Sức ép lạm phát cao

(ĐTCK-online) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng mạnh, gây ra những lo ngại tới sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Nguyên nhân khởi xướng của sự gia tăng này bắt đầu là từ cú sốc về năng lượng và một số vật liệu nhập khẩu tăng do giá thế giới tăng mạnh. Tiếp đến là sự gia tăng giá lương thực - thực phẩm do giá lương thực thế giới tăng, cùng với dịch cúm gia cầm bùng phát, thêm vào đó là một số nguyên nhân do đầu cơ tăng giá và yếu tố kỳ vọng. Bắt đầu từ năm 2007, CPI có xu hướng tăng mạnh ở hầu hết các nhóm hàng (xem đồ thị).

Sức ép lạm phát cao ảnh 1

Mặc dù tốc độ tăng bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2007 ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm 2005 và năm 2006, nhưng các năm trước, CPI có xu hướng giảm từ mức 9,7% (năm 2005) và 8,8% (năm 2006) của tháng 1 xuống còn 7,5% của tháng 6 , còn 6 tháng đầu năm 2007 có xu hướng tăng từ mức 6,45% tháng 1/007 lên 7,8% vào tháng 6/207. Trong khi, cũng tại thời gian này, lạm phát nhiều nước trên thế giới lại có mức giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại để kiểm soát được mức giá theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Xem xét diễn biến lạm phát trong suốt 3 năm 6 tháng qua cho thấy, sự gia tăng giá lương thực - thực phẩm và nhóm (IV) - nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có đóng góp lớn vào biến động của CPI, nhất là giá thực phẩm, vì các nhóm này có quyền số lớn trong rổ CPI (quyền số của lương thực là 9,86%, của thực phẩm là 25,2%, nhóm IV là 9,99%) và biến động khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2007, giá lương thực bình quân tăng 20,6%, thực phẩm tăng 11,8% và nhóm IV tăng 14,6%. Ngoài ra, các nhóm hàng khác cũng đều tăng cao trên dưới 10% (ngoại trừ giá bưu chính - viễn thông là giảm).

Qua phân tích sự tăng giá của các nhóm hàng trong rổ hàng hoá tính CPI cho thấy, CPI của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao trong thời gian tương đối dài, nhất là diễn biến 6 tháng đầu năm 2007. Nguyên nhân từ đâu?

Một số ý kiến cho rằng, CPI của Việt Nam tăng cao hơn các nước trong khu vực là do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vượt sản lượng tiềm năng, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực, nên CPI tăng cao chịu tác động chủ yếu của yếu tố tiền tệ. Vấn đề ở đây là, Việt Nam đã đủ cơ sở dữ liệu để xác định đúng sản lượng tiềm năng hay chưa? Câu trả lời là chưa. Vì vậy, ý kiến này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, thì sự gia tăng CPI như hiện nay là khó tránh khỏi, bởi hội nhập kinh tế buộc Việt Nam phải nới lỏng quản lý một số mặt hàng chủ lực, như xăng dầu, sắt thép, xi măng, điện, than... và cũng chịu  tác động mạnh của giá thế giới. Nhận định như vậy cũng có những cơ sở nhất định. Chẳng hạn, trong  6 tháng đầu năm 2007, Chính phủ không quy định giá xăng dầu, nên các doanh nghiệp xăng dầu đã điều chỉnh tăng giá xăng thêm 800 đồng/lít. Do vậy, mức giá xăng tăng chung so với đầu năm là 13%; đồng thời, Chính phủ đã điều chỉnh tăng giá điện bình quân 7,6% để giảm bù lỗ. Ngoài ra, giá lương thực gia tăng do tác động tăng giá lương thực thế giới tiếp tục tăng cao; trong nước dịch bệnh trong nông nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp; dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều địa phương làm thiếu cung đẩy giá thực phẩm lên cao.

Tuy nhiên, sự gia tăng của hầu hết các mặt hàng và mức tăng đã vượt  nhiều so với dự kiến đầu năm, trong đó chỉ có phôi thép nhập khẩu mức tăng giá bình quân cao ngoài dự kiến, còn các mặt hàng nhập khẩu khác mức tăng giá bình quân thấp hoặc không tăng so với mức giá bình quân của cùng kỳ năm 2006 (kể cả giá nhập khẩu dầu thô). Điều này phản ánh một điều là, sự gia tăng CPI ngoài những nguyên nhân nêu trên, thì yếu tố tiền tệ đóng góp không nhỏ.

Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ trong 6 tháng đầu 2007 tăng 22,9%, cao hơn mức 19,2% của cùng kỳ năm 2006, thu nhập của người dân tăng cao. Kết quả khảo sát tiền lương  năm 2007 của Navigos Group (với mẫu điều tra 28.000 nhân viên của 156 công ty) cho thấy, tốc độ tăng lương năm 2004 là 8%, năm 2005 là 9,5%, năm 2006 là 12,3%...

Với những nguyên nhân như vậy, thì những tháng cuối năm, sức ép lạm phát vẫn có xu hướng gia tăng, bởi giá dầu thế giới biến động khó lường và có xu hướng tăng cao hơn mức giá 6 tháng đầu năm, giá vật tư, năng lượng và các nguyên liệu cơ bản (phân bón, xi măng...) được dự báo có xu hướng tăng; giá lương thực - thực phẩm ít có khả năng giảm, do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng, trong khi thiên tai, hạn hán dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung.

Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng do đầu tư, thu nhập dân cư tăng, khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế vẫn có sức ép gia tăng do: (i) Nhiều khoản chi ngân sách tiếp tục tăng hơn so với những tháng đầu năm cho đến ngày 15/5/2007 chi ngân sách ước thực hiện chỉ bằng 32,7% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 29,2 % dự toán ; (ii) tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, tín dụng xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được mở rộng (do tín dụng đầu tư nhà nước 6 tháng đầu năm mới đạt 20% kế hoạch năm; (iii) luồng vốn nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Điều này tiếp tục tăng sức ép lên giá cả trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008.