Một góc Cam Lâm, Khánh Hòa, nơi đang đang lọt vào "tầm ngắm" của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Một góc Cam Lâm, Khánh Hòa, nơi đang đang lọt vào "tầm ngắm" của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Theo dấu chân “người khổng lồ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản dự báo sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua giới hạn của vùng, miền, nhờ bước chân “khai phá” của những nhà đầu tư lớn.

Lên rừng, xuống biển

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều nhà đầu tư vẫn nườm nượp đổ về Đắk Nông. Họ kéo về đây mua đất để đón đầu bước chân của những “người khổng lồ” - đang rục rịch lên kế hoạch đánh thức vùng đất tiềm năng này.

Ngày 13/1/2022, Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NoVa Land) và Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm đã có buổi báo cáo ý tưởng quy hoạch khu vực huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng với sự góp mặt của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Theo đó, liên danh đã trình bày ý tưởng về một dự án khu du lịch quy mô lớn, tạo nhiều sản phẩm vui chơi giải trí cộng đồng, du lịch trải nghiệm, thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, tâm linh… có quy mô khoảng 23.500 ha với 7 phân khu tượng trưng cho 7 vị thần huyền thoại.

Tâm điểm thu hút các nhà đầu tư bất động sản về với Đắk Nông là Tà Đùng - vùng đất được ví như “vịnh Hạ Long trên cao nguyên”, với diện tích gần 5.000 ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, quyến rũ. Trong 3 năm gần đây, chính quyền tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế của địa phương. Ngoài liên doanh Địa ốc No Va và Đất Tâm, được biết có khá nhiều doanh nghiệp khác đã âm thầm gom quỹ đất chuẩn bị cho kế hoạch “đánh thức hồ Tà Đùng” và nhiều danh thắng khác của Đắk Nông.

Bên kia hồ Tà Đùng là Lâm Đồng, với nhiều khu vực làm dậy sóng thị trường bất động sản thời gian qua, nay cũng liên tục chào đón bước chân của doanh nghiệp địa ốc tên tuổi. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương cho liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung phối hợp với Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang cùng tham gia nghiên cứu, khảo sát, lập ý tưởng, phương án quy hoạch đô thị tại khu vực rộng khoảng 15.400 ha của huyện Lâm Hà.

Nhà đầu tư địa ốc rủ nhau lên rừng săn đất

Nhà đầu tư địa ốc rủ nhau lên rừng săn đất

Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vào Lâm Đồng để khảo sát đầu tư các dự án, kéo theo đó là lũ lượt các nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm về mua đất “đón đầu cơ hội”, rồi phong trào hiến đường, phân lô diễn ra rầm rộ khiến cho vùng đất vốn lặng lẽ này trở nên nhộn nhịp.

Lên rừng, xuống biển, mở mang dự án ra các vùng đất mới còn hoang sơ trở thành xu hướng gần đây của các nhà phát triển bất động sản lớn. Gần đây, nhiều khu vực của tỉnh Khánh Hòa đã trở thành những điểm nóng “săn đất” của giới đầu tư để “đón đầu” bước chân các nhà đầu tư lớn. Được biết, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận được văn bản của NoVa Land và Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm về việc xin chủ trương khảo sát khu đô thị sinh thái và sân golf Diên Khánh tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Hiện tỉnh Khánh Hòa đã giao cho cơ quan chức năng tỉnh xem xét, hướng dẫn đề xuất của các nhà đầu tư này theo quy định.

Trước đó, Sở Xây dựng Khánh Hoà cũng có văn bản báo cáo UBND tỉnh liên quan đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần Đầu tư KD về các dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng tại TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh với quy mô 3.200 ha.

Khánh Hòa cũng nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển Cam Lâm theo định hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế” nhằm đưa huyện Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng mới. Và trên thực tế, Khánh Hòa đã cho phép một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án “khủng” với quy mô hàng nghìn héc-ta tại Cam Lâm khiến giá đất khu vực này “nóng” hơn bao giờ hết.

Không chỉ với các địa phương kể trên, trước sự phát triển mạnh của hạ tầng, việc kết nối giao thông thuận lợi hơn, nhiều vùng đất mới như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã và đang thu hút các nhà đầu tư.

Mở toang cánh cửa vùng miền

Giới chuyên môn cho rằng, sức nóng tại một số thị trường động sản non trẻ như Đắk Nông, Lâm Đồng… mới chỉ là nhen nhóm, khởi đầu một chu kỳ bùng nổ dòng tiền đầu tư mới, nhiều đại dự án mới được đầu tư quy hoạch bài bản sẽ được hình thành. Sự dịch chuyển này bắt nguồn từ việc quỹ đất tại các đô thị như TP.HCM hay Hà Nội dần khan hiếm, thủ tục pháp lý thực hiện dự án khó khăn và mức giá đã lên quá cao. Trong khi đó, tại các thị trường mới, nhà đầu tư được tạo nhiều điều kiện thuận lợi từ chính sách, cơ chế để thực hiện dự án nhanh chóng. Quỹ đất những địa phương này còn rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển, đặc biệt là giá đất vẫn khá hấp dẫn.

Lên rừng, xuống biển, mở mang dự án ra các vùng đất mới còn hoang sơ trở thành xu hướng gần đây của các nhà phát triển bất động sản lớn.

Nhận xét được đưa ra từ ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG Group, nếu như trước đây, nói đến bất động sản, người ta thường chỉ nói đến Hà Nội và TP.HCM, còn hiện nay, thị trường đã vượt ra khỏi không gian vùng miền. Sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp và quy mô lớn hơn, địa bàn trải rộng hơn.

Theo ông Khang, các địa phương đã thu hẹp dần sự phát triển các dự án manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bài bản, thay vào đó là kêu gọi sự xuất hiện của những con “sếu đầu đàn” nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch bài bản để hình thành nên những đại dự án, đáp ứng được nhu cầu thực tế, tạo giá được giá trị bất động sản đúng nghĩa.

Những gì diễn ra trong năm qua, theo giới chuyên môn đánh giá sẽ là tiền đề cho một chu kỳ của thị trường bất động sản sản sắp tới. Sự bùng nổ mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng kết nối sẽ là chìa khóa cơ bản nhất mở ra sự phát triển ở của thị trường địa ốc ở hầu hết các vùng miền. Nếu như hàng loạt các sân bay mới, sân bay mở rộng, trục cao tốc Bắc - Nam là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung thì với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Bình Phước mở ra cánh cửa mới cho các tỉnh Tây Nguyên… Trong tương lai gần, khi hệ thống hạ tầng kết nối giữa miền Đông và miền Tây, sẽ đến lượt thị trường bất động sản miền Tây bùng nổ.

“Câu chuyện nhà đầu tư chạy theo quy hoạch tạo ra những cơn sốt đất ở nơi này, nơi kia chỉ là sự nhất thời, chứ không mang tính đại diện cho thị trường, bởi sắp tới sẽ là câu chuyện phát triển mang tính bền vững và sự bền vững đó một phần xuất phát từ sự nỗ lực của nhiều nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp trong việc hình thành các dự án lớn, các đại đô thị đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, tạo ra giá trị thực sự cho xã hội”, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time nhận định.

Nhìn tổng thể, có thể thấy, những bước đi của các doanh nghiệp lớn luôn xuất phát từ tầm nhìn đón đầu xu thế. Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hạ tầng từ lâu đã trở thành yếu tố quan trọng khi xem xét đầu tư. Thực tế, không ít người hốt bạc nhờ đón đúng xu hướng, nhưng cũng có không ít người vỡ mộng vì đặt kỳ vọng “sai chỗ”.

Tin bài liên quan