Để giảm bớt những thiệt hại trong các vụ tranh chấp thương mại, cần có sự gắn bó chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và luật sư tư vấn

Để giảm bớt những thiệt hại trong các vụ tranh chấp thương mại, cần có sự gắn bó chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và luật sư tư vấn

Tăng cường liên kết giữa luật sư và doanh nghiệp trong hội nhập

Việc các doanh nghiệp thuê luật sư tư vấn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là chuyện không mới ở các nước phát triển, thế nhưng lại là vấn đề không phổ biến ở nước ta.

Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thói quen thuê luật sư tư vấn trong các tranh chấp thương mại, hậu quả là doanh nghiệp trong nước thường bị thua thiệt trong các vụ kiện, nhất là khi xảy ra các tranh chấp thương mại quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra tại Diễn đàn giao lưu “Luật sư và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế” do Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và Đoàn luật sư Hà Nội tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội.

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp và giới luật sư chưa thực sự gặp nhau tại một điểm chung, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của việc thuê luật sư trong nước, nhất là trong các vụ kiện có tính chất quốc tế.

 

Tuy nhiên, thực tế phần lớn các doanh nghiệp lại chưa nắm đầy đủ các văn bản pháp luật kinh doanh và chưa chủ động sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật để phục vụ cho phát triển kinh doanh. Dịch vụ tư vấn pháp luật chỉ được doanh nghiệp quan tâm khi doanh nghiệp phải đối mặt với các tranh chấp phát sinh. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng Phòng Tư vấn công ty luật 5 quốc gia, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng: “Khi xảy ra tranh tụng doanh nghiệp mới tìm luật sư thì như người biết bệnh mới đi chữa. Như vậy sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp mà hiệu quả không cao. Do đó chúng ta phải phòng bệnh, tức là doanh nghiệp nên tìm kiếm đơn vị tư vấn chuyên ngành về luật pháp, lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm để được tư vấn đầy đủ, ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Trong hội nhập kinh tế các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và chuyên nghiệp hoá tất cả các khâu, trong đó có cả khâu về pháp lý”.

 

Hiện nay cả nước có gần 4.000 luật sư đang hành nghề tư vấn. Đây là một con số còn nhỏ so với hơn 300.000 doanh nghiệp và 3 triệu hộ kinh doanh trên cả nước. Mặt khác, chất lượng và số lượng luật sư phân bố chưa đồng đều trên phạm vi toàn quốc cũng đang là trở ngại cho các doanh nghiệp. Hiện hầu hết các luật sư cũng mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng…

 

Theo giới doanh nghiệp, để doanh nghiệp và luật sư tư vấn có mối quan hệ gắn bó, giảm bớt những thiệt hại không đáng có trong các tranh chấp thương mại, cần có sự chủ động từ cả hai phía. Trong đó, giới luật sư cần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề, hiểu được các nhu cầu của doanh nghiệp; đa dạng hơn nữa các loại hình dịch vụ để cung cấp đầy đủ hơn nhu cầu từ phía doanh nghiệp, thay vì cung cấp những dịch vụ mà luật sư đang có… đồng thời chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cả hành lang pháp lý trong nước và quốc tế là yêu cầu thiết yếu để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập hiện nay.

 

Ông Phạm Hồng Hải – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nói: Từ trước tới nay luật sư quen làm việc tranh tụng thay vì tư vấn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thì dịch vụ tư vấn lại cần được các luật sư đẩy mạnh hơn, đặc biệt là tư vấn về luật pháp kinh tế, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Đây là những vấn đề rất mới không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả luật sư. Do đó các luật sư cần nâng cao kiến thức, liên tục cập nhật thông tin để nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng những gì doanh nghiệp cần thay vì những gì luật sư có.

 

Ông Tô Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội, cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp và luật sư trong việc thúc đẩy mối liên kết, rất cần có các hành động mạnh từ cơ quan chức năng hỗ trợ cho mối liên kết này. Hiện nay ngay cả dư luận xã hội và một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa coi trọng đầy đủ về vai trò của luật sư. Tình trạng gặp vướng mắc là doanh nghiệp đi hỏi các bộ ngành, thay vì tìm dịch vụ tư vấn. “Tôi cho rằng cần phải có sự đổi mới tư duy trong các doanh nghiệp”.

 

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp nước ta phải chịu thua thiệt trong các vụ kiện có yếu tố nước nước ngoài, đều là những bài học đắt giá và rất thực tiễn cho các doanh nghiệp Việt Nam . Trong thực tiễn xuất khẩu của nước ta, có nhiều lô hàng bị trả về vì nguyên nhân không ghi đầy đủ các thành phần nguyên liệu tạo ra hàng hoá, không tuân thủ đúng các quy định về quy cách đóng gói, nhãn mác bao bì… Nguyên nhân cũng là do doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin về thị trường nhập khẩu, về quy định pháp lý của nước nhập khẩu… Chính vì vậy, để tránh các thua thiệt không đáng có trong thương mại quốc tế, luật sư và doanh nghiệp cần trở thành người bạn đồng hành. Đây là yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đồng nghĩa với việc trao đổi thương mại ngày càng nhiều hơn và tranh chấp thương mại xảy ra nhiều hơn. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức về luật pháp trong nước, luật pháp các nước có trao đổi thương mại và luật pháp quốc tế để hạn chế những tranh chấp thương mại có thể xảy ra.