Thách thức ban đầu

(ĐTCK-online) Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN Trung Quốc đang trong tầm ngắm của cộng đồng kinh doanh quốc tế trong việc thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đây là khuyến cáo mà Luật sư Emmanuel Moulin, Văn phòng Luật sư Ngo, Miguerès & Associés đưa ra tại Hội thảo Kinh nghiệm chinh phục thị trường quốc tế cho các DN Việt Nam , do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần trước.

Hàng loạt vụ việc như Nga ngừng nhập gạo của Việt Nam , những căng thẳng trong hoạt động xuất khẩu dệt may, da giày, thủy sản... thời gian qua chỉ mới là sự bắt đầu của những thách thức mà các DN Việt Nam sẽ phải vượt qua.

Đối với các nhà đàm phán, việc gia nhập WTO của Việt Nam là điểm kết thúc thành công, còn với các DN, thời điểm khó khăn mới chỉ bắt đầu. Gánh nặng trên vai các DN hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng lớn khi đa phần các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, kinh nghiệm pháp lý và cả khả năng chi trả khi theo đuổi các vụ kiện không nhiều.

Ông Trần Bình Duyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Trung ương (Mediplantex) đã không thể quên được bài học kinh nghiệm và cái giá mà Công ty phải trả khi để xảy ra những sơ suất trong việc ký kết hợp đồng với một công ty nước ngoài. “Mặc dù chúng tôi đã lấy lại được tiền của mình khi đối tác bị phá sản, song hành trình để khiếu kiện và theo kiện tại nước ngoài vô cùng phức tạp và khó khăn. Nhiều khi khoản tiền lấy lại được không đủ bù cho khoản chi phí phải bỏ ra”, ông Duyên chia sẻ và cho rằng, các DN Việt Nam nên có điều khoản sử dụng trọng tài của Việt Nam trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Có một điều mà không nhiều DN Việt Nam nắm rõ, theo Luật sư Emmanuel Moulin, đó là sự khác biệt trong thông lệ pháp lý của các quốc gia khác nhau. Với thị trường Mỹ, chi phí cho các vụ khiếu kiện thuộc về bên thua kiện. Ở Pháp, cả bên thắng và bên thua đều phải mất tiền, ngay cả khi hợp đồng ký kết có điều khoản quy định về bên phải trả phí trong trường hợp có khiếu kiện. “Với mỗi thị trường, các DN Việt Nam nên sẵn sàng sử dụng các tư vấn về tài chính và pháp lý. Cũng không nhất thiết phải coi trọng việc lựa chọn trọng tài Việt Nam hay nước ngoài trong những trường hợp xảy ra tranh chấp, vì đối với pháp luật ở châu Âu, DN nước ngoài không hề bị đối xử kém hơn các DN bản địa. Vấn đề chỉ là sự chuẩn bị thông tin, thông thạo các quy định và chắc chắn làm đúng quy định của các DN Việt Nam ”, ông Emmanuel Moulin chia sẻ. Và điểm đặc biệt quan trọng là luật pháp của các nước châu Âu, ví dụ như Pháp, thường coi trọng các cam kết, điều ước quốc tế hơn hệ thống luật nội địa của chính họ. Như vậy, việc hiểu và tuân thủ các cam kết mà Việt Nam đã tham gia là điều tối quan trọng đối với các DN Việt Nam .

Song, cũng phải thừa nhận rằng, sự thông thạo về pháp lý của các DN Việt Nam lại đang bị giới hạn rất nhiều bởi chính những phức tạp của việc tuân thủ các quy định trong cam kết của Việt Nam với WTO và các cam kết song phương và đa phương khác. Ông Nguyễn Khánh Ngọc, một thành viên tham gia đoàn đàm phán Việt Nam với WTO thừa nhận rằng, cho tới thời điểm này, cách hiểu và vận dụng không giống nhau về việc áp dụng các điều ước quốc tế tại Việt Nam vẫn còn khá phổ biến. Chính vì điều này, ông Ngọc cho rằng, các DN Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng những cam kết của Việt Nam khi tiến hành làm ăn với các thị trường quốc tế. “Tốt hơn hết là sử dụng các chuyên gia pháp luật và tài chính”, ông Ngọc khuyến cáo.

Thực ra, theo các luật sư Văn phòng Luật sư Ngo, Miguerès & Associés, việc làm ăn với thị trường quốc tế không chỉ bằng phương thức xuất nhập khẩu trực tiếp như đa phần các DN Việt Nam đang áp dụng. Có khá nhiều con đường không kém thuận lợi hơn đang chờ các DN Việt Nam, như liên doanh với các DN bản địa, tham gia đâu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ... hay tiến hành các vụ mua bán DN. Đơn cử, Công ty Scavi Việt Nam (100% vốn của Pháp) đang tiến hành thỏa thuận vụ mua lại nhóm Công ty DBA châu Âu. DBA hiện nắm giữ 15% thị phần quần áo lót của châu Âu. Với thương vụ này, Scavi Việt Nam hy vọng không chỉ nắm giữ được công nghệ hiện đại, mà có thể đạt mức nhuận lên tới 100 triệu USD.