Các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản ngày 19/5/2023. Ảnh: Kyodo

Các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản ngày 19/5/2023. Ảnh: Kyodo

The Guardian: 'Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại'

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đã thất bại hoàn toàn trong mục tiêu được tuyên bố là ngăn chặn "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, tờ The Guardian của Anh thừa nhận.

Theo nhận định của tờ The Guardian ngày 22/5, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không thể làm cho nền kinh tế Nga sụp đổ. Mặc dù, những biện pháp trừng phạt đã hạn chế giao dịch của Moskva với một số đối tác hiện tại và trước đây, nhưng hầu như con số này là không nhiều. Nga vẫn có đủ tiềm lực để duy trì hoạt động quân sự của mình lâu dài.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt càng thuyết phục người dân Nga rằng đây là những hành động của phương Tây chống Nga. Ngược lại, tác động đối với lạm phát mà phương Tây phải gánh chịu là rất lớn – đến mức làm suy yếu sự đoàn kết của họ đối với Ukraine.

Tuần trước, Liên đoàn Arập đã đồng ý kết nạp Syria và mời nhà lãnh đạo Bashar al-Assad tới hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Điều này cũng chứng minh rằng một thập kỷ tiến hành các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không thể kiềm chế, chứ đừng nói đến việc lật đổ Tổng thống Syria Assad.

Nhưng các biện pháp trừng phạt đã khiến người nghèo ở Syria bị bần cùng hóa và đẩy khoảng 6 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng. Chưa hết, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dường như sẽ nối lại thương mại với Syria, khiến Mỹ đối mặt với viễn cảnh phải trừng phạt những nước này theo các cam kết trước đó.

Các cường quốc phương Tây cũng phải nhận ra sự thất bại của các lệnh trừng phạt đối với Afghanistan và Zimbabwe, vốn đã đẩy cả hai nước xích lại gần Nga và Trung Quốc. Điều này tương tự như kết quả của các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Trong khi đó, phương Tây hiện có lệnh trừng phạt liên quan đến khoảng 50 quốc gia. The Guardian nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế là một "vũ khí kinh tế thiếu cân nhắc, không hiệu quả".

Vào thời điểm mà sự đứt gãy trong thương mại toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng của thế giới, các chính phủ phương Tây rõ ràng đang có ý định đẩy nhanh sự sụp đổ đó. Họ dường như muốn tạo ra một "thảm họa nhân đạo", tờ The Guardian” kết luận.

Tin bài liên quan