Tâm lý ưa thích rủi ro của giới đầu tư được đẩy mạnh

Tâm lý ưa thích rủi ro của giới đầu tư được đẩy mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Hai (28/8), nhờ động lực tâm lý từ cổ phiếu 3M và Goldman Sachs. Nhưng sự thận trọng cũng xuất hiện do dữ liệu lạm phát và việc làm quan trọng sẽ được công bố trong tuần này.

Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 1,8% sau khi ngân hàng này đạt được thỏa thuận bán một doanh nghiệp tư vấn đầu tư cho công ty quản lý tài sản Creative Planning LLC.

Cổ phiếu 3M tăng 5,2%, sau khi có báo cáo rằng tập đoàn này đã đồng ý trả hơn 5,5 tỷ USD để giải quyết hơn 300.000 vụ kiện liên quan đến thương vụ bán nút bịt lỗ tai chiến đấu bị lỗi trong quân đội Mỹ.

Cổ phiếu đáng chú ý gần đây là Nvidia tăng 1,78% và là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong S&P 500, với tổng giá trị giao dịch đạt 31 tỷ USD. Các megacap khác cũng tăng, với Apple và Alphabet đều tăng 0,9%.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc bao gồm JD.com, Baidu và Alibaba đã tăng hơn 2% sau khi Trung Quốc thông báo giảm thuế giao dịch.

Trọng tâm bây giờ chuyển sang dữ liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Năm và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 trong ngày thứ Sáu.

“Việc ông Powell không nói điều gì quá cứng rắn hay điều gì khiến thị trường đặc biệt lo ngại sau cuộc họp của Fed ở Jack Hole là một lý do khiến tâm lý thích rủi ro chiếm ưu thế. Giá cổ phiếu tăng ngày hôm nay, cho dù ông ấy không hề tỏ ra mềm mỏng chút nào trong bài phát biểu hôm thứ Sáu”, nhà phân tích Ross Mayfield tại công ty Baird nhận định.

Kết thúc phiên 28/8: Chỉ số Dow Jones tăng 213,08 điểm (+0,62%), lên 34.599,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,60 điểm (+0,63%), lên 4.433,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 114,48 điểm (+0,84%), lên 13.705,13 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên tăng tốt nhất trong một tháng, được thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp tiếp xúc với thị trường Trung Quốc về các biện pháp của Bắc Kinh để hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,89% lên 455,41 điểm, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng với mức tăng 1,7%.

Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn đang bị mắc kẹt với dự báo khả năng tạm dừng tăng lãi suất của Mỹ vào tháng 9, mặc dù Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thêm tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào thứ Sáu.

"Rất có thể hoạt động tăng lãi suất tạm dừng, nhưng các đợt tăng lãi suất tiếp theo vẫn còn trên bàn, đặc biệt nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ”, Kiran Ganesh, người đứng đầu bộ phận đầu tư toàn cầu tại Văn phòng Đầu tư UBS cho biết.

Trong khi đó, bằng chứng mới cho thấy lãi suất tăng mạnh đang kìm hãm việc tạo tín dụng và hoạt động kinh tế xuất hiện dưới hình thức tăng trưởng cho vay đối với các công ty khu vực đồng euro tiếp tục chậm lại trong tháng 7.

Phiên này, các nhà sản xuất ô tô liên kết với Trung Quốc và công nghiệp tăng lần lượt 0,8% và 1,3%, sau khi Bộ Tài chính nước này giảm một nửa thuế đối với các giao dịch chứng khoán "để tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư".

Các cổ phiếu ngành hàng xa xỉ có tiếp xúc lớn với thị trường Trung Quốc như LVMH, Kering và Hermes đều nhích hơn 1%.

Trong số các lĩnh vực chính khác, chăm sóc sức khỏe tăng 0,6%, được thúc đẩy bởi mức tăng 1,2% của Novo Nordisk của Đan Mạch.

