Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng trong thời gian tới.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng trong thời gian tới.

Tăng về chất cho xuất khẩu, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Quá trình hội nhập quốc tế đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Nhiều mặt hàng ngày càng chiếm lĩnh tốt thị trường thế giới ở vị trí rất cao…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo thực thi xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển phù hợp, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn.

Hiện Việt Nam là một trong những nước tích cực hàng đầu trong khối ASEAN về ký kết các hiệp định tự do FTA, chỉ sau Singapore. Nước ta đã ký kết 15 các hiệp định tự do FTA, trong đó có nhiều FTA đạt chất lượng cao, bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như CPTTP, EVFTA…

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, thời gian qua ngành da giày đã tận dụng rất tốt các hiệp định và đây cũng là động lực để ngành vượt qua thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, da giày có vị thế khá tốt trên thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu sang Trung Quốc, đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ… Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành đã vượt kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 14% và theo số liệu mới nhất 7 tháng tăng trưởng 15%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là tăng đều các thị trường trọng điểm như thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; thị trường EU tăng 17,5%...

“Các con số cho thấy, tăng trưởng của xuất khẩu ngành da giày vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã duy trì được tốc độ xuất khẩu rất tốt cho ngành. Như, thị trường CPTPP, xuất khẩu của ngành da giày đạt 10%, thị trường EU là 18%. Cho đến thời điểm này, các lợi thế của các FTA đã được ngành da giày đã tận dụng rất tốt và các FTA chính là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn qua” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nước ta tham gia hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực đó là mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam, song các hiệp định thương mại tự do FTA này cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp. Đó là áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp cả trên “sân nhà” và trên thế giới là nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật, trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Cùng với đó, các hiệp định tự do FTA cũng đặt ra khó khăn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn lao động, vấn đề sở hữu trí tuệ… khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, đầu tư tăng lên…

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, xuất khẩu của chúng ta chưa bền vững, mới tăng về số lượng, còn tăng về chất vẫn còn yếu. Đồng thời, nêu quan điểm: để thúc đẩy xuất khẩu phát triển theo hướng bền vững, điều quan trọng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí một thời gian cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, bởi vì chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì nguồn nhân lực kể cả công nhân, cũng như kỹ sư trong ngành công nghệ cao phải phát triển mạnh. Chúng ta đang tham gia rất sâu rất rộng và trên thế giới Việt Nam là một trong những nước có độ mở trên 200%, cùng với đó doanh nghiệp phải đầu tư để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm” - chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nói.

Tin bài liên quan