Tết giữa ngàn khơi sóng

Tết giữa ngàn khơi sóng

Đứng gác trong gió gào sương lạnh, những người lính hải quân “đầu đội trời chân không đạp đất” trên những nhà giàn DK1 đang hướng trái tim về đất liền với ước muốn nhân dân cả nước đón Tết yên bình.

Những chuyến đi trong niềm thương nhớ

Tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy trưởng Nhà  giàn DK1/10 ở Bưu điện Phước Thắng (phường 11, Vũng Tàu) khi anh đang gửi thẻ bảo hiểm y tế thân nhân sĩ quan cho vợ và hai con gái ở Hải Dương. Anh cười vui vẻ: “Ông ạ, năm nay, tôi lại đón Tết ở nhà giàn nữa rồi. Tranh thủ gửi cho vợ con cái thẻ bảo hiểm y tế. Nhà không có đàn ông, lúc vợ ốm, con đau, vất vả lắm”.

Quê ở Hải Dương, 20 năm gắn bó với nhà giàn DK1, ngần ấy thời gian anh xa nhà đằng đẵng. Hai lần vợ sinh con, cả hai lần anh không có mặt. Được tin bố ốm nặng, về đến nhà không kịp gặp mặt cha. Mái nhà đổ sụp sau trận bão đều nhờ hàng xóm sửa.

“Ở quê nhà, tất cả đều nhờ vợ lo toan. Nhà giàn từ năm 2009 trở về trước chưa có điện thoại như bây giờ, tất cả thông tin về gia đình đều qua thư viết tay. Nhiều khi cha già, mẹ héo, vợ ốm, con đau cũng không biết. Nhiều chiến sĩ, bố, mẹ mất sau 4 tháng mới biết qua thư từ gia đình. Bây giờ có điện thoại Viettel, đất liền thêm gần gũi, nhưng cũng chỉ biết điện thoại về động viên vợ con, chứ không làm gì hơn được”, Thiếu tá Đoàn chia sẻ.

Có thâm niên tới 16 lần đón Tết trên biển, người lính già cười oang oang, hãnh diện chỉ lên mái tóc của mình: “Đây là màu của thời gian ở nhà giàn đấy. Cứ đến dịp Tết, mình lại đi để nhường cho các sĩ quan trẻ về bờ thăm gia đình”. 

Cùng đi chuyến tàu cuối năm ra nhà giàn đón Tết, còn có Thiếu tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18. Lê Xuân Nam có 19 năm sống ở nhà giàn, thì 11 năm đón Tết trên biển. Tết Giáp Ngọ này, thêm một lần, Nam đón xuân trên biển, để lại vợ và hai con ở đất liền.

Khi chúng tôi hỏi về đời sống của các chiến sĩ giữa trùng dương, anh chẳng nói đến khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, mà kể về những lần chia tay vợ và hai con nhỏ lên tàu ra khơi khi Tết cận kề. “Tết, ai chẳng muốn ở nhà cùng vợ con, gia đình. Nhưng vì nhiệm vụ, mình sẵn sàng lên đường. Lần nào đi, vợ cũng níu áo khóc. Lúc tàu hú còi từ từ rời bến, đứng trên lan can nhìn vợ con vẫy tay tạm biệt trên cầu cảng, dù cứng rắn mấy cũng không cầm được nước mắt. Nhớ vợ đã đành, giữa biển xa sóng gió, lại càng thương con hơn.

Vợ Thiếu tá Nam, chị Lương Thị Thu - giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Phước Thắng (phường 11, Vũng Tàu). Nói với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 còn thơm mùi vôi, nhưng thiếu bóng đàn ông, chị Thu cho biết: “11 Tết chia tay anh ấy đi nhà  giàn là 11 lần em khóc vì hụt hẫng. Hai mặt con rồi, nhưng số lần vợ chồng gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Chào cờ Tổ quốc ngày đầu năm mới

Quà Tết vượt sóng

Chúng tôi đến “đại bản doanh” của Tiểu đoàn DK1 đóng quân ở phường 11 (TP. Vũng Tàu) những ngày cuối cùng của năm cũ, khi mà chuyến tàu hải quân của Vùng 2 bắt đầu chở quà xuân của nhân dân cả nước gửi tặng các nhà giàn DK1 giữa ngàn khơi. Câu chuyện của chúng tôi với những người lính nhà giàn không phải về thành tích hay những tấm huân, huy chương, mà về cái Tết rất riêng của lính biển xa.

Thiếu tá Bùi Xuân Bổng, một trong những “sói biển” kỳ cựu của nhà giàn thế hệ đầu tiên chia sẻ: “Lính nhà giàn gắn liền với biển nước và gian khổ. Tôi gắn bó với nhà giàn DK1 từ năm 1989 cho tới tận bây giờ. Hơn chục năm đón Tết trên biển, chẳng có năm nào quà Tết được chuyển lên nhà giàn trọn vẹn. Không thất lạc, thì rớt xuống biển. Có năm, sóng to gió lớn, tàu không sao chuyển quà Tết lên được, cả nhà giàn đành đón Tết ‘tiết kiệm ngày thường’. Mặc dù có không khí Tết, cũng chúc nhau đầu năm mới, nhưng hương vị không đầy đủ, anh em động viên nhau khi nhận được quà Tết sẽ tổ chức ăn Tết muộn”.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Bây giờ, nhà giàn nào cũng có kinh nghiệm kéo hàng bằng dây. Nếu sóng yên biển lặng, quà Tết được chuyển từ tàu xuống xuồng đem vào nhà giàn. Nếu sóng to gió lớn, quà Tết chuyển bằng kéo dây dưới biển. Với quyết tâm cao nhất là 100% các nhà giàn phải nhận được quà Tết”.

