Thách thức mốc 1.200 điểm

Thách thức mốc 1.200 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với chỉ số VN-Index, 1.200 là mức điểm cao nhất trong 20 năm qua và ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là ngưỡng cản tâm lý lớn với thị trường.

E dè trước ngưỡng 1.200 điểm

Thị trường đã có những phiên khởi sắc đầu năm mới Tân Sửu, được ví như quá trình “tăng bù” để bắt kịp đà tăng của thế giới sau kỳ nghỉ Tết. Những tưởng chỉ số VN-Index sẽ tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm thì ngay sau đó, thị trường đã giảm nhiệt bởi các doanh nghiệp lớn liên tiếp công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ. Quan trọng hơn, dòng tiền sau giai đoạn tăng mạnh từ nửa cuối năm 2020 có lẽ đang gặp tâm lý e ngại khi đứng trước mức đỉnh lịch sử này.

Đặt câu hỏi với các chuyên gia, nhà đầu tư về khả năng chỉ số liệu có sớm vượt qua mốc tâm lý này, nhiều người có chung quan điểm: ngưỡng 1.200 điểm luôn là điều ám ảnh với chỉ số VN-Index, mỗi khi chạm đến điểm này, tâm lý thị trường dễ bị lung lay. Không kể đến hai đỉnh quan trọng năm 2007 và 2018, ở lần gần nhất là trong tháng 1/2021, VN-Index giảm đến 200 điểm khi một lần nữa tiếp cận vùng đỉnh lịch sử này.

Vì sao chỉ số VN-Index nhiều lần gặp thử thách với ngưỡng 1.200 điểm? Trên thực tế, ngưỡng 1.200 điểm tại các thời điểm khác nhau cũng khác nhau.

Nếu so với giai đoạn 2007 hay 2018, có thể thấy, diễn biến bức tranh chung về sự luân chuyển của các loại tài sản hiện nay đang rất ủng hộ thị trường chứng khoán trong nước. Thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh, giá hàng hóa phục hồi, ngay cả loại tài sản nhạy cảm với rủi ro như tiền kỹ thuật số (nổi bật là Bitcoin) cũng tăng rất mạnh.

Trong nước, môi trường lạm phát thấp và mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì. Bức tranh chung hiếm khi nào lại thuận lợi đến vậy, điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn thị trường lập đỉnh vào năm 2018.

Thông tin tiêu cực đáng chú ý nhất lúc này là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Đây là động thái nhà đầu tư cần theo dõi, tuy nhiên chưa gây ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán trong nước. Dòng tiền mới vẫn đổ vào thị trường, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư F0, làm động lực quan trọng và mang lại sắc thái mới mẻ cho xu hướng tăng giá lần này.

Bên cạnh đó, Việt Nam trong những năm gần đây luôn là điểm sáng về tăng trưởng, sự ổn định và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn rất tích cực. Thị trường Việt Nam còn đó những câu chuyện hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư như nâng hạng thị trường, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…

Giám đốc tư vấn đầu tư một công chứng khoán nhìn nhận, việc vượt đỉnh cần sự bùng nổ thanh khoản để hấp thụ hết nguồn cung bán xuống.

Tuy nhiên, với khối lượng giao dịch bị hạn chế (do hệ thống công nghệ giao dịch), việc tăng hơn nữa giá trị giao dịch là chưa khả thi lúc này. Cách vượt đỉnh theo kiểu hưng phấn sẽ tạm thời chưa thể diễn ra, nếu có thì phải theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng hoạt động cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán đã đến ngưỡng, khi nhiều công ty chứng khoán chưa có sự chuẩn bị cho dòng tiền vào ồ ạt như hiện tại.

Theo vị giám đốc tư vấn đầu tư này, so với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chuyển động chậm đi đáng kể. Hiện tại, nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đã vượt rất xa so với đỉnh lịch sử như S&P 500 áp sát ngưỡng 4.000 điểm, trong khi Dow Jones vững chãi trên mốc 30.000 điểm. Ở châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể xem là thị trường tăng mạnh nhất thế giới lúc này, với mức tăng hơn 10% kể từ đầu năm và đã vượt ngưỡng 30.000 điểm. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) cũng tăng mạnh. Thị trường Trung Quốc cũng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng chỉ số Shanghai Composite đã qua kháng cự quan trọng ở 3.600 điểm (xem biểu đồ).

