Thay đổi để bắt kịp cuộc chơi

Thay đổi để bắt kịp cuộc chơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với yêu cầu ngày càng khắt khe về tính bền vững của các nền kinh tế lớn - những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nếu không thay đổi, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Chuyển đổi theo ESG để thu hút đầu tư

Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo còn nhiều ẩn số khó lường, các quốc gia có thể phải đối mặt với lạm phát, suy thoái kinh tế và sự gián đoạn trầm trọng của chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023.

Sắp tới, thị trường sẽ chứng kiến việc các nhà sản xuất phải bước vào môi trường cạnh tranh gay gắt hơn để ký kết các đơn hàng mới. Trong khi khách hàng, những thương hiệu lớn đang có chiều hướng ưu tiên hợp tác với những doanh nghiệp hoạt động đảm bảo được các tiêu chí toàn cầu hiện nay, điển hình là ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết cho hầu hết doanh nghiệp. ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Tại Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 6 do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư đồng tổ chức vào tháng 12/2022, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu cùng cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược để phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, theo Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” do PwC và VIOD thực hiện, chỉ 28% doanh nghiệp có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai ESG, 35% doanh nghiệp chưa có bất kỳ sáng kiến hay thực hành nào liên quan đến ESG và 71% doanh nghiệp cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.

Bà Thanh nhận định, ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Thực tế hiện nay, việc dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư ESG là một xu thế tất yếu. Hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Úc... đều tập trung thúc đẩy các tiêu chí ESG nhằm cải thiện chất lượng môi trường và cân bằng xã hội.

Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) đã được Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đồng ý giải ngân khoản đầu tư 900 tỷ đồng để phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín mô hình 3F. Công ty Tư vấn quốc tế (CIB) cho rằng, để huy động được khoản đầu tư trên từ IFC, BAF không những phải đảm bảo các chỉ số tài chính, mà còn phải đáp ứng được những tiêu chí khắt khe về ESG.

Từ nhiều năm trước, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM) đã nhận ra việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư đến những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai, nhiều nội dung Công ty phải thay đổi, làm mới và đầu tư, nhất là về quy trình và con người. Vinamilk nhận ra rằng, trong bối cảnh kinh doanh chung, ESG không còn là lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, ngày càng nhiều nhà cung cấp của các doanh nghiệp đa quốc gia được cho vay hay thế chấp với lãi suất rẻ hơn nếu họ chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng. Mọi sản phẩm ngân hàng này đưa ra trên thị trường đều đang được xem xét ở góc độ bền vững.

Bắt đầu từ “xanh hóa”

Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp mới bộc lộ ra những yếu kém. Nếu trong điều kiện bình thường, những yếu kém này sẽ thay đổi rất chậm, nhưng trước áp lực của tình thế đặt ra, doanh nghiệp buộc phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được rằng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và mở rộng thị trường, họ buộc phải thay đổi theo xu hướng bền vững. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp sẽ khó bán hàng cho các thị trường chủ lực như Mỹ, EU - những thị trường yêu cầu cao về tính bền vững với các sản phẩm, đồng thời tự đánh mất khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường trong tương lai.

Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong chiến lược phát triển ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt ra kế hoạch đến năm 2023 giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam.

Trước yêu cầu ngày càng cao và mang tính bắt buộc trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” và gặt hái được thành công.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đã đầu tư phòng Lab để nghiên cứu nguyên liệu xanh và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang xanh một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, TCM cũng thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: Sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.

Tương tự, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đã nghiên cứu lắp đặt pin năng lượng trên mái nhà cho toàn bộ hệ thống lên tới hơn 20 xưởng sản xuất, được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định. Nhà xưởng Sông Hồng 7 và Sông Hồng 10 là 2 dự án điện áp mái đầu tiên đã đi vào hoạt động trong hành trình xanh hóa nguồn năng lượng sản xuất của Công ty.

Liên quan đến vấn đề “xanh hóa” ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý hiệu quả tất cả nghề cá và nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) lưu ý thêm, để chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp trong chuỗi phải xanh đồng bộ. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này, chắc chắn sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành thủy sản Việt Nam.

Từ thực tế chứng minh, VASEP đánh giá, thực hiện chiến lược xuất khẩu xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp có dấu ấn về lợi thế cạnh tranh đạt được, mà còn tăng cường hiệu suất tài chính. Do đó, các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến thủy sản nên chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để nắm giữ những lợi thế này và tăng cường năng lực cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Tin bài liên quan