Mặt bằng lãi suất huy động đã về vùng đáy của giai đoạn đại dịch Covid-19

Mặt bằng lãi suất huy động đã về vùng đáy của giai đoạn đại dịch Covid-19

Thách thức hạ thêm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất giảm mạnh so với đầu năm nhưng sẽ khó hạ thêm vì giá điện, giá xăng dầu... đang gây sức ép lên lạm phát.

Hạ lãi suất cho vay, mệnh lệnh từ thị trường

Tại cuộc họp cuối tháng 10 vừa qua giữa Ngân hàng Nhà nước và 35 ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng cho vay chính của nền kinh tế, cơ quan quản lý đã liệt kê những ngân hàng có lãi suất cho vay cao và yêu cầu phải tìm biện pháp hạ lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng nhận định, hạ lãi suất không còn là mệnh lệnh hành chính, mà là mệnh lệnh từ thị trường.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cho biết: “Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện, thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng, doanh nghiệp không vay vốn mà vẫn duy trì lãi suất huy động cao thì chỉ là “tự mình cắt thịt mình”.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 5,0%, từ mức 5,4% trước đó, phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn. Đáng chú ý, mức điều chỉnh này đòi hỏi tăng trưởng GDP của quý IV/2023 phải đạt mức 7,0% và điều này có thể vẫn là một thách thức.

Còn theo vị phó tổng giám đốc trên, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng yếu hơn so với cùng kỳ là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về tín dụng của khách hàng suy yếu do khó khăn của nền kinh tế trong gần một năm qua.

Cũng liên quan đến câu chuyện lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 thì mức giảm lãi suất cho vay là khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại là 1 - 1,5%/năm, nhưng đến thời điểm hiện nay, lãi suất đã giảm khoảng 2 - 2,2%/năm, vượt kỳ vọng và mong muốn của cơ quan quản lý hồi đầu năm.

“Tất nhiên, còn một số khoản cho vay trước đây, khi mà các ngân hàng thương mại huy động cao thì lãi suất có thể vẫn neo cao vì độ trễ của chính sách”, Phó thống đốc nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ: “Những doanh nghiệp tốt được hàng chục ngân hàng “xếp hàng” tiếp cận cho vay vốn thì làm sao có thể cho vay với lãi suất cao. Còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình vay vốn tại ngân hàng và dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao”.

Lãi suất có thể giảm thêm nhưng không nhiều

Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khó có thể giảm sâu hơn nữa do áp lực tỷ giá tăng.

Bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, mặt bằng lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong tháng 10. Theo đó, tính đến ngày 26/10/2023, bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,3%/năm, giảm thêm 0,2%/năm so với thời điểm cuối tháng 9 và giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022, chạm mức đáy của giai đoạn đại dịch Covid-19 (2021 đến tháng 6/2022).

Cũng theo lãnh đạo BIDV, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động VND vẫn được hỗ trợ bởi định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu ưu tiên là giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đà giảm có phần chậm lại so với tháng trước, trong bối cảnh cân đối huy động vốn - tín dụng kém tích cực hơn.

“Mặc dù tín dụng tăng trưởng vẫn tương đối chậm, nhưng nguồn cung huy động vốn cũng chịu áp lực, do dòng tiền găm giữ tại kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước có xu hướng gia tăng khi thặng dư ngân sách khả quan hơn trong tháng 10. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/10/2023 mới đạt 7,1%, tăng khoảng 0,2% so với cuối tháng trước, trong khi huy động vốn gần như đi ngang trong tháng 10”, vị lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Nhận định lãi suất đã chậm lại so với các tháng trước, bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trên thị trường mở đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì trong thời gian còn lại của năm 2023. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khó có thể giảm sâu hơn nữa do áp lực tỷ giá tăng khiến Ngân hàng Nhà nước có ít dư địa giảm lãi suất điều hành hơn. Đồng thời, sẽ không có đợt giảm lãi suất điều hành nào nữa trong năm 2023 và lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm nhanh trong thời gian qua”, bà My nhận định.

Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng công bố tuần qua cho thấy, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 6,5%/năm được một số ngân hàng áp dụng cho các món tiền gửi trên 1 năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm, nếu khách hàng gửi tiền trực tuyến (online) được áp dụng mức lãi suất 6 - 6,2%/năm…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, các lãnh đạo ngân hàng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt trên 10% so với đầu năm, nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới tăng trở lại trong dịp cuối năm.

Xung quanh vấn đề này, vị lãnh đạo BIDV nhận định, trong tháng 11, lãi suất huy động vốn VND dự kiến sẽ có thể giảm thêm tại một số ngân hàng, nhưng mặt bằng chung dự kiến không có nhiều thay đổi so với tháng trước, xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, lãi suất VND tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu chính vẫn là giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Đặt trong bối cảnh áp lực tỷ giá phần nào dịu bớt trong giai đoạn đầu tháng 11 và áp lực lạm phát chưa đáng lo ngại thì định hướng nới lỏng trên tiếp tục được củng cố.

Thứ hai, cân đối huy động vốn tín dụng dự kiến có thể dịch chuyển theo chiều hướng thu hẹp sẽ là yếu tố khiến cho lãi suất VND khó thể giảm sâu trong tháng 11. Cụ thể, trong khi tín dụng có thể đẩy mạnh hơn so với tháng trước thì nguồn cung huy động vốn lại vẫn chịu áp lực do nhu cầu thanh toán tiền mặt bắt đầu có chiều hướng gia tăng theo chu kỳ cuối năm. Ước tính, tăng trưởng tín dụng trong tháng 11 đạt khoảng 1,0 - 1,5%, tương đương hoặc cao hơn khoảng 0,2 - 0,3% so với huy động vốn.

Vị tổng giám đốc trên cho biết thêm: “Thực tế cũng không thể giảm lãi suất huy động sâu hơn nữa, bởi còn phải cân đối trước áp lực lạm phát đang tăng”.

Dự báo được Standard Chartered đưa ra, lạm phát tại Việt Nam đạt khoảng 3,4% trong năm 2023, tăng so mức 2,8% tổ chức này đưa ra trước đó. Tỷ lệ lạm phát của quý IV/2023 được dự báo ở mức 4,3% (so với trước đó là 2,7%) và có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Lạm phát có thể làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây.

Tin bài liên quan