Kết thúc phiên 28/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 4,95 điểm (+0,06%), lên 7.338,58 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 160,79 điểm (+1,03%), lên 15.792,61 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 95,11 điểm (+1,32%), lên 7.324,71 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước, nhưng cổ phiếu liên quan đến du lịch giảm trong bối cảnh lo lắng về tác động của lệnh cấm đối với thủy sản của nước này của Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,73% lên 32.169,99 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,47% lên 2.299,81 điểm.

Cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 1,6%, trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là cổ phiếu hãng sản xuất điều hòa không khí Daikin tăng 4,19%.

Cổ phiếu liên quan đến du lịch giảm, trong bối cảnh lo ngại về khả năng giảm chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản bởi lệnh cấm của Trung Quốc đối với tất cả thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Theo đó, cổ phiếu nhà điều hành cửa hàng bách hóa J.Front Retailing giảm 4,18% và là cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225. Các công ty cùng ngành Isetan Mitsukoshi Holdings mất 3,03%, Takashimaya giảm 3,15% và Nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido mất 2,55%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi các nhà chức trách công bố một gói biện pháp để thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, nhưng thị trường đã có phần hạ nhiệt nhanh do lo ngại về một nền kinh tế vẫn đang trì trệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,13% lên 3.098,64 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,17% lên 3.752,62 điểm.

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ giảm thuế chuyển nhượng đối với hoạt động giao dịch, hiện ở mức 0,1%, để “vực dậy thị trường vốn và thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư trước nền kinh tế đang hồi phục chậm chạp".

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đang thực hiện nhiều biện pháp để củng cố niềm tin của thị trường trong việc đầu tư vào các công ty đã niêm yết. Ngày 27/8, cơ quan này cho biết sẽ giảm tốc độ của các hoạt động IPO và thắt chặt quản lý đối với việc giảm cổ phần của các cổ đông lớn trong doanh nghiệp.

Bất chấp hành động mới nhất để thúc đẩy niềm tin, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) chứng khoán Trung Quốc vào thứ Hai, sau khi bị bán ròng 14 trong số 15 phiên trước đó.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura nói rằng, "nếu không có thêm các biện pháp kích thích chính sách tích cực hơn, chỉ riêng các chính sách tập trung vào thị trường chứng khoán này có rất ít tác động tích cực bền vững đến thị trường chứng khoán, chưa kể đến bất kỳ tác động tích cực nào đến nền kinh tế".

Chứng khoán Hồng Kông tăng, sau khi Bắc Kinh có động thái giảm thuế giao dịch và nới lỏng các yêu cầu ký quỹ để phục hồi thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,74% lên 18.130,74 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,15% lên 6.246,22 điểm.

Cổ phiếu nhà điều hành sàn giao dịch Hong Kong Exchanges and Clearing tăng 4,4% sau thông tin Trung Quốc sẽ giảm thuế giao dịch và một số biện pháp khác nhằm thúc đẩy thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc khi tâm lý thị trường được cải thiện sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối tuần trước đã tương đối phù hợp với dự báo.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 24,27 điểm, tương đương 0,96%, lên 2.543,41 điểm.

"Thị trường cảm thấy nhẹ nhõm vì nhận xét của ông Powell không quá khác biệt so với lập trường của ông ấy tại cuộc họp tháng 7 và không có bình luận nào liên quan đến việc đẩy lãi suất tăng cao hơn", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.

Kết thúc phiên 28/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 545,71 điểm (+1,73%), lên 32.169,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 34,56 điểm (+1,13%), lên 3.098,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 174,36 điểm (+0,97%), lên 18.130,74 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 24,27 điểm (+0,96%), lên 2.543,41 điểm.

Giá dầu thô trái chiều, chịu áp lực bởi lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu, nhưng mặt khác, cũng được hỗ trợ bởi khả năng gián đoạn nguồn cung do cơn bão nhiệt đới Idalia.

Kết thúc phiên 28/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,27 USD/thùng (+0,30%), lên 80,1 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD/thùng (-0,07%), xuống 84,42 USD/thùng.

Tin bài liên quan