Trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong năm 2023

Trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong năm 2023

Thêm “oxy dòng tiền” cho thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phần nào giảm bớt áp lực dòng tiền. Dù vậy, để thị trường trái phiếu sôi động trở lại, còn rất nhiều việc phải làm.

Thêm 2 năm để đảo nợ trái phiếu, giảm gánh nặng hàng trăm ngàn tỷ đồng đáo hạn

Nửa đầu tháng 12/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục đóng băng. Tính từ đầu năm tới nay, phát hành trái phiếu mới giảm tới 60%, trong khi lượng TPDN mua lại trước hạn lên tới hơn 177.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Vừa không thể phát hành mới, vừa phải xoay tiền để mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp phát hành lại phải đối mặt với nỗi lo TPDN đáo hạn đạt đỉnh năm 2023-2024 (hơn 600.000 tỷ đồng). Áp lực trả nợ trái phiếu lớn trong bối cảnh dòng tiền khô cạn là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp phát hành hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Trong bối cảnh này, Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến, trong đó có đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm khiến nhiều doanh nghiệp thở phào.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Dự thảo quy định cho phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu là hết sức quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp phát hành sẽ có thêm 2 năm để xoay xở nguồn tiền đảo nợ, bán tài sản, tái cơ cấu nợ.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, việc cho phép gia hạn này sẽ giúp thị trường phân tán bớt khối lượng TPDN đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Dự thảo đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản, tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu. Việc này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền, có thêm thời gian và nguồn lực để tái cấu trúc nợ, phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, dần giúp thị trường bất động sản dần tan băng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn năm 2025-2026, doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết hết các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Đương nhiên, việc gia hạn TPDN phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số TPDN đang lưu hành chấp thuận.

Không chỉ cho phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, Dự thảo còn cho phép chuyển đổi TPDN thành khoản vay hoặc tài sản khác. Thực tế, việc chuyển đổi này đã được các doanh nghiệp phát hành triển khai mấy tháng nay và cũng không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc quy định rõ trong Nghị định sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các phương thức thanh toán nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, các quy định trên có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, nếu sớm được ban hành sẽ giúp thanh khoản thị trường cải thiện, dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, các quy định của Dự thảo có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho thanh khoản thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tất nhiên, về dài hạn, để thị trường phát triển mạnh mẽ trở lại, vẫn cần thêm các giải pháp khác.

Tận dụng thời gian để bổ sung khoảng trống pháp lý

Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo chỉ là biện pháp “câu giờ”, đẩy quả bóng trái phiếu về tương lai, biến thành bom nổ chậm, thay vì bom sắp nổ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu cho doanh nghiệp thời gian gỡ vấn đề thanh khoản, ngòi nổ trái phiếu sẽ được xử lý trong 2 năm tới. Tất nhiên, trong thời gian này, vẫn cần bổ sung một số giải pháp để giải quyết tận gốc, khi đó mới khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các biện pháp mà Dự thảo đưa ra đã tháo gỡ khó khăn về phía cung, giúp doanh nghiệp phát hành dễ thở hơn. Tuy nhiên, cần có thêm giải pháp về phía cầu để tăng dòng tiền mới vào thị trường. Cụ thể, theo chuyên gia này, cần có cơ chế cởi mở hơn với các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở… để các tổ chức mạnh dạn đầu tư vào TPDN.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, cùng với việc cho thị trường thêm thời gian để điều chỉnh, Bộ Tài chính cần nhanh chóng có giải pháp để đẩy mạnh kênh phát hành TPDN ra công chúng. Muốn vậy, cần phải rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ xuống còn 15-30 ngày.

Với doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp phát hành nên tận dụng 1 năm “hoãn” Nghị định 65/2022/NĐ-CP để chuẩn bị hồ sơ phát hành ra công chúng, minh bạch thông tin, tiến tới xếp hạng tín nhiệm…

Các chuyên gia không cho rằng, các quy định mới của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ “làm hư” doanh nghiệp phát hành hoặc khiến nhà đầu tư lao vào thị trường trái phiếu bất chấp rủi ro. Khủng hoảng của thị trường TPDN vừa qua đã là bài học đắt giá cho doanh nghiệp phát hành và cả nhà đầu tư.

Hơn nữa, khi sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đề ra nguyên tắc: các quy định sửa đổi chỉ để thị trường có thêm thời gian điều chỉnh lại, giúp doanh nghiệp phát hành có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn để trả nợ. Về dài hạn, thị trường trái phiếu vẫn phải nắn chỉnh theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách nhất năm 2023. Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết sớm, dứt điểm những vụ việc vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhất để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, cũng là cách để giải quyết vấn đề TPDN đáo hạn 2 năm tới.

Về cách thức, cơ bản chúng ta không thể dùng ngân sách nhà nước, song có thể tham khảo cách làm của thế giới. Trong 16 điểm mà Trung Quốc đưa ra để giải quyết thị trường bất động sản và trái phiếu, thì có tới một nửa giải pháp mà Việt Nam có thể áp dụng (giãn nợ, giãn thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người có nhu cầu mua nhà ở thực…).

Ngoài ra, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Hướng như Dự thảo được Bộ Tài chính đưa ra, theo tôi, là rất tích cực.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Tin bài liên quan