Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup.

Thêm lựa chọn cho thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup cho biết, không có nhiều nền kinh tế trên thế giới mở sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dù vậy, đây cũng là giải pháp mở cho thị trường Việt Nam. 

Tháng 7, theo kế hoạch, thị trường trái phiếu riêng lẻ doanh nghiệp sẽ đi vào hoạt động. Ông có nhận xét gì về thị trường này?

Thông thường, trái phiếu phát hành riêng lẻ ít khi được đưa lên niêm yết. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, tôi đánh giá đây là chính sách cần thiết, bởi lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường này rất nhiều.

Dù vậy, cần phải xác định rõ trái phiếu không thanh khoản như cổ phiếu, mà đưa trái phiếu lên sàn là nhằm minh bạch thông tin, góp phần xác minh tư cách trái chủ minh bạch, hạn chế tranh chấp. Trong thực tế, thông qua các ngân hàng và công ty chứng khoán…, bên mua và bên bán đã thỏa thuận với nhau, việc lên sàn là hợp thức hóa giao dịch.

Theo thống kê của FiinGroup, hiện có hơn 100 doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả lãi, gốc trái phiếu. Theo ông, cần cư xử như thế nào với những trái phiếu này, có bắt buộc phải lên sàn hết không?

Theo tôi, giai đoạn trước mắt, những trái phiếu nào phát hành riêng lẻ nhưng đã phân phối F2, F3 đến hơn 100 nhà đầu tư, tức là mang tính đại chúng nhất định thì đưa lên sàn. Còn những trái phiếu đang có những mắc mớ thì có thể xem xét lên sau để doanh nghiệp có điều kiện hồi phục.

Thực tế, có nhiều mã trái phiếu được phát hành cho 1 - 2 nhà đầu tư, chẳng hạn như công ty bảo hiểm và họ có nhu cầu nắm giữ dài hạn, vậy có nhất thiết phải lên sàn để rồi tốn phí lưu ký và các loại phí khác?

Đây là một điểm tôi cho rằng cơ quan quản lý có thể cân nhắc, không nhất thiết bắt buộc toàn bộ trái phiếu phải lên sàn nếu bên mua, bên bán không có nhu cầu giao dịch trên sàn thứ cấp.

Còn nhìn chung, do đặc tính nhiều trái phiếu đã bị phân phối ra đại chúng rất nhiều nên niêm yết sẽ tạo kênh mua, bán cho nhà đầu tư. Việc này cũng tạo cơ hội cho người có tiền, có khả năng đánh giá mua vào trái phiếu đang bị chiết khấu cao, khi doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, giá trái phiếu sẽ tăng…

Lâu nay, các công ty chứng khoán, ngân hàng có hình thức kinh doanh trái phiếu kỳ hạn. Tức là họ mua buôn một lô trái phiếu rồi xé lẻ ra bán cho nhà đầu tư với các kỳ hạn, giá trị khác nhau. Theo ông, khi thị trường trái phiếu đi vào hoạt động, phương thức này sẽ thế nào?

Tôi cho rằng, hình thức kinh doanh này sẽ giảm thiểu và điều này quản lý rủi ro cho nhà đầu tư tốt hơn. Nếu nhà đầu tư muốn mua trái phiếu nhưng linh hoạt về kỳ hạn, về giá trị hợp đồng thì có thể mua các chứng chỉ quỹ trái phiếu. Công ty chứng khoán làm đúng chức năng của họ là chỉ tư vấn, quản lý tài sản, phân phối. Đây cũng là xu hướng của thị trường khu vực và thế giới.

Như vậy, các nhà đầu tư tổ chức là quỹ trái phiếu sẽ phát triển trên thị trường, đây có lẽ cũng là định hướng của cơ quan quản lý,

Với thống kê có tới hơn 100 doanh nghiệp bị nợ xấu trái phiếu, giá trị nợ xấu trái phiếu ở Việt Nam so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới thế nào, theo quan sát của ông?

Ước tính của chúng tôi là có hơn 100 trong số 700 tổ chức phát hành mất khả năng trả nợ, giá trị trái phiếu dưới chuẩn hiện chiếm 18 - 19%. Trái phiếu dưới chuẩn đa phần là các công ty, dự án hoạt động kém hiệu quả, khi ngân hàng siết không cho vay đã tranh thủ huy động vốn từ thị trường. Hiện tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, nhưng chúng tôi dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 30 - 40% vào cuối năm nay, tức là giống hệt Trung Quốc.

Như vậy, sẽ có một tỷ lệ rất lớn trái phiếu dưới chuẩn và khả năng đáp ứng nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành là mù mịt?

Có thể nói như vậy, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận đau thương và thiệt hại, đây cũng có thể coi như tai nạn gặp phải. Nếu tổ chức đầu tư mua phải các trái phiếu này họ cũng phải trích lập dự phòng nợ xấu.

Tuy nhiên, theo thời gian, những bất ổn thị trường sẽ dần được xử lý và nhà đầu tư cũng dần phải chấp nhận thực tế. Thị trường sẽ phân hóa mạnh, đó cũng là xu hướng mà thị trường phải qua sau những đứt gãy và vấp ngã thời gian qua.

Tin bài liên quan