PVI kiên trì mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

PVI kiên trì mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tân Tổng giám đốc PVI: Cổ đông lớn đã tìm được tiếng nói chung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần PVI hôm 30/7, hai cổ đông lớn nhất là HDI và PVN đã nhất trí thông qua nhân sự Tổng giám đốc là ông Nguyễn Xuân Hoà.

Ông Hòa là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đang đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI.

Ngoài việc thông qua việc bổ nhiệm ông Hoà vào vị trí Tổng giám đốc, đại hội cũng thông qua việc chuyển bà Bùi Thị Nguyệt, hiện là Trưởng ban Kiểm soát nội bộ của PVN, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị PVI, thuộc nhóm đại diện cho PVN sang làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Với sự dàn xếp của hai cổ đông lớn nhất ở PVI, giới đầu tư kỳ vọng, doanh nghiệp này sẽ bước sang một trang mới, tập trung vào hiệu quả hoạt động kinh doanh để đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Hoà, tân Tổng giám đốc PVI cho biết, HDI và PVI đều chủ động trao đổi và đã tìm được tiếng nói chung vào những thời khắc quyết định vì sự phát triển của PVI.

Đại hội cổ đông bất thường vừa qua đã thống nhất bầu ông vào vị trí CEO PVI, ông có thể chia sẻ định hướng và quan điểm điều hành Công ty?

Ở cương vị mới, tôi sẽ cùng với Ban điều hành chỉ đạo hệ thống PVI đoàn kết, tập trung toàn lực, khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch do Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của công ty mẹ trong công tác quản trị hệ thống, đảm bảo toàn hệ thống vận hành suôn sẻ trên nền tảng hợp lực của các công ty vì mục tiêu chung là phát triển hiệu quả và bền vững.

Là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành nhưng cạnh tranh cũng khá khắc nghiệt, ông nhìn nhận cơ hội và thách thức của PVI ra sao?

PVI đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng tăng trưởng, nhờ nhận thức ngày càng cao của người dân về sự cần thiết của bảo hiểm và sự quan tâm của Chính phủ đối với chính sách phát triển và quản lý thị trường bảo hiểm.

Ông Nguyễn Xuân Hoà, tân Tổng giám đốc PVI
Ông Nguyễn Xuân Hoà, tân Tổng giám đốc PVI

Việc nhà đầu tư nước ngoài chiếm sở hữu đa số tạo cơ hội cho các đơn vị kinh doanh bảo hiểm/tái bảo hiểm của PVI có thể sớm nâng hạng tín nhiệm và áp dụng chính sách tuyển dụng nhân sự theo cơ chế thị trường thu hút được nhân sự chất lượng cao.

Tuy vậy, cũng có những thách thức không nhỏ đặt ra với PVI. Trước hết là dịch bệnh Covid -19 diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật trên thị trường ngày càng gay gắt, như giảm phí bảo hiểm, tăng chi phí khai thác.

PVI hài lòng với vị thế số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hay tiếp tục có những tham vọng lớn hơn, vươn ra khu vực?

Định hướng của PVI là khẳng định vị thế số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh, giữ vững vị thế là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 thị trường. Chúng tôi kiên trì xây đắp nền tảng để thực hiện mục tiêu dài hạn là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện mục tiêu này, PVI đang tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo chiều sâu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế với mô hình kiểm soát tập trung, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý rủi ro cho toàn hệ thống; nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý tài sản, gia tăng giá trị tài sản của toàn hệ thống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, hoạt động kinh doanh, phát triển các dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm số, mở rộng kênh thương mại điện tử để tăng doanh thu và hiệu quả, đặc biệt là trong hoạt động bán lẻ.

Với vai trò là người đại diện phần vốn của PVN tại PVI, ông có thể chia sẻ về kế hoạch thoái vốn của PVN ở Công ty?

Đến nay, PVN đã hoàn tất công tác xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn góp của PVN tại PVI vào thời điểm đầu năm 2019. PVN đã triển khai các công việc liên quan công tác thoái vốn tại PVI theo đúng chỉ đạo với nguyên tắc triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng quy định và mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để phát triển một doanh nghiệp, sự thống nhất giữa các cổ đông lớn là vô cùng quan trọng. Các cổ đông lớn của PVI có quan điểm gì về vấn đề này và tới đây, các bên sẽ có những thay đổi gì để hỗ trợ cho sự phát triển của PVI?

Hai cổ đông lớn nhất của PVI là HDI Global SE và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa hai bên là tốt đẹp, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác vì sự phát triển chung của PVI.

Trong thời gian qua, với sự phát triển lớn mạnh của PVI, việc các cổ đông lớn đôi lúc có những bất đồng quan điểm cũng là việc bình thường. Thực tế, với những nội dung chưa thống nhất, hai bên đều chủ động trao đổi và đã tìm được tiếng nói chung vào những thời khắc quyết định vì sự phát triển của PVI.

Trong thời gian tới, HDI Global sẽ hỗ trợ PVI Holdings và Bảo hiểm PVI (công ty con với 100% vốn của PVI Holdings) về năng lực quản trị, chuyên môn bảo hiểm theo các chuẩn mực quốc tế để phát triển mảng bảo hiểm gốc ra khu vực Đông Nam Á và nâng hạng năng lực tài chính B++ (Tốt) hiện nay lên A- trong thời gian tới.

Còn PetroVietnam, trong suốt 25 năm qua vừa là cổ đông sáng lập, vừa là đối tác bảo hiểm quan trọng nhất của PVI, PVN sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ PVI trong việc triển khai các sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất, bảo vệ tài chính - tài sản của PVN và nâng tầm hợp tác giữa hai bên.

Tin bài liên quan