Thấy gì từ vụ PGD bị xử phạt?

Thấy gì từ vụ PGD bị xử phạt?

(ĐTCK) Qua câu chuyện của PGD, nhiều DN cho biết, họ cũng không ít lần rơi vào tình trạng khó xử trong công bố thông tin theo quy định.

CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (mã PGD) vừa nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCK với số tiền 80 triệu đồng do công bố thông tin không kịp thời khi xảy ra các sự kiện phải công bố thông tin bất thường, vi phạm quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC.

Theo UBCK, sau khi chấp hành quyết định xử phạt, PGD phải xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của người đó theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với ĐTCK sau quyết định xử phạt trên, đại diện PGD cho biết, Công ty sẽ rút kinh nghiệm để trong thời gian tới thực hiện việc công bố thông tin kịp thời hơn, đồng thời cũng chia sẻ, DN không ít lần rơi vào tình trạng khó xử trong công bố thông tin theo quy định, cụ thể là không rõ thông tin có phải công bố hay không.

Thấy gì từ vụ PGD bị xử phạt? ảnh 1

Nhiều DN niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin do... thiếu hiểu biết

Nhiều DN niêm yết khác cũng trong tình cảnh tương tự, bởi trên thực tế, trong quan hệ với đối tác, khách hàng, không ít DN ký kết thương vụ/hợp đồng lớn, nhưng mang tính bảo mật, thậm chí tuyệt mật, hay thông tin vẫn đang trong vòng đàm phán. Đối với các sự kiện này, DN có phải công bố thông tin hay không, công bố lúc nào để không phạm luật, là chưa rõ ràng.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một DN dược lớn nói, tại DN ông từng xảy ra việc đối tác có công văn yêu cầu tăng giá nguyên vật liệu, nếu áp theo giá này thì giá thuốc sẽ tăng đáng kể, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên, công văn đòi tăng giá này đã được DN giữ kín trong quá trình DN nỗ lực đàm phán lại với đối tác để giữ nguyên giá cũ. Chính vì vậy, mọi việc êm xuôi, dư luận không biết về sự việc, dù thực tế trong lòng DN đã “có chuyện” xảy ra.

Trở lại với trường hợp PGD, ngày 23/8/2012, PVGas có Nghị quyết về việc tăng giá bán khí cho PGD lên 10,55 USD/MMBTU, nhưng lại áp dụng từ ngày 1/4/2012. Thời điểm PGD nhận được công văn của PV Gas là giữa quý III/2012, Công ty đã hoàn thành báo cáo tài chính quý II và đã được kiểm toán, công bố thông tin ra công chúng. Vì thế, quyết định tăng giá bán khí mà PV Gas đưa ra với PGD, áp dụng hồi tố từ 1/4/2012 khiến PGD gặp khó khăn trong việc “nói lại” với thị trường.

Để xử lý công văn của PV Gas, theo bản giải trình của PGD đến UBCK, ngày 5/9/2012, PGD gửi công văn đến PVGas đề nghị thay đổi thời điểm áp dụng việc tăng giá khí, đồng thời cùng PVGas tiến hành đàm phán. Đến cuối quý III/2012, hai bên mới thống nhất được việc tăng giá khí đầu vào và sau đó, PVGas phát hóa đơn điều chỉnh giá bán khí cho PGD, khi đó PGD mới có cơ sở hạch toán giá vốn vào báo cáo tài chính quý III/2012. Như vậy, mặc dù PGD đã nhận được Nghị quyết tăng giá khí thấp áp và đề nghị truy thu kể từ ngày 1/4/2012 của PV Gas, nhưng do PGD thấy chưa hợp lý, nên chưa chấp thuận và đã không công bố thông tin ra công chúng ngay khi xảy ra sự việc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến PGD mắc lỗi chậm công bố thông tin thay đổi giá khí. Đó là chưa kể, thông tin tăng giá bán khí thuộc loại bảo mật theo cam kết với đối tác, nên Công ty không được tự ý công bố ra bên ngoài.

Sau quyết định xử phạt của UBCK, PGD cho biết, kể từ năm 2013, Công ty buộc phải thoả thuận từ đầu một cách rõ ràng với đối tác/khách hàng (PVGas) để không rơi vào tình trạng khó xử trong công bố thông tin, dẫn đến khả năng bị xử phạt như vừa qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin của DN có những điểm chỉ quy định chung, trong khi hoạt động của DN diễn biến liên tục, nên DN thường xuyên phải đối diện với câu hỏi: sự kiện/vấn đề diễn ra tại DN mình có phải công bố thông tin hay không.

“Những văn bản một chiều, hay những hợp đồng có giá trị lớn nhưng được ký theo hình thức mật/tuyệt mật, chúng tôi phải ứng xử như thế nào? Nếu không công bố ra công chúng, liệu chúng tôi có bị xử phạt không? Nếu công bố ra thì không biết phải làm thế nào để giữ được cam kết với đối tác”, một DN đặt câu hỏi.

Để giải quyết việc thiếu tính chi tiết trong văn bản pháp lý, luật sư Trần Vũ Hải kiến nghị, nên chăng UBCK nghiên cứu xuất bản 1 cuốn cẩm nang/sổ tay xử phạt chứng khoán, như cách một số nước đã làm. Trong cuốn này có những ghi nhận thực tế vi phạm của DN, cũng như lý giải rõ hơn các quy định của pháp luật để DN hiểu và tránh khả năng mắc lỗi.