Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Thế giới thử nghiệm hình thái ETF mới: Ít công khai hơn

(ĐTCK) Các nhà quản lý danh mục đầu tư chủ động trên thị trường tài chính quốc tế đang được trao thêm “vũ khí” trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư với các nhà quản lý danh mục kiểu thụ động. Đó là một loại hình mới của quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund - ETF) với tính chất ít công khai hơn, hay được gọi là Nontransparent ETF.

Nontransparent ETF là gì?

Nontransparent ETF là loại hình khác với ETF truyền thống, vốn phải công bố thông tin cơ bản hàng ngày, bao gồm thông tin về danh mục, giá trị tài sản ròng của quỹ, thông tin giao dịch chứng chỉ quỹ…

Thay vào đó, Nontransparent ETF được phép công bố danh mục với các cổ phiếu chỉ mang tính đại diện, thậm chí các cổ phiếu khác với danh mục mà quỹ đang nắm giữ nhằm giữ kín chiến lược đầu tư.

Bên cạnh đó, loại hình quỹ ETF này được phép công bố số cổ phần nắm giữ mà không cần đề cập tới tỷ trọng chính xác trong danh mục.

Trước đây, các nhà quản lý quỹ đầu tư truyền thống thường cảm thấy e dè khi xây dựng quỹ ETF - một loại hình đầu tư thụ động, bởi họ lo ngại những người khác có thể học theo chiến lược của mình.

Tuy nhiên, việc các quỹ đầu tư chủ động thất thế khiến các nhà quản lý quỹ buộc phải tìm tới những lựa chọn mới.

Thực tế tại Mỹ, trong 14 năm qua, lượng tài sản mà các quỹ đầu tư chủ động quản lý đã liên tục đi xuống khi nhà đầu tư rút vốn để rót vào các quỹ đầu tư thụ động, điển hình là loại hình quỹ ETF.

Do đó, Nontransparent ETF có thể là loại “vũ khí” mới giúp các nhà quản lý danh mục chủ động cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn đầu tư so với quỹ ETF truyền thống, dù ý tưởng này sẽ cần thêm thời gian để chứng minh tính hiệu quả.

Các quỹ đầu tư chủ động tại Mỹ đã chứng kiến lượng tài sản quản lý giảm hơn 1,6 nghìn tỷ USD kể từ năm 2006 cho tới nay, theo số liệu của Morningstar Direct. Cùng giai đoạn này, các quỹ ETF (thụ động) đón nhận dòng vốn hơn 1 nghìn tỷ USD.

Thế giới thử nghiệm hình thái ETF mới: Ít công khai hơn ảnh 1

Dòng tiền chảy vào các quỹ ETF tại mỹ tăng mạnh.

Một trong những lợi thế của việc đầu tư vào quỹ ETF là các chứng chỉ quỹ được giao dịch trên sàn thứ cấp mỗi ngày, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể mua hoặc bán bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, thế mạnh lớn nhất của các quỹ ETF so với quỹ đầu tư chủ động là chi phí rất rẻ. Các quỹ đầu tư chủ động thường tập trung phân tích cụ thể tình hình kinh doanh của công ty nhằm lựa ra các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt nhất.

Ngược lại, các quỹ đầu tư thụ động thường không phân tích các công ty, mà chọn chứng khoán có trong bộ chỉ số và theo tỷ trọng phân bổ của bộ chỉ số, làm sao hiệu quả của quỹ theo sát nhất sự tăng trưởng của chỉ số được chọn.

Chính vì phải phân tích chuyên sâu, nên các quỹ đầu tư chủ động thường cần có đội ngũ chuyên gia hùng hậu và giàu kinh nghiệm, do đó phí quản lý cũng cao hơn.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư thụ động có thể chọn cổ phiếu bằng cách đơn thuần thực hiện các tính toán trên máy tính, nên phí rẻ hơn rất nhiều và đang có xu hướng tiến dần về 0.

Trong bối cảnh này, việc giới thiệu các quỹ ETF mang tính ít công khai hơn có thể là khởi đầu mới cho các nhà quản lý danh mục đầu tư chủ động.

“Tôi cho rằng, các nhà quản lý danh mục đầu tư chủ động thường e dè việc thành lập các quỹ ETF bởi họ không muốn công khai những “bí kíp” của mình. Với việc không cần công bố thông tin giao dịch mỗi ngày, đây sẽ là cách thức hấp dẫn nhà đầu tư chủ động bước vào thế giới của ETF”, John Davi, Giám đốc đầu tư tại Astoria Portfolio Advisors chia sẻ.

