Thanh toán di động chật vật thay thế tiền mặt ở Đông Nam Á

Rào cản thu nhập, đường truyền và công nghệ khiến tiền mặt vẫn là dạng thanh toán phổ biến tại khu vực này.
Một người Trung Quốc đang quét mã QR để thanh toán tại Bắc Kinh. Ảnh:AP

Một người Trung Quốc đang quét mã QR để thanh toán tại Bắc Kinh. Ảnh:AP

Bui Mai Phuong rất thích mua sắm trực tuyến. Cô dùng điện thoại đặt mua mọi thứ, từ quần áo đến đồ chăm sóc cá nhân. Tuy nhiên, cô lại thích trả bằng tiền mặt.

Cô là một trong hàng trăm triệu người mà các công ty như Grab hay Tencent muốn giành giật khi thâm nhập thị trường Internet đang bùng nổ tại Đông Nam Á.

Hơn 70% dân số khu vực này không sử dụng ngân hàng - cao hơn 30% so với trung bình toàn cầu. Quy mô thị trường thương mại điện tử tại đây cũng được dự báo chạm 88 tỷ USD năm 2025.

Tuy nhiên, họ sẽ phải thuyết phục các khách hàng như Phuong. “Tôi chưa bao giờ thử thanh toán trên điện thoại, vì không biết cách dùng và có vẻ phức tạp”, cô cho biết.

Trái lại, tại Trung Quốc, hình thức này khá phổ biến. Người dân Bắc Kinh hay Thượng Hải có thể không mang tiền cả ngày. Kể cả người ăn xin cũng nhận thanh toán di động. Còn ở Đông Nam Á, tiền mặt vẫn là vua.

Thanh toán tiền mặt khi nhận hàng chiếm 44% tổng giao dịch thương mại điện tử tại đây năm ngoái. Theo hãng nghiên cứu IDC, đây có thể vẫn là hình thức phổ biến nhất trong ít nhất 5 năm tới.

“Thách thức lớn nhất với người mua và người bán là tiền mặt vẫn phổ biến, dễ dùng và không đắt đỏ”, Grab nhận xét. Thị trường thanh toán di động tại Đông Nam Á vẫn còn rất mở và chưa có cái tên nào thống trị. Hàng loạt cái tên đã gia nhập cuộc chơi này, như Go-Pay của Go Jek, Grab Pay, Line Pay, Momo và Voyager Innovations. Hãng game Razer cũng ám chỉ muốn thâm nhập.

Lazada cho biết việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng cũng khiến các hãng thương mại điện tử tốn nhiều chi phí hơn so với hình thức khác. Ví dụ, nếu khách hàng không đủ tiền mặt, hoặc không ở nhà để thanh toán, hàng sẽ bị trả lại, làm phát sinh thêm chi phí logistics. Thanh toán di động sẽ giải quyết một số vấn đề trên.

Tuy nhiên, với các nước mà thu nhập trung bình tháng của người dân chỉ khoảng 200 USD, như Việt Nam hay Indonesia, theo hãng dữ liệu CEIC, thuyết phục họ giảm dùng tiền mặt sẽ rất khó khăn. “Để phá bỏ thói quen dùng tiền mặt, Grab đang tạo ra ngày càng nhiều lựa chọn có thể thanh toán không tiền mặt, từ di chuyển, giao đồ ăn đến thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ và ăn uống”, Grab cho biết.

Các công ty thanh toán điện tử đang đánh cược vào việc họ có thể biến nền tảng của mình thành một siêu thị dịch vụ tài chính, cung cấp mọi thứ từ cho vay đến bảo hiểm. Hiện tại, mức độ sử dụng thanh toán điện tử tại Đông Nam Á còn khá rải rác. Theo IDC, ví điện tử được dự báo chiếm 16% giao dịch thương mại điện tử khu vực này năm 2021, tăng so với 9% năm ngoái.

Tại các nước như Việt Nam, nhiều người chỉ đơn giản là cho rằng mình không cần mở tài khoản ngân hàng. Quang Thi Si - một người nhặt phế liệu tại TP HCM cho biết công việc của bà chỉ xoay quanh tiền mặt. “Khi nào cần gửi tiền về quê, tôi lại nhờ bạn bè cầm về. Tôi không nghĩ sau này sẽ có tài khoản ngân hàng, vì tôi có cần đâu”, bà cho biết.

Dù vậy, Si vẫn có smartphone. Hơn 90% lượng truy cập Internet tại Đông Nam Á là qua smartphone, một nghiên cứu của Google-Temasek cho biết. Nhưng kể cả khi có smartphone, tại các nước như Philippines, đường truyền Internet chậm cũng là rào cản lớn với thanh toán điện tử.

Những thách thức như vậy có thể cản bước Ant Financial và Tencent, khi các công ty này đang tìm hướng tăng trưởng cho Trung Quốc. Ant Financial hiện có 600 triệu khách hàng và đang đặt mục tiêu lên 2 tỷ trên toàn cầu trong thập kỷ tới. Họ đã tăng cường đầu tư vào khu vực này, trong đó có việc mua cổ phần tại hãng fintech Thái Lan - Ascend Money. Tuy nhiên, dịch vụ của họ chủ yếu giới hạn cho khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài. Tencent cũng đã lần đầu mở rộng ra nước ngoài với giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử tại Malaysia.

Dù vậy, Michael Yeo - Giám đốc Nghiên cứu tại IDC nhận định các đại gia Trung Quốc này “đã nhập tiệc quá muộn”. “Khi họ có phiên bản cho người dân địa phương, các công ty trong nước cũng đã có lợi thế tương đối rồi”, Yeo cho biết.

Tin bài liên quan