Thêm ràng buộc tài chính tránh lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết, để chống tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn, ngoài ký quỹ 100 triệu đồng, thì tiền hỗ trợ thôi việc cho lao động hết hạn hợp đồng có thể cũng sẽ được giữ lại đến khi họ về nước.
Thêm ràng buộc tài chính tránh lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn

Ông có thể cho biết hạn ngạch tiếp nhận lao động mà Hàn Quốc dành cho Việt Nam năm 2014 theo MOU là bao nhiêu?

Hàn Quốc hiện chỉ công bố hạn ngạch chung cho tất cả 15 quốc gia có ký EPS trong năm 2014 là 53.000 lao động, tăng 3.000 người so với năm 2013, nhưng lại chưa đưa ra hạn ngạch cụ thể cho Việt Nam. Trong đó, hạn ngạch chung dành cho những lao động đã hết hạn hợp đồng về nước, có nhu cầu quay trở lại làm Hàn Quốc tiếp tục làm việc là 5.600 người cũng cho tất cả 15 nước, giảm một nửa so với con số 11.000 của năm 2013.

Đây có thể là điều đáng tiếc, bởi số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước có nhu cầu quay lại Hàn Quốc làm việc là rất lớn.

Ngoài những lao động đã hết hạn hợp đồng về nước, theo MOU, việc tuyển dụng lao động Việt Nam sẽ dành cho những đối tượng nào khác?

Theo MOU, phía Hàn Quốc sẽ chỉ ưu tiên tuyển dụng những lao động trong tổng số hơn 1,2 vạn người đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn từ cuối năm 2011 đến tháng 8/2012, hoặc đã hoàn thành hồ sơ trên mạng, nhưng chưa được tuyển chọn do EPS bị tạm dừng từ tháng 8/2012. Những lao động nằm ngoại diện nói trên có cơ hội được tuyển dụng trong năm 2014 hay không, phía Hàn Quốc vẫn đang bỏ ngỏ câu trả lời.

Nhiều người lo ngại, quy định mới bắt buộc lao động sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng để hạn chế việc bỏ trốn sẽ gây thêm gánh nặng cho lao động nghèo, nhưng lại chưa đủ sức nặng để chống trốn?

Nhiều ý kiến cho rằng, mức ký quỹ này còn khiêm tốn so với mức lương trung bình 1.000-1.500 USD nếu người lao động làm việc tại Hàn Quốc, nhưng cũng không ít người cho rằng, mức này là cao. Nhưng thực ra, mức ký quỹ 100 triệu đồng đã được cơ quan quản lý thảo luận kỹ lưỡng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Với những người từng làm việc tại Hàn Quốc trở về, có tích lũy thì mức ký quỹ này không cao. Tuy nhiên, với người đi lần đầu, đặc biệt là lao động nghèo, nhiều người đã phải vay mượn tiền chi phí môi giới và xuất cảnh, nay cộng thêm 100 triệu ký quỹ sẽ không khỏi khó khăn. Tuy nhiên, đó là biện pháp cần thiết trước tình trạng lao động bỏ trốn quá cao hiện nay.

Ngoài ký quỹ, chúng tôi cũng đang đàm phán với phía Hàn Quốc để giữ lại tiền trợ cấp thôi việc cho lao động khi hết hạn hợp đồng về nước (mỗi năm làm việc được 1 tháng tiền lương) vào tài khoản trong nước. Số tài khoản này sẽ được cơ quan quản lý Việt Nam phong tỏa và sẽ trả cho lao động khi họ đã về nước, thay vì chi trả tại sân bay ở Hàn Quốc như hiện nay. Như vậy, sẽ có thêm ràng buộc tài chính để buộc lao động về nước đúng quy định, hạn chế việc nhiều người bỏ trốn tại sân bay sau khi nhận tiền như hiện nay.

Việc ký quỹ đã thực hiện từ ngày 1/10/2013 cho đến nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ngày 25/11/2013 đã có 34 lao động đầu tiên sang Hàn Quốc làm việc và đến nay đã có tổng cộng 4 chuyến bay đưa lao động sang Hàn Quốc. Ngoài 34 lao động đầu tiên, việc thực hiện ký quỹ hơi chậm một chút do các ngân hàng chính sách xã hội địa phương chưa nắm rõ thủ tục mới, song không gặp trở ngại nào. Trong tháng 1 này, sẽ có thêm 3 chuyến nữa và chúng tôi cũng chưa nhận được phản hồi nào từ phía lao động về những khó khăn liên quan đến việc ký quỹ.

Tin bài liên quan