Thành tựu hơn 10 năm phấn đấu xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên được phát triển sâu rộng, người dân chủ động thực hiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao.
Xây dựng các xóm nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên.

Xây dựng các xóm nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên.

Nỗ lực đổi mới, đạt nhiều thành tựu

Trải qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ 1 tỉnh miền núi, việc phát triển kinh tế - xã hội còn yếu, 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên là một trong 2 địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đây được coi là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, ban hành nhiều văn bản kịp thời và đồng bộ, cụ thể hóa các nội dung để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương.

Cùng với đó, xây dựng ban hành các nghị quyết, quyết định và các văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và xóm nông thôn mới kiểu mẫu…

Đến nay, đã có gần 86% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở hỗ trợ của Trung ương, Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện chương trình này với quyết tâm cao nhất, quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.

Trong năm 2023, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã bố trí trên 195 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ huyện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp thống nhất hỗ trợ huyện khoảng 17.000 tấn xi măng phục vụ xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới để huyện Định Hóa đạt huyện nông thôn mới năm 2023.

Trong quá trình triển khai, Định Hóa lựa chọn các hạng mục ưu tiên đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm như: Xây dựng các tuyến đường liên xã, hạ tầng cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương... Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai một số công trình hạ tầng nâng cấp hệ thống thu gom nước thải; cải tạo, nâng cấp chợ, nhà văn hóa thị trấn…

Ông Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết, nhờ thực hiện chương trình, nhận thức của người dân đã thay đổi, chuyển từ suy nghĩ “phải làm” nông thôn mới sang “sẵn sàng” làm nông thôn mới. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của các địa phương. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, khởi sắc hơn. Phát huy kết quả đạt được, Định Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, dự kiến hết năm nay có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 108/126 xã (85,7% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có gần 16% số xã đạt nông thôn mới nâng cao và gần 4% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã.

Nổi bật nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên có thể kể đến là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn trên địa bàn không ngừng hoàn thiện, đó là quy hoạch các xã đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư hạ tầng. Đến nay, 94,4% xã đạt tiêu chí giao thông; 100% các xã đạt các tiêu chí về thủy lợi, điện, y tế, văn hóa, an ninh; các tiêu chí khác như hạ tầng số, hạ tầng thương mại, môi trường... đều đạt từ 90% trở lên.

Cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân

Một trong những mục tiêu lớn của xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Thái Nguyên hướng tới là củng cố, phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn bằng những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để làm ra những sản phẩm có giá trị, thương hiệu bán trên thị trường, giải quyết việc làm. Qua đó đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Trong vòng gần 3 năm, tỉnh đã tổ chức, thành lập mới 109 hợp tác xã nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 495 hợp tác xã nông nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Các xã trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là một số xã có từ 3 đến 8 hợp tác xã nông nghiệp cùng hoạt động, tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Thái Nguyên gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Thái Nguyên gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn cũng được triển khai mạnh mẽ với kết quả là đào tạo ra tổng số 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, nên giá trị gia tăng được nâng lên. Đồng thời, tỉnh gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 93% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 92% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Qua đó, thúc đẩy việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đó là tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giảm chỉ còn 5,1%. Thời gian tới, Thái Nguyên phấn đấu hết năm 2023 toàn tỉnh có 94,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 24,3% số xã nông thôn mới nâng cao, 6,7% số xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn nông thôn của tỉnh, bao gồm: các xóm (thôn, bản), các xã, các huyện, các thành phố của tỉnh trong giai đoạn 5 năm, từ 2021 đến hết 2025.

Với mục tiêu đến hết năm 2025 có 131 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (95%), trong đó có 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao (52 xã), trên 10% số xã (15 xã) đạt nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới.

Bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.

Tin bài liên quan