Thế giới mới nổi cần cải cách thực sự để duy trì tăng trưởng

(ĐTCK) Trước mắt chúng ta có mọi thứ và cũng chẳng có thứ gì. Có thể là hơi cường điệu hóa khi ví tình huống mà các nhà đầu tư thị trường mới nổi đang đối diện như hoàn cảnh của các nhân vật chính trong “Chuyện kể về hai thành phố” của Dicken, nhưng cảnh báo đó không quá xa vời.
Thế giới mới nổi cần cải cách thực sự để duy trì tăng trưởng

Những tháng tới có thể truyền cảm hứng, nhưng cũng có thể gây thất vọng.

Lý do lạc quan có thể được tìm thấy trong sự thay đổi môi trường kinh tế. Mặc dù tăng trưởng của thế giới vẫn yếu ớt trong nửa đầu năm nay, hoạt động kinh tế có thể sẽ phục hồi tích cực ở các nước phát triển trong thời gian còn lại của năm, qua đó thúc cầu cho xuất khẩu của các thị trường mới nổi.

Tại Mỹ, sự tăng tốc trong lĩnh vực sản xuất và phục hồi trong một số phân khúc của lĩnh vực nhà ở đang giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng đáng kể với 2,5 - 3%.

Động lực kinh tế cũng có thể tìm thấy ở Nhật Bản, nơi những ảnh hưởng tiêu cực của đợt tăng thuế doanh thu gần đây bắt đầu lắng xuống. Thậm chí ngay ở khu vực đồng euro, điểm yếu kinh niên của nền kinh tế toàn cầu, những nỗ lực kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu chắc chắn sẽ mang lại kết quả.

Do vậy, sẽ là có lý khi kỳ vọng tăng trưởng của khối 3 nền kinh tế nói trên (G3) sẽ đạt từ 1,4% đến khoảng 1,8% vào cuối năm nay. Đây sẽ là một động lực quan trọng cho các thị trường mới nổi: khi sản lượng của G3 mở rộng ở tỷ lệ đó, tăng trưởng xuất khẩu ở các nước đang phát triển sẽ lên 10%/năm.

Thay đổi có lẽ không dừng ở đó. Sự phục hồi của tăng trưởng toàn cầu còn đến từ các nền kinh tế đang phát triển, khi các nước này cải thiện năng lực cạnh tranh. Các thị trường mới nổi cho đến gần đây đã gặp vấn đề bởi việc tăng chi phí nhân công của mình. Trong 5 năm tính đến 2013, chi phí nhân công của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng bình quân 4,5%, so với mức chỉ 1,3% ở các nền kinh tế phát triển. Nhưng từ đầu năm 2014, và do năng suất lao động được cải thiện, các thị trường mới nổi đã giành lại được lợi thế của mình: chi phí lao động ở thế giới phát triển tăng nhanh hơn.

Điều này, và thực tế các đồng tiền ở thị trường mới nổi đang được giao dịch ở mức thấp hơn giá trị thực, giúp nâng đỡ triển vọng tăng xuất khẩu ở thế giới đang phát triển. Các chính phủ sẽ được nhẹ gánh hơn. Nhưng đó là khi giới hoạch định chính sách làm an lòng nhà đầu tư. Lý do là tăng trưởng sẽ nuôi dưỡng sự tự mãn, và các chính phủ tự mãn sẽ bỏ bê việc mà nền kinh tế của họ cần nhất - cải cách.

Trong quá trình tăng trưởng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ sau khủng hoảng châu Á năm 1997, các nước đang phát triển đã thực hiện các cam kết thay đổi cơ cấu tương đối ít. Tự do hóa thương mại và cải cách thể chế đã bị xếp hàng dưới trong danh sách ưu tiên, khi xuất khẩu vào các nước giàu tăng lên, lãi suất thấp và các thị trường hàng hóa sầm uất cho phép các chính phủ thư lại việc cải cách.

Xu hướng này được thể hiện ở sự cách biệt lớn về trình độ quản trị giữa các nền kinh tế mới nổi và phát triển. Xem bảng chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới thì thấy, khoảng cách này nhìn chung chưa được thu hẹp trong 15 năm qua.

Trong điều kiện bình thường, xu hướng này có thể không gây lo lắng cho các nhà đầu tư. Nếu tăng trưởng tốt, thì việc các chính phủ lặng lẽ cất vào tủ các kế hoạch cải cách của họ sẽ không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, vấn đề là, các nền kinh tế đang phát triển một lần nữa lại được miêu tả cứ như là đang thực hiện các cải cách - và các nhà đầu tư đang nồng nhiệt phản ứng với biểu hiện bề ngoài đó.

Tại Ấn Độ, các thị trường đang đặt hy vọng của mình vào tân Thủ tướng Narendra Modi, người đã cam kết thúc đẩy đầu tư và cắt giảm tình trạng tham nhũng. Tương tự, Indonesia cũng đang hứng khởi với thay đổi cơ cấu sau khi một tổng thống thân doanh nghiệp đắc cử. Làn sóng cải cách cũng lan đến Brazil, nơi các nhà đầu tư đang hào hứng với sự nổi lên của một ứng viên tổng thống mới, bà Marina Silva, người đã hứa sẽ đại tu thị trường lao động cùng khu vực công.

Các nhà cải cách có thể chứng minh được lời mình nói. Nhưng cũng có thể không. Dữ liệu từ OECD cho thấy, thế giới mới nổi đang để mất niềm say mê cải cách của mình. Tỷ lệ nhiệt tình với cải cách ở các quốc gia đang phát triển đã giảm trong 3 năm qua, từ mức 41% xuống còn 33%. Nói cách khác, các nước này đang thực hiện ít hơn 1/3 những gì mà tổ chức này coi là quan trọng để bảo vệ triển vọng tăng trưởng dài hạn của họ. Tỷ lệ này thấp hơn mức được khảo sát 2 năm ngay sau khủng hoảng tài chính 2008.

Vì vậy, những tháng tới hứa hẹn sẽ đem đến những câu hỏi khó cho nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi. Họ sẽ cần quyết định xem liệu tăng trưởng có là một ích lợi hay là tai họa.             

Tin bài liên quan