Khi đến nhà giàn, quà Tết được cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên.

Những chiến sĩ thay trực mặc áo phao nhảy xuống biển, lần theo dây mồi bơi vào giàn, hoặc lên giàn bằng đường “hàng không”. Tức là người ngồi vào chiếc “quang” lơ lửng giữa trời, bám chặt vào dây để các chiến sĩ nhà giàn kéo vào. Đại tá Lê Đình Việt, người nhiều năm làm đoàn trưởng đem quà Tết cho các nhà giàn cho biết: “Càng cận Tết, sóng càng lớn. Hầu như năm nào cũng chuyển hàng bằng kéo dây và chúc Tết qua bộ đàm. Có lần, tàu chỉ cách nhà giàn 20 m, nhưng chỉ biết vẫy tay chào, thầm chúc cho nhau có nhiều sức khỏe, đón Tết yên bình. Lúc ấy, thương anh em lắm”.

Giao thừa giữa ngàn khơi

Sau khi nhận được quà Tết, không khí mùa xuân ở các nhà giàn thực sự xốn xang. Tờ báo tường “Mừng Xuân, dâng Đảng” treo trang trọng giữa câu lạc bộ. Bên này, người mổ heo, bên kia, gói bánh chưng. Chiến sĩ khéo tay thì treo dây xúc xích, trang trí bàn thờ, sửa lại cành mai sẵn sàng hái hoa dân chủ đêm Giao thừa.

Đã nhiều năm nay, trước giờ khắc Giao thừa, các chiến sĩ tổ chức đi câu cá hồng. Theo quan niệm, câu được cá hồng lúc Giao thừa là cả năm gặp may mắn. 11 năm đón Tết ở nhà giàn, Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Thắng, nhân viên cơ yếu cho biết: “Giao thừa mà câu được cá hồng to là vui sướng lắm. Bọn em quan niệm đó là gặp hên cả năm”.

Giờ khắc thiêng liêng đến, mọi người quây quần bên chiếc tivi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Mâm cỗ đầu năm có gà trống luộc, đĩa xôi và ly nước biển. Trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ nhà giàn đứng thành hai hàng hướng lên bàn thờ. Chính trị viên nhà giàn đọc to dõng dạc: “Hôm nay là đêm 30 Tết, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh 9 liệt sĩ đã ngã xuống nơi này, chúng tôi thề tuyệt đối trung thành với Đảng, phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn gian khổ, vui xuân mới, không quên nhiệm vụ”.

Giây phút thiêng liêng ấy, không ai nói nên lời, nhưng trong lòng mọi người đang nhớ về quê mẹ, nơi những người thân, vợ, con cũng đang nhớ họ. Và cũng thời khắc đó, các đồng đội ở nhà giàn dâng ly nước biển cúng đêm Giao thừa. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh xúc động: “Ly nước biển cúng đầu xuân mới là để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trên vùng DK1, nơi mà thân xác các anh nằm lại mãi dưới biển sâu. Ly nước biển là xương cốt các liệt sĩ”.

Giữa biển trời Tổ quốc, rượu, thịt, bánh chưng, kẹo, mứt được bày ra câu lạc bộ. Những câu chuyện tiếu lâm “Tết ở quê tôi” cười chảy nước mắt được các chiến sĩ kể. Tết của Hà Nội không quên cốm Làng Vòng, Tết Thái Bình có đặc sản bánh cáy, Tết ở Thanh Hóa không thể thiếu nem chua cây đa, Tết ở Đồng bằng Tây Nam Bộ không thể thiếu chả ngọt.

Sau những phút giây tưng bừng là khoảng lặng. Mỗi người về “thế giới riêng” của mình. Người viết nhật ký, người đọc lại những lá thư nhà, người đem ảnh vợ, con ra xem. Trong khoảng lặng ấy, có người đã khóc. Khóc không phải vì yếu đuối, mà vì niềm tự hào vui sướng đã vượt qua những khó khăn gian khổ. Khóc vì không gì khỏa lấp được nỗi nhớ đất liền.

Sáng mồng Một Tết, chỉ huy trưởng và chính trị viên đến phòng từng chiến sĩ chúc Tết. Cái bắt tay thân thiết ân tình như truyền cho nhau sức mạnh, cầu chúc nhau đầu xuân sức khỏe. Mọi người lì xì nhau bằng tờ giấy bạc 10.000 đồng, mang ý nghĩ tượng trưng, bởi tiền cũng chả thể mua được gì, khi xung quanh chỉ có biển khơi lồng lộng.

Trò chơi ngày Tết chẳng khác ngày thường, cũng đánh bóng bàn, đi bộ, đánh cờ và câu cá. Một năm mới lại bắt đầu với những trái tim kiêu hãnh luôn căng mắt giám sát chủ quyền quốc gia, bảo vệ đất liền hưởng những mùa Xuân bất tận.