Dù ĐBSCL đã được quan tâm tập trung đầu tư trong những năm qua, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Dù ĐBSCL đã được quan tâm tập trung đầu tư trong những năm qua, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Thêm 1 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long

Ngoài việc cần có thêm nguồn lực, thì việc hoàn thiện quy hoạch vùng, cũng như xây dựng thể chế điều phối vùng sẽ là những trụ cột cơ bản giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển.

Có thêm 1 tỷ USD

Một thông tin quan trọng vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Hội nghị Triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là trong giai đoạn 2021-2023, ĐBSCL trước mắt sẽ có thêm khoảng 1,05 tỷ USD để phục vụ các mục tiêu phát triển.

Nguồn lực quan trọng này sẽ do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam làm đầu mối, kêu gọi các tổ chức quốc tế khác cùng tài trợ, dưới hình thức cho vay hỗ trợ chính sách phát triển, để giải quyết các vấn đề căn cơ của vùng.

Như vậy, khác với trước đây, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức được dành trực tiếp cho các chương trình, dự án, thì lần này, tập trung cho hỗ trợ cải cách thể chế và chính sách, đồng thời dùng để tài trợ đầu tư theo lựa chọn của Chính phủ và chính quyền địa phương. Một khoản vay mà theo đại diện của WB, là “một mũi tên trúng hai đích”.

Cần thêm nguồn lực này, bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù trong những năm qua, ĐBSCL đã được quan tâm tập trung đầu tư, giai đoạn 2015-2020 chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của cả nước, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 18%, song “vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của toàn vùng”.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, nguồn lực tăng thêm này sẽ được sử dụng thế nào cho hiệu quả, bởi 1 tỷ USD thực tế không hẳn là lớn, phải sử dụng làm sao để tạo tác động lan tỏa cho toàn vùng.

“Ngoài các vấn đề về hỗ trợ chính sách, thì nguồn lực này chỉ nên dành cho các dự án liên kết vùng, đồng thời phải tính toán cơ chế vay - trả cho hợp lý”, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã dẫn lời Thủ tướng Chính phủ rằng, ĐBSCL phải từ “vùng trũng” trở thành “vùng cao”, đồng thời nhấn mạnh việc cần dùng nguồn lực tăng thêm này đầu tư cho các dự án mang tính chất liên vùng, thậm chí đầu tư để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, cho người dân, để nâng cao nội lực của toàn vùng.

Trong khi đó, đại diện nhà tư vấn Haskoning và GIZ, đơn vị đang tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL đã nhắc đến các yếu tố quan trọng để thúc đẩy ĐBSCL phát triển, đó là phải “quản lý dòng chảy”, không chỉ là dòng chảy nước, mà còn là dòng chảy con người, dòng chảy đầu tư. “Tiền chính là mạch sống của nền kinh tế, phải làm sao thu hút thêm nguồn lực để đầu tư cho toàn vùng”, vị này nói.

Các đề xuất được các chuyên gia từ Haskoning đề cập, đó là nên đầu tư vào các hạ tầng giao thông kết nối theo cả trục dọc lẫn trục ngang trong vùng, chẳng hạn, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…, hay phát triển các trung tâm logistic cấp vùng, các công trình giữ nước cấp vùng…

“Dù là đầu tư vào dự án nào, thì đấy cũng phải là dự án có tính chất liên vùng, tạo sức lan tỏa cho toàn vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy.

Cần quy hoạch vùng và cơ chế điều phối đủ mạnh

“Để ĐBSCL phát triển thì cần có cả tiền và cả quyền. Có quyền nhưng không có tiền cũng không làm được. Nhưng cũng phải có cơ chế và quyền lực đủ mạnh trong điều phối vùng”, ông Phan Văn Sáu, Bí thư tỉnh Sóc Trăng nói.

Đó là một trong những lý do vì sao, ngoài việc sẽ xây dựng cơ chế kêu gọi thêm nguồn lực để đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, với các cơ chế đủ mạnh, vừa khắc phục các điểm yếu của các mô hình điều phối vùng thời gian qua, vừa tạo một bộ máy để Hội đồng sau khi thành lập có thể hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực chất.

Thời gian qua, các mô hình về điều phối vùng tại ĐBSCL đã bộc lộ một số hạn chế, như chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan; hội đồng vùng không có đủ thẩm quyền, thiếu nguồn lực, hoạt động hình thức, các địa phương chủ yếu hoạt động độc lập, tính liên kết yếu...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng   

Ngay lập tức, đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của cả 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Một cách hồ hởi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, điều ông quan tâm là chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL như thế nào, bởi Hội đồng không phải là cơ quan hành chính.

“Hội đồng phải có đủ thẩm quyền để giải quyết các vấn đề của vùng. Thực tế, có những vấn đề một địa phương không giải quyết được, mà phải có một tổ chức để điều phối. Chúng ta đề xuất trong Hội đồng có một Phó thủ tướng là đúng, bởi chỉ có thế mới có đủ thẩm quyền để giải quyết các vấn đề của toàn vùng”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, phải quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng, chứ nếu vẫn cứ chung chung thì khó. “Phải có quyền lực và nguồn lực”, ông Lâm “chốt” lại.

Nhưng không chỉ là quyền và tiền, một trụ cột quan trọng khác giúp ĐBSCL có thể phát triển bền vững trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là phải tập trung xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đây chính là tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian tới. Có quy hoạch, mới xác định được chiến lược phát triển chung, các lĩnh vực cần phát triển, các dự án cần đầu tư, để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Không chỉ khẳng định là cần thiết, mà các địa phương trong vùng cũng đã nhấn mạnh việc phải sớm hoàn thành quy hoạch vùng, bởi đây cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Hiện việc xây dựng quy hoạch, xây dựng thể chế điều phối vùng, cũng như xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút phối hợp thực hiện.

Tin bài liên quan