Thêm doanh nghiệp thép báo lãi hẻo, lợi nhuận ngành thép phân hóa mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các doanh nghiệp đầu ngành lãi lớn, thì ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp thép nhỏ, phụ thuộc vào thị trường nội địa lại suy giảm mạnhnhư Pomina, Thép Thủ Đức, Thép Việt Ý…
Thêm doanh nghiệp thép báo lãi hẻo, lợi nhuận ngành thép phân hóa mạnh

Thêm doanh nghiệp thép báo lãi giảm mạnh quý III/2201

Công ty Thép Pomina (HoSE: POM) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 4,1 tỷ đồng, giảm 97% so với quý II/2021 và giảm 74% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý III, doanh thu của công ty vẫn tăng 39%, đạt 3.104 tỷ đồng song giá vốn tăng tới 42,5% khiến biên lãi gộp giảm từ 6% xuống còn dưới 4%, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 120 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng doanh thu của công ty đến từ xuất khẩu với 1.941 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng mạnh đã bù đắp được sự sụt giảm của tiêu thụ nội địa (giảm 55%). Doanh thu tài chính tăng 3,5 lần, trong khi chi phí tài chính giảm giúp cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy vậy, kỳ này, Công ty ghi nhận khoản lỗ 1,7 tỷ đồng từ lĩnh vực khác, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 4,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, Công ty ghi nhận khoản bồi thường bảo hiểm 30 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, POM ghi nhận doanh thu 9.588 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 226 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 128 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch 12.000 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty lần lượt thực hiện được 80,35% chỉ tiêu doanh thu và 34,3% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo giải trình của công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm trong quý III/2021 là do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam khiến thị trường tiêu thụ thép xây dựng hầu như dừng hẳn, dẫn đến phải hạ giá bán, lãi gộp thấp. Đồng thời, các nhà máy sản xuất của công ty buộc phải thực hiện "3 tại chỗ", kéo theo chi phí tăng cao trong kỳ.

Trước POM, nhiều doanh nghiệp thép hoạt động ở khu vực miền Nam khác cũng báo kết quả kinh doanh giảm mạnh trong quý III/2021 khi tiêu thụ lẫn sản xuất đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid 19.

Cụ thể, trong quý III/2021, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (UPCoM: TDS) báo lỗ ròng 644 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 2,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là doanh thu thuần của công ty giảm tới gần 32% so với cùng kỳ (riêng sản lượng thép tiêu thụ giảm hơn 58%), trong khi chi phí sản xuất tăng mạnh. Do dịch bệnh, Công ty chỉ bố trí sản xuất "3 tại chỗ" được 1 ca sản xuất, chi phí sản xuất rất cao, trong khi sản lượng lại thấp. Giá thành sản xuất của công ty tăng mạnh còn do công ty phải gia tăng vay nợ, chi phí vận chuyển, chi phí nguyên vật liệu cũng tăng cao.

Tương tự, Thép Việt Ý (HoSE: VIS) cũng lỗ ròng 92 tỷ đồng trong quý III/2021, trong khi cùng kỳ lãi 26,7 tỷ đồng, bất chấp doanh thu thuần tăng 20%. Nguyên nhân là giá vốn tăng mạnh ăn mòn lợi nhuận thuần, doanh thu tài chính giảm 42% trong khi chi phí lãi vay tăng mạnh lên 26%. Lũy kế 9 tháng, công ty vẫn lỗ ròng gần 19 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng 56%.

Theo giải trình của Công ty, việc thực hiện biện pháp giãn cách tại nhiều đia phương đã làm đình trệ hoạt động xây dựng. Đầu ra của sản phẩm thép gần như đóng băng, cả hai nhà máy luyện phôi và cán thép có lúc phải dừng hoạt động, nhưng công ty vẫn phải chịu chi phí cố định. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi công ty không thể tăng mạnh giá bán thành phẩm, hàng tồn kho tăng mạnh khiến công ty phát sinh chi phí nắm giữ hàng hóa, trích lập dự phòng giảm giá… càng làm tăng gánh nặng chi phí.

Trước đó, báo cáo tài chính của Thép Vicas - Vnsteel (HoSE: VCA) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2021 giảm 48% dù doanh thu chỉ giảm 4%.

Doanh nghiệp thép đầu ngành tăng trưởng lợi nhuận phi mã

Trong khi doanh nghiệp thép nhỏ phụ thuộc vào thị trường nội địa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thì các doanh nghiệp thép đầu ngành vẫn sống khỏe, lãi kỷ lục nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng được cơ hội giá thép thế giới tăng cao.

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2020-2021, tức quý III/2021 (1/7/2021-30/9/2021) với doanh thu tăng 89%, lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tôn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 77% lên mức hơn 48.700 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Lợi nhuận sau thuế thu về gần 4.313 tỷ đồng, tăng trưởng 274% so với cùng kỳ.

Trước đó, Thép Nam Kim cũng thông báo lãi ròng 607 tỷ đồng trong quý III/2021, cao gấp 7,3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 9 tháng lên 1.773 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nể nhất là Thép Hòa Phát xô đổ mọi kỷ lục trước đó với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 27.100 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù biên lợi nhuận chững lại so với quý II/2021, song các doanh nghiệp thép đầu ngành vẫn lãi lớn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, có tới 70% sản lượng của Nam Kim là xuất khẩu. Trong khi đó, tại Hòa Phát, xuất khẩu cũng chiếm 65% sản lượng tôn xuất khẩu 9 thán đầu năm (tỷ lệ xuất khẩu của riêng tháng 9 lên tới 86%). Riêng sản phẩm thép của Hòa Phát doanh thu tăng chậm hơn nhưng giá lại tăng mạnh do hợp đồng đã được chốt từ 2 tháng trước.

Theo chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán, việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu và lợi thế dẫn đầu thị phần trong nước giúp các công ty thép đầu ngành có lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng kỷ lục dù thị trường thép và thị trường xây dựng trong nước bị ảnh hưởng nặng bởi Covid 19. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9/2021, xuất khẩu thép vẫn tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan