Tái cấu trúc DN, “khéo co thì ấm”

Tái cấu trúc DN, “khéo co thì ấm”

(ĐTCK) Nền kinh tế được dự báo vẫn còn khó khăn, vì vậy, tái cơ cấu là điều không thể chậm trễ đối với các doanh nghiệp để có thể thích ứng với sự thay đổi và duy trì đà phát triển.

 

Doanh nghiệp cần tự “lọc máu”

Năm 2013 được Chính phủ coi là năm khởi động xúc tiến tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đây là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cả đối với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Kèm theo đó là những chính sách được Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, vực dậy nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách, điều quan trọng hơn là các thì các doanh nghiệp cũng cần phải tự thân vận động để giữ vững đà tăng trưởng của chính đơn vị mình. Sự phát triển trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tài chính, nguồn vốn, nguồn nhân lực đến đâu?

Mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề, đầu tư dàn trải đã không còn là xu hướng trong vài năm gần đây, mà thay vào đó là xu thế tái cấu trúc tập trung vào quản trị doanh nghiệp, chiến lược đầu tư theo hướng tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh.

“Năm 2014 hứa hẹn là năm tái cơ cấu mạnh mẽ trong các doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo.

Tái cấu trúc DN, “khéo co thì ấm” ảnh 1

Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng phải tự "lọc máu" để tồn tại và phát triển

Sau một thời gian tăng trưởng nóng của nền kinh tế, việc hình thành các tổng công ty hay tập đoàn như trăm hoa đua nở không chỉ trong khối doanh nghiệp nhà nước mà ở cả khối doanh nghiệp tư nhân. Dường như các công ty lớn, các tập đoàn đều nôn nóng đặt mục tiêu “bành trướng” thương hiệu của mình thông qua việc đầu tư dàn trải sang cả những lĩnh vực không phải thế mạnh.

Thực tế, nhiều công ty đã thành công, thu về lợi nhuận lớn sau những thương vụ đầu tư trái ngành nghề. Nhưng hiện tại, có không ít công ty đã “sa lầy” và đang loay hoay tìm hướng thoái vốn, giải phóng nguồn tài chính bị chôn tại “vũng lầy”.

Trong suy thoái kinh tế và thực tế thị trường như vậy đã giúp không ít doanh nghiệp tự rút ra bài học cho mình từ kinh nghiệm đắt giá của doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt sự thay đổi của nền kinh tế, nhanh chóng hoạch định lại kế hoạch đầu tư kinh doanh theo một hướng đi mới, phù hợp với khả năng, tập trung phát huy thế mạnh vốn có trước khi nguồn vốn bị “sa lầy”. Làn sóng “thanh lọc cơ thể” này thể hiện thấy rõ trong các lĩnh vực đầu tư chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và bảo hiểm.

 

Từ bỏ để phát triển

Việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tái cơ cấu để giảm áp lực tài chính vẫn đang là một chủ đề gây chú ý trong giới kinh doanh. Vào tháng 6/2013, HAGL đã công bố bán 6 dự án thủy điện, thoái vốn ở các bất động sản đang đầu tư, tách công ty con ngành bất động sản, gỗ, đá và thu hẹp các ngành khai thác quặng sắt, đá... Đồng thời, 7 công ty con của HAGL hoạt động trong các lĩnh vực như bóng đá, bệnh viện, bất động sản, quản lý bất động sản - khách sạn, trồng cao su… cũng đang được tái cấu trúc. Có thể nói, HAGL đang là một điển hình về công cuộc “cắt gọt” bớt quy mô đầu tư để tập trung vào mục tiêu hiệu quả kinh doanh.

Geleximco, ngoài việc thoái 59,33% vốn điều lệ tại CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình (ABF) thì trước đó cũng đã xin dừng triển khai dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Mặc dù, nếu thực hiện dự án cao tốc này, Geleximco sẽ được đổi đối ứng hàng ngàn héc-ta đất dự án để xây dựng khu đô thị và sân golf tại Hòa Bình và Hà Nội. Việc cân nhắc lại kế hoạch đầu tư cho thấy Geleximco đã chú trọng vào chất lượng và hiệu quả đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần là ghi danh trên thị trường với dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước.  

OceanGroup cũng là một trong những tập đoàn có chiến lược kinh doanh đa ngành. Những lĩnh vực mà doanh nghiệp này chú trọng là tài chính ngân hàng, phát triển và quản lý dự án bất động sản, bán lẻ và dịch vụ khách sạn. Năm 2011, OceanGroup góp vốn vào 2 DN trong lĩnh vực trồng rừng và nông lâm sản. Thực tế đây là lĩnh vực có tiềm năng và đúng theo định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam , giá trị vốn góp cũng không lớn. Tuy nhiên, vừa qua tập đoàn này đã lên tiếng về việc thoái vốn ở 2 công ty này.

Lý giải về điều này, ông Dương Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc OGC cho biết: “Trong tình hình kinh doanh hiện tại, chúng tôi đang có kế hoạch thoái vốn tại những lĩnh vực đầu tư không hiệu quả, hoặc hiệu quả chưa đạt được như mong muốn tại một số công ty con hoặc công ty liên kết. Hiện tại, mục tiêu của OceanGroup là tập trung đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh thế mạnh, để duy trì tăng trưởng và phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Tái cấu trúc dòng tiền là nội dung quan trọng trong tái cấu trúc DN”.

“Qua đó có thể thấy, tiến - lùi đúng thời điểm chính là sự sáng suốt của các DN”, TS. Hiếu nhận xét.

Trên thực tế, không riêng gì các doanh nghiệp khối tư nhân mà các doanh nghiệp nhà nước cũng đang quyết liệt tái cơ cấu - bắt buộc thay đổi để tồn tại trong giai đoạn này. Các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, VNPT… đang quyết liệt thoái vốn khỏi các ngân hàng; hay như Vinashin đã được phê duyệt thoái vốn tại hơn 100 doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại, thực phẩm, nông - thuỷ sản…

Chưa đánh giá việc tái cấu trúc ấy có phải là đòn bẩy cho sự phát triển hay không, vì từ động thái thoái vốn cho tới vực lại hoạt động kinh doanh là một chặng đường dài. Nhưng những động thái trên cho thấy sự chuyển động tích cực trong việc tìm cách thích nghi với tình hình kinh tế chung.

“Tái cơ cấu trước hết là để tiết giảm chi phí, cải thiện bộ máy quản lý, điều chỉnh dòng vốn đầu tư và cơ cấu lại nguồn nhân lực, theo sau đó là cải tiến mô hình kinh doanh và đổi mới phương thức quản trị. Cùng với sự đồng thuận của bộ máy điều hành, quyền lợi của cổ đông được đảm bảo thì sau tái cơ cấu sẽ là phát triển bền vững, ổn định và chuyên nghiệp”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

>> “Sốt ruột” với tiến độ tái cơ cấu