Nếu việc giám sát không thực sự nghiêm túc. thì DN có thể “chế biến” nghị quyết nếu muốn gây bất lợi cho cổ đông thiểu số (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Hoài Nam)

Nếu việc giám sát không thực sự nghiêm túc. thì DN có thể “chế biến” nghị quyết nếu muốn gây bất lợi cho cổ đông thiểu số (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Hoài Nam)

Thấy gì từ vụ đính chính nghị quyết ĐHCĐ của TIC?

(ĐTCK-online) Ngày 24/8, trên trang thông tin điện tử của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) có đăng tải công văn đính chính số 59 CV/TIC ngày 19/8/2010 của CTCP Đầu tư điện Tây Nguyên (TIC). Đây không phải là công văn đính chính có nội dung chỉnh sửa kết quả kinh doanh, thời hạn chia cổ tức... như một số DN đã thực hiện, mà là văn bản đính chính nghị quyết ĐHCĐ.

Theo đó, TIC đính chính lại một số mục còn thiếu trong nghị quyết ĐHCĐ năm 2010 được ban hành trước đó 2 tháng (ngày 18/6/2010). Lý do dẫn đến đính chính được TIC đưa ra là trong biên bản họp ĐHCĐ ngày 18/6/2010, Ban thư ký đã ghi đầy đủ các nội dung của Mục 3 và Mục 7, nhưng khi soạn thảo và ban hành Nghị quyết đại hội, Ban thư ký lại bỏ sót một số từ phía sau. Do đó, tại văn bản đính chính này, TIC bổ sung thêm một số thông tin còn thiếu tại Mục 3 (Phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ và niêm yết bổ sung số cổ phiếu này) và Mục 7 (Chuyển đổi trái phiếu đợt 2/2007 (H'Mun) sang cổ phiếu phổ thông, tăng vốn điều lệ và niêm yết bổ sung số cổ phiếu này). Nội dung tại Nghị quyết cũ là “Phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ đầu tư phát triển” (Mục 3), “Chuyển đổi trái phiếu đợt 2/2001 (H'Mun) sang cổ phiếu phổ thông và tăng vốn điều lệ từ tháng 7/2010” (Mục 7).

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo ĐTCK, bà Nguyễn Thị Điều, phụ trách công bố thông tin của TIC cho biết, do Công ty vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thông qua 2 kênh là phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu nên phải làm thủ tục niêm yết số cổ phiếu mới này. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết bổ sung cổ phiếu mới, Công ty phát hiện là tại nghị quyết ĐHCĐ còn thiếu nội dung đã được đại hội thông qua là niêm yết bổ sung cổ phiếu. Trong khi đó, hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu yêu cầu phải có quyết định của ĐHCĐ thông qua việc niêm yết bổ sung. Do đó, HOSE đã yêu cầu TIC sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết để đảm bảo thông tin được công bố chính xác, đầy đủ. Vì vậy, TIC đã có công văn đính chính nghị quyết như trên.

Nếu biên bản họp ĐHCĐ của TIC có ghi nhận nội dung này, thì việc đính chính là điều hợp lý. Hơn thế, đây cũng chỉ là vấn đề mang tính thủ tục, không ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Bởi lẽ, DN đã niêm yết, đã phát hành thêm cổ phiếu hay chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu thì đương nhiên sẽ niêm yết thêm, nếu không có lý do đặc biệt nào.

Do nghị quyết ĐHCĐ của TIC không đầy đủ thông tin, dẫn đến việc công bố thông tin không đầy đủ và công văn đính chính quá muộn, nên theo điểm b khoản 2 Điều 32 Nghị định 36/2007/NĐ-CP, TIC có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn theo quy định của pháp luật (Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 36, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2010, thì với vi phạm này, mức xử phạt được nâng lên từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng).

Vấn đề đáng lưu ý từ trường hợp của TIC là, DN hoàn toàn có điều kiện sửa nghị quyết ĐHCĐ nếu muốn nhào nặn nó thành một nghị quyết được “chế biến” theo ý riêng, nhất là khi công tác giám sát kiểm phiếu, ghi biên bản đại hội không thực sự nghiêm túc.

Nói về tính thiếu tuân thủ những quy định về họp ĐHCĐ, bà Ngô Thị Thu Hà, Đoàn luật sư Yên Bái cho rằng, mặc dù Luật Doanh nghiệp quy định biên bản họp phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bế mạc đại hội, nhưng trên thực tế, biên bản họp hầu như chưa bao giờ được gửi đến cổ đông, chứ nói gì đến thời hạn 15 ngày. Theo bà Hà, đó chính là thói quen xấu và DN có thể “chế biến” nghị quyết nếu muốn. Khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan giám sát hay cổ đông khó có căn cứ để điều tra.

“Trường hợp của TIC nếu không được chấn chỉnh đúng mức, có thể là một tiền lệ xấu để DN có đất thực hiện hành vi trục lợi. DN có thể bổ sung một số thông tin có ảnh hưởng đến giá chứng khoán, gây bất lợi cho cổ đông thiểu số vào biên bản đại hội và ra công văn đính chính nghị quyết, chấp nhận chịu phạt. Đối với trường hợp ảnh hưởng đến giá chứng khoán, theo tôi, cần xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc họp lại, chứ không chỉ đính chính là xong”, bà Hà nói.