiều lần, tôi trao đổi với anh Thanh (ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - PV) là chỉ có hơn 1 km đường Hoàng Cầu - Voi Phục, nhưng cần đến 7.000 tỷ đồng, Hà Nội rất lúng túng về nguồn lực, cả trong giải phóng mặt bằng. Nếu không tháo gỡ nút thắt đó, thì ách tắc giao thông vẫn không giải quyết được”, ông Hải nêu ví dụ.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem lại các cơ chế tài chính trên quan điểm là có cơ chế riêng, đặc biệt cho Thủ đô, chứ không phải cơ chế đặc thù.

“Thủ đô phải có một định chế tài chính để huy động các nguồn lực, định chế tài chính này không phụ thuộc vào các nguồn được phân cấp, có thể huy động các nguồn lực khác”, ông Hải gợi ý.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Dự án Luật tuy có quy mô không lớn, gồm 7 chương và 59 điều, nhưng lại rất khó và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển Thủ đô.

“Phân cấp, phân quyền là phải toàn diện các lĩnh vực, chứ không chỉ có vấn đề kinh tế, nhưng phải trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đột phá, chứ không phải rải mành mành”, ông Huệ lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, “không phải lo lắng quá nhiều” về kiểm soát quyền lực khi phân cấp, vì vấn đề là quy định rõ trình tự, thủ tục, ai làm gì để thực hiện các quyền này, làm cơ sở để giám sát. Như thế cũng đỡ phải đi hỏi bộ nọ, ngành kia hay chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, liên quan đến phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng băn khoăn khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định HĐND TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công tối đa là 20.000 tỷ đồng.

“Tôi nghĩ, không nên quy định tối đa 20.000 tỷ đồng, một đường sắt đã 30.000 - 40.000 tỷ đồng, một cầu qua sông Hồng có khi trên 20.000 tỷ đồng, mà theo quy hoạch, bằng ngân sách Thành phố thì cứ giao Thành phố quyết định. Hiện nay, theo quy định, thì trên 10.000 tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội, nhưng bây giờ đã theo quy hoạch, đã giao Thành phố thì giao dứt khoát, không khống chế tổng mức đầu tư là 20.000 tỷ đồng”, ông Dũng nêu quan điểm.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. “Xác định mỗi cơ chế, chính sách thì có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên, nhưng đồng thời phải có trách nhiệm”, ông Định lưu ý.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới.

Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy…, đề nghị tiêu chuẩn, quy chuẩn của TP. Hà Nội phải quy định vượt trội hơn hoặc khác biệt hơn so với cả nước.

Tôi cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát lại Dự án Luật Nhà ở, dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua. Trước đây, có một điều về chung cư mini, bây giờ vẫn giữ cái đó, nhưng chuyển thành tên khác, tôi có nghe thế, tôi chưa xem lại việc này, các đồng chí phải rà lại, không thể hợp thức hóa chung cư mini này trong Luật Nhà ở, vụ vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, rất nghiêm trọng.

Cần làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài

Đánh giá cao việc đề xuất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa đối tượng một cách rõ ràng (sinh viên mới tốt nghiệp, người đang công tác tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, khối tư nhân; người Việt Nam và người nước ngoài; người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội và người sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác hoặc nước ngoài...) để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

“Có ý kiến cho rằng, người có năng lực về chuyên môn không đồng nghĩa với việc có năng lực về điều hành, quản lý. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Tin bài liên quan