DN có thể sử dụng các sản phẩm phái sinh của ngân hàng để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá

DN có thể sử dụng các sản phẩm phái sinh của ngân hàng để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá

Thay đổi tỷ giá, quyết định sốc nhưng phải làm

(ĐTCK) Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông báo tăng tỷ giá bình quân VND/USD lên 1% đồng thời nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3%. Động thái này được thị trường đánh giá là sốc, nhưng không còn cách nào khác.

Thách thức tiền đồng đang phải đối mặt

Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, sau quyết định điều chỉnh tỷ giá cũng như biên độ của NHNN, thị trường có biến động khá mạnh trong buổi sáng ngày 19/8. Cụ thể, đầu giờ sáng, tỷ giá tăng lên mức 22.350 đồng/USD và mức đỉnh là 22.390 - 22.420 đồng/USD. Sang buổi chiều, dù có giảm nhưng tỷ giá vẫn ở mức 22.380 - 22.390 đồng/USD.

Còn tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Thực tế, phần lớn ngân hàng đều chuẩn bị sẵn tâm thế thay đổi tỷ giá tiếp, nhưng động thái ‘kép’ này là điều các ngân hàng không lường tới”.

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định: “Động thái phá giá của NHNN nêu bật những thách thức sâu sắc mà tiền đồng đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại. Động thái này cũng ghi dấu một sự thay đổi đáng ghi nhận về chính sách tỷ giá của NHNN mà từ đầu năm đã tuyên bố là không muốn giảm giá tiền đồng so với USD quá 2% trong năm 2015”.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đây là một động thái chính sách rất khôn ngoan của NHNN khi chia ra làm hai lần điều chỉnh. Lần thứ nhất nhằm đối phó tức thời với việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT, còn lần này sẽ dài hơi hơn. Một mặt để đối phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 này, mặt khác diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua cũng bị ảnh hưởng của việc giảm giá đồng NDT và NHNN cần thiết phải có tác động chính sách.

Điểm quan trọng trong thông điệp của NHNN được TS. Nghĩa phân tích, sau hai lần điều chỉnh vừa qua, đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Như vậy, các DN xuất khẩu sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc. 

“Tôi nghĩ đó là động thái điều hành đón đầu thị trường rất kịp thời. Với mức độ điều chỉnh lớn như vậy sẽ tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ thời gian tới”, TS. Nghĩa nói.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc củng cố nền tảng vĩ mô là mục tiêu lâu dài mà Việt Nam cần phải tiếp tục theo đuổi. Do vậy, những biện pháp chính sách vừa qua của NHNN, như mở rộng biên độ tỷ giá và giảm giá đồng tiền là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính.

“Chúng tôi cho rằng đây là bước đi đúng hướng và chủ động của NHNN sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài, thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc Fed rút gói nới lỏng định lượng. Như vậy, NHNN đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn”, bà Victoria nói.

Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn cho rằng, việc tăng tính linh hoạt tỷ giá là một bước đi cần thiết. Mở rộng biên độ giao dịch VND  giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài, giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập và qua đó sẽ giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát.

“Tăng cường linh hoạt tỷ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của nền kinh tế Việt Nam như tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác”, ông Jonathan nhấn mạnh. 

Tỷ giá thực tăng 9%

Thực tế cho thấy, một đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ làm trầm trọng hơn nỗi lo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm sút, từ đó có thể đẩy cán cân thương mại của Việt Nam rơi vào ngưỡng thâm hụt sâu hơn. Ngay trong thông cáo, NHNN đã nhấn mạnh, việc phá giá tiền đồng lần này là một bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà xuất khẩu của Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nỗi lo tỷ giá sẽ làm tổn thương khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam là có căn cứ. Trước khi giảm giá tiền đồng và nới biên độ giao dịch gần đây, quyết định của NHNN để đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ thực sự có ý nghĩa rằng tiền đồng là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất châu Á trong năm 2015. Điều này có nghĩa, ở cả hai cách tính tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hối đoái hiệu quả thực (REER), tiền đồng về cơ bản đã tăng giá.

“Chúng tôi ước tính tiền đồng đã tăng 9% so với năm trước trên cơ sở tính tỷ giá hối đoái hiệu quả thực, đây là mức độ tăng giá nhanh nhất kể từ năm 2000. Quyết định giảm giá tiền đồng là một động thái đi trước để giảm áp lực của ngoại tệ trước khả năng Fed bắt tay vào chu kỳ xiết chặt trước khi kết thúc năm 2015”, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định.

Đối với những quan ngại sự thay đổi này gây áp lực lớn đến nền kinh tế, TS. Nghĩa phân tích, điều chỉnh tỷ giá tác động không mạnh đến lạm phát và hiện lạm phát đang ở mức rất thấp nên không tác động đến lãi suất tiền gửi. Do vậy cũng sẽ không tác động đến lãi suất cho vay. Hơn thế, xét về mặt lý thuyết, khi nói NHNN nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó, về nguyên tắc, lãi suất sẽ giảm chứ không tăng.

Ở góc độ thị trường, ông Hà cho biết, các DN Việt Nam chủ yếu sử dụng hình thức mua bán giao ngay để thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ. Hiện các ngân hàng đều có các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá. Vì thế, để hạn chế rủi ro, các DN nên sử dụng các sản phẩm phái sinh này.

“Điều Việt Nam cần làm hiện nay là tiếp tục tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn hơn, đó là kinh tế vĩ mô cần có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt, ổn định và có nền tảng vững chắc. Điều quan trọng là trong công tác hoạch định điều hành chính sách trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra”, bà Victoria khuyến nghị.

Tin bài liên quan