Tiềm năng rộng mở của thị trường bất động sản thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành. Ảnh: Dũng Minh

Tiềm năng rộng mở của thị trường bất động sản thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường bất động sản thêm nhiệt từ “tay chơi” mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hawee Group, Trung Nguyên, Gilimex, TMC... và nhiều doanh nghiệp ngoài ngành khác đã và đang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Bất động sản dần “chiếm sóng” lĩnh vực cốt lõi

Trong danh sách các gương mặt mới, đáng chú ý là Hawee Group - một trong những nhà thầu cơ điện (M&E) lớn nhất tại Việt Nam. Vốn khá “kín tiếng” nên việc Hawee Group lấn sân sang bất động sản chỉ được biết đến sau khi Hawee Park Land, một thành viên mới thành lập vào cuối năm 2020, liên tục trúng thầu nhiều dự án nhà ở tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đơn cử, hồi cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang công bố Công ty cổ phần Hawee Bất động sản (Hawee Parkland) thắng thầu dự án Khu dân cư Bắc Cao Thượng (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Trước đó, Hawee Parkland Hà Nội đã đăng ký tham gia dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư và dịch vụ du lịch Đồng Sín Chải tổng vốn đầu tư 432,1 tỷ đồng tại xã Na Hối, đô thị Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, Hawee Parkland còn là đơn vị tài trợ lập quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị Hoàng Diệu (phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có quy mô dân số dự kiến khoảng 15.500 người, cũng là nhà tài trợ lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu dân cư mới tại thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tương tự, những thông tin về Thành phố Cà phê - dự án đắt giá nhất Tây Nguyên, của “ông vua” cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ thời gian gần đây cũng thu hút sự chú ý từ thị trường. Bắt đầu triển khai năm 2017, nhưng tới tháng 3/2021, dự án quy mô 45,45 ha tọa lạc tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột này mới chính thức ra mắt thị trường với mức giá chào bán từ 7-10 tỷ đồng/căn nhà phố thiết kế 1 trệt 3 lầu. Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, trong đợt mở bán đầu tiên vào năm ngoái, gần như toàn bộ sản phẩm được bán hết sau 80 phút mở bán và tới nay, giá đã tăng tới gần 50%.

Mở rộng quy mô theo hướng đa ngành, trong đó có bất động sản, cũng là chiến lược kinh doanh được Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) hướng đến. Chia sẻ về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, Công ty đang cùng với các đối tác đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án TC Tower tại 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất. Dự án này gồm 3 tòa nhà với 650 căn hộ chung cư, giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2.

“Dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12-15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận trong 2-3 năm tới. Trong dài hạn, Công ty sẽ tập trung phát triển 2 dự án TC2 và TC3 trên khu đất của nhà máy hiện tại, diện tích của 2 dự án này lần lượt là 6,6 ha và 1,3 ha”, lãnh đạo TCM thông tin thêm.

Trong khi nhiều doanh nghiệp “tay ngang” tập trung vào các dự án nhà ở, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) lại hướng đến bất động sản công nghiệp. Theo thông tin từ Gilimex, định hướng trong năm 2022 là tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế quy mô 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Hiện dự án đã xin được giấy phép đầu tư.

Ngoài phát triển khu công nghiệp, Ban lãnh đạo Gilimex còn có tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn, nhà ở phục vụ nhu cầu lưu trú đang tăng nhanh tại những địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Tính đến cuối năm 2021, Gilimex có 4 thành viên (sở hữu 100% vốn điều lệ) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gồm Công ty cổ phần Bất động sản Gia Định, Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Khang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng BT và Công ty TNHH Lưu Công Hiệu. Trong “hệ sinh thái” Gilimex hiện tại, 9/13 công ty con và công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thiết bị xây dựng, chiếu sáng, kim khí…, bên cạnh ngành nghề cốt lõi là dệt may.

Thận trọng khi bắt nhịp “sóng mới”

Theo GS-TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản đã diễn ra trong một vài năm qua và là tín hiệu đáng mừng cho thị trường địa ốc nói riêng, các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, tài chính… nói chung.

“Những nhân tố mới với tầm nhìn, nguồn lực và hướng đi mới hứa hẹn sẽ đưa thị trường vào giai đoạn phát triển mới, giải quyết được phần nào nhu cầu nhà ở, nghỉ dưỡng… của người dân cả nước và du khách nước ngoài. Đặc biệt, các dự án lớn được triển khai tại nhiều địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, góp phần giải quyết nguồn lao động tại địa phương. Điều này mang lại cơ hội cho cả các doanh nghiệp ‘ngoại đạo’ cũng như các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác”, ông Đào nói.

Còn ông Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản (FINA) đánh giá, trong năm 2022, thị trường bất động sản được hỗ trợ bởi gói kích cầu kinh tế lên đến gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu thì thị trường bất động sản sẽ phát triển đến đó. Ngoài ra, bất động sản có mối tương quan với lạm phát, khi lạm phát gia tăng thì giá bất động sản thường có xu hướng tăng theo bởi đây là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.

“Cơ hội rộng mở với các doanh nghiệp, song điều quan trọng với những ‘tay ngang’ là phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản, từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng”, ông Khôi nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam - đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án nhìn nhận, khi có thêm doanh nghiệp ngoài ngành tham gia thì thị trường sẽ được bổ sung thêm cả về số lượng thành viên lẫn số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực.

Chẳng hạn, Alpha King là một tập đoàn bất động sản quốc tế, chuyên phát triển các dự án phức hợp, bao gồm cả cao ốc văn phòng hạng A..., nhưng đã phải âm thầm rời thị trường và sang nhượng lại hầu hết các khu “đất vàng” tại TP.HCM cho các doanh nghiệp khác.

Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018, Alpha King từng “làm mưa, làm gió” khi công bố mua lại và triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau những ồn ào liên quan tới thông tin hợp tác với những đối tác lớn như Coteccons, CBRE… để triển các khai dự án, mọi thứ im lặng dần. Đến nay, các dự án The Centennial Saigon, Alpha City, Alpha Town... của tập đoàn bất động sản này đều đã về tay chủ mới.

Trước đó, câu chuyện Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, chuyên kinh doanh xăng dầu, công bố lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc “thay tên đổi họ” thành Công ty cổ phần Landmark Holdings với dự án Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng gây nhiều chú ý, nhưng rồi cũng ngậm ngùi rút khỏi dự án cũng như mảng bất động sản khi còn nắm giữ hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng mua nhà tại dự án.

Tin bài liên quan