Với những yếu tố trên, có thể thấy, VN-Index vẫn “không may” với ngưỡng kháng cự 1.200 điểm.

Khi thị trường có đầy đủ điều kiện thuận lợi từ tình hình thế giới, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư F0 và một năm tăng trưởng GDP thuộc nhóm ấn tượng nhất thế giới khi vẫn tăng trưởng dương thì hạ tầng thị trường và khả năng của các công ty chứng khoán lại không đáp ứng được nhu cầu.

Thị trường có đầy đủ điều kiện thuận lợi từ tình hình thế giới, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư F0 thì hạ tầng thị trường lại không đáp ứng được nhu cầu.

Thêm vào đó, thời điểm then chốt nhất, khi nhiều tài sản có rủi ro, nhiều thị trường chứng khoán lớn vượt đỉnh thì dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại ở trong nước.

Tuy nhiên, tổng hợp lại, bức tranh chung của thị trường chứng khoán vẫn nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực. Do đó, dù khó khăn và nhiều sự rung lắc, nhưng xác suất vượt mốc 1.200 điểm được đánh giá cao hơn và kỳ vọng sẽ vượt được trong 6 tháng đầu năm.

Động lực từ đâu?

Các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tiếp tục đánh dấu sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch. Theo đó, tính từ đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục gần 3 tỷ USD. Đi cùng với đó là các dự báo lạc quan về xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như thủy sản (8,8 tỷ USD), dệt may (39 tỷ USD)...

Động lực tăng còn bắt nguồn từ quá trình tiêm vắc-xin của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Anh… Đây là các quốc gia chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hứa hẹn kỳ vọng về đà tăng trưởng bền vững trong cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam tính từ năm 2016.

Ngoài ra, chỉ số CPI tiếp tục được kiểm soát tốt, và mục tiêu kiểm soát mức tăng dưới 4% là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, theo CBRE, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào các khu công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy đạt 87% tại phía Nam và trên 84% tại phía Bắc.

Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản trong tháng 1/2021 tiếp tục duy trì ở mức cao với 86.269 tài khoản. Các kênh đầu tư khác cũng đang diễn biến theo xu hướng có lợi cho đà đi lên của thị trường.

Giá vàng trong nước đang neo ở mức 56 triệu đồng/lượng, cao hơn so với thị trường thế giới, khiến kênh đầu tư vàng không thật sự hấp dẫn.

Trong khi đó, kênh huy động vốn qua tiền gửi tại các ngân hàng vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu hồi phục, lãi suất huy động tại các kỳ hạn vẫn duy trì ở mức rất thấp. Sau Tết, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận mức giảm từ 0,2 - 1,4%/năm, tùy kỳ hạn.

Theo đó, việc lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp nhất 10 năm cũng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu trên thị trường bất động sản.

Nhu cầu gia tăng cùng với các dự thảo luật nhằm gỡ bỏ những khó khăn liên quan đến pháp lý được dự kiến thông qua trong năm 2021, thị trường bất động sản được dự báo sẽ ấm dần lên so với năm 2020. Đây cũng là yếu tố tích cực với nhóm cổ phiếu bất động sản.

Từ những diễn biến trên, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, quy mô nền kinh tế và khả năng chống chịu của các doanh nghiệp niêm yết trước các sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 đã ghi nhận bước tiến đáng kể. Ngưỡng 1.200 điểm, do đó, sẽ sớm bị chinh phục trong thời gian tới.

Theo ông Trung, động lực thúc đẩy thị trường trực tiếp và có tính ảnh hưởng nhất vẫn là chuyển động của các nhóm cổ phiếu. Các nhóm ngành chủ chốt, vốn hóa lớn vẫn là động lực như ngân hàng (nổi bật là các ngân hàng ngoài quốc doanh TCB, MBB, VPB, ACB), bất động sản (VHM,VIC, KDH, NLG…), công nghiệp (HPG, VEA), công nghệ (FPT)… Năm nay, nhóm ngành dầu khí cũng rất đáng chú ý với sự phục hồi của giá dầu (GAS, PVS, PVD…).

Một chi tiết được vị chuyên gia lưu ý, sau nhiều năm, VN30 đã vượt điểm số VN-Index, điều đó cho thấy sức hút của cổ phiếu lớn và nhóm cổ phiếu này đóng vai trò làm trụ đỡ cũng như trợ lực rất lớn để chỉ số chạm đến đỉnh mới của chỉ số VN-Index trong năm 2021.

Tin bài liên quan