Hiện tại, BlackRock, American Century, J.P. Morgan và Nuveen là những nhà quản lý quỹ nổi tiếng đã nộp đơn xin cấp phép cho các quỹ Nontransparent ETF của mình. Trong khi đó, T. Rowe Price, Natixis và Fidelity là các tổ chức đã được chính quyền liên bang chấp nhận việc thành lập quỹ Nontransparent ETF trong năm 2019.

Terry Norman, người đồng sáng lập Blue Tractor cho biết, Shielded Alpha - quỹ ETF ít công khai của hãng sẽ thông báo cho nhà đầu tư mọi cổ phiếu có trong danh mục. Tuy nhiên, tỷ trọng của các cổ phiếu được giữ kín hoặc thông tin không cụ thể để đảm bảo nhà quản lý danh mục đầu tư chủ động vẫn có thể thực hiện chiến lược đầu tư của mình một cách “riêng tư”.

Tất nhiên, theo giới quan sát, mô hình mới của quỹ ETF sẽ cần thêm thời gian để thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư. Bên cạnh đó, cần có những kết quả tích cực để chứng minh với nhà đầu tư, đối tượng vẫn luôn nhạy cảm với yếu tố minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư của quỹ. 

ETF tại Việt Nam

Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI, kể từ khi quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 2008, phương pháp đầu tư thụ động này ngày càng phát triển. Hiện có 7 quỹ ETF có mức giải ngân đáng kể vào thị trường Việt Nam, với 2 quỹ nội (ETF SSIAM VNX50 và VFMVN30 ETF) và 5 quỹ ngoại được niêm yết tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Hồng Kông. Tổng tài sản đã được phân bổ cho các cổ phiếu Việt Nam ở mức 1,12 tỷ USD.

Thế giới thử nghiệm hình thái ETF mới: Ít công khai hơn ảnh 2

Hiệu suất đầu tư của một số quỹ từ năm 2015.

Trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ đón nhận thêm nhiều ETF mới. Trong đó có thể kể tới Quỹ SSIAM VNFIN LEAD (SSIAM VNFIN LEAD ETF) dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD);

2 quỹ ETF mới theo dõi Vietnam Diamond Index, chỉ số bao gồm các cổ phiếu đã chạm giới hạn sở hữu nước ngoài và VNFIN Select Index, nhắm đến lĩnh vực tài chính nhưng có độ bao phủ lớn hơn VNFIN Lead Index do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) điều hành. Một số tổ chức khác dự kiến ra mắt quỹ ETF bao gồm VinaCapital, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt…

Thế giới thử nghiệm hình thái ETF mới: Ít công khai hơn ảnh 3

Tính tới cuối năm 2019, hoạt động của các quỹ ETF tại Việt Nam có một số nét nổi bật.

Theo đó, hầu hết ETF đều tăng trưởng thấp hơn chỉ số VN-Index, nhưng được thiết kế sát hơn với mục tiêu đầu tư thực tế.

Các ETF nội tăng trưởng tốt hơn quỹ ngoại nhờ việc không bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đối với ETF, nghĩa vụ công bố thông tin được quy định gồm công ty quản lý quỹ, thành viên lập quỹ của quỹ ETF niêm yết và nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ ETF niêm yết, nhà đầu tư nội bộ của quỹ ETF niêm yết, người được ủy quyền công bố thông tin và người có liên quan của các đối tượng này.

Yêu cầu công bố thông tin được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, Thông tư 229/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo đó, công ty quản lý quỹ phải báo cáo và công bố thông tin định kỳ trong ngày/tuần/tháng/quý/năm.

Các thông tin trong ngày bao gồm các thông tin về danh mục chứng khoán cơ cấu, giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ, chênh lệch giá trị của danh mục chứng khoán cơ cấu và giá trị tài sản ròng của các lô chứng chỉ quỹ ETF, thông tin giao dịch chứng chỉ quỹ trong ngày…

Ngoài ra, công ty quản lý quỹ phải thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ của quỹ ETF theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC.

Công ty quản lý quỹ phải báo cáo và công bố thông tin bất thường trong trong vòng 24 giờ khi xảy ra các sự kiện như thay đổi thành viên lập quỹ, mức sai lệch của quỹ ETF vượt quá 80% mức sai lệch tối đa cho phép, định giá sai tài sản ròng của quỹ… và theo các quy định tại Điều 23, Thông tư 52/2012/TT-BTC.

Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ phải công bố thông tin theo yêu cầu theo quy định tại Điều 24 của Thông tư 52/2012/TT-BTC và trong trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán thấy cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, hình thái “Nontransparent ETF” chưa hiện diện trong quy định pháp luật.

Tuy nhiên, năm 2020 là năm Việt Nam xây dựng hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, nên việc mở rộng nghiên cứu các hình thái sản phẩm chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế để định khung pháp lý cho TTCK Việt Nam là rất cần thiết để rộng đường cho sự phát triển trong tương lai.

Tin bài liên quan