Tăng sức hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
Ngành y tế Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn trao đổi về những định hướng và kế hoạch hành động thời gian tới nhằm tăng sức hút cho y tế dưới tác động của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều chính sách thuận lợi hơn, nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Ngành y tế sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới để tăng sức hút, thưa ông?

Trước hết, muốn phát triển y tế tư nhân, ngoài các chủ trương, còn cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, đặc biệt với các loại hình dịch vụ không vì lợi nhuận và doanh nghiệp nhỏ vì lợi nhuận, bởi trên thực tế, chăm sóc sức khỏe không phải là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư do khả năng sinh lợi thấp và có nhiều rủi ro. Cùng với chính sách khuyến khích, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đầu tư tư nhân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư. Cần có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích mạnh mẽ với các mô hình y tế tư nhân không vì lợi nhuận như chính sách thuế, tín dụng, đất đai…; tạo điều kiện để các nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ những chương trình vay vốn kích cầu, đặc biệt với những cơ sở có chuyên khoa sâu, trang bị các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Chắc hẳn, ngành y tế cũng sẽ xây dựng danh mục các lĩnh vực và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới?

Đúng vậy. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong ngành y tế tập trung vào các lĩnh vực cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dược, trang thiết bị, đào tạo, an toàn thực phẩm, y tế cơ sở, công nghệ thông tin, quản lý môi trường y tế..., phù hợp với các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, vùng và tỉnh nhằm tạo động lực và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào y tế.

Ngoài ra, ngành sẽ đổi mới cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, kỹ thuật cao, dịch vụ theo yêu cầu.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là sắp xếp lại bộ máy tổ chức, mạng lưới cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hội nhập quốc tế nhằm phát triển hài hoà y tế công - tư.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP được đánh giá là góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với riêng lĩnh vực dược phẩm, y tế, các FTA có tác động như thế nào?

Với các chính sách cởi mở, các FTA giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đa quốc gia từ khu vực và trên thế giới vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dược nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi sản xuất trong nước phát triển, các cơ sở y tế và người dân có nhiều cơ hội và lựa chọn để được tiếp cận các thuốc, vắc-xin có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý, góp phần tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân và gia tăng tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân.

Khi Việt Nam tham gia các FTA, thách thức từ việc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước vốn làm ăn kém hiệu quả, sử dụng công nghệ và cơ chế quản lý lạc hậu phải thay đổi tư duy, tìm tòi các phương thức quản lý, áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp nhanh nhạy, biết nắm bắt tốt cơ hội sẽ có thể hưởng lợi từ các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ trong các FTA, các chính sách ưu đãi của chính phủ các nước thành viên các FTA và có cơ hội để được nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để phát triển sản xuất trong nước theo xu thế hòa hợp ngày càng sâu, rộng với các nước trên thế giới về quản lý và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và gia tăng giá trị.

Ngược lại, những doanh nghiệp chậm chạp, không bắt kịp xu thế và không tận dụng được cơ hội sẽ rơi vào suy thoái, phá sản. Đây chính là bộ lọc giúp các doanh nghiệp khỏe, có chiến lược đúng đắn sẽ tồn tại, tăng trưởng và đào thải các doanh nghiệp yếu và thiếu tư duy đổi mới, hội nhập.

Các FTA tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, song các chính sách ưu đãi cần phải đi kèm với các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường an ninh, xã hội. Với các FTA, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ theo lộ trình. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật phi thuế quan của Việt Nam hiện còn thiếu và yếu nên có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, nếu không kịp thời có những biện pháp mạnh mẽ và chặt chẽ.

Tin bài liên quan