Thị trường chuẩn bị cho lãi suất cao hơn sau tín hiệu diều hâu từ các ngân hàng trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đang cho rằng triển vọng lãi suất ở các nền kinh tế lớn sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến, sau khi các ngân hàng trung ương cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa có kết quả.
Diễn biến lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Mỹ, Đức và Anh

Diễn biến lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Mỹ, Đức và Anh

Trong một tuần quan trọng về chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến thị trường bất ngờ khi phát đi tín hiệu ủng hộ 2 lần tăng lãi suất nữa vào năm 2023, dù bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 6. Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết: "Lạm phát cho đến nay vẫn chưa phản ứng nhiều với các đợt tăng lãi suất hiện tại của chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ phải duy trì nó”.

Tin tức này đã khiến các nhà giao dịch trên thị trường tương lai trái phiếu Kho bạc đã loại bỏ những kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Kế đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản và đưa lãi suất tiền gửi lên 3,5%. Đồng thời, Chủ tịch ECB, Christine Lagarde đã đưa ra một thông điệp diều hâu hơn dự kiến và cho biết lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ ở mức “quá cao trong thời gian quá dài”.

Thị trường tương lai hiện đang kỳ vọng vào khả năng ECB sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa, trong đó các ngân hàng đầu tư lớn bao gồm Goldman Sachs và BNP Paribas kỳ vọng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ đạt 4% vào tháng 9.

Sự thay đổi này đã giúp kéo dài sự gia tăng của lợi suất trái phiếu ngắn hạn vì chúng theo sát kỳ vọng lãi suất ở Mỹ và châu Âu. Lợi tức trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đã tăng hơn 1% kể từ đầu tháng 5 lên 4,74%. Tại khu vực đồng euro, lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đã tăng hơn 0,8% kể từ tháng 3 lên 3,18%.

Azad Zangana, một nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại Schroder cho biết: “Rõ ràng là lãi suất phải cao hơn trong thời gian dài hơn, không chỉ nhu cầu hóa ra mạnh hơn dự kiến mà các vấn đề về nguồn cung đẩy chi phí lên cao, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động trong khu vực”.

Các động thái ở Anh thậm chí còn khắc nghiệt hơn, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm tăng hơn 1,7% kể từ tháng 3 lên trên 4,9%, và thị trường tương lai đang định giá ít nhất bốn lãi suất nữa sẽ tăng lên mức cao nhất là 5,75%.

Christian Kopf, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Union Investment cho biết: “Ở Anh có một vấn đề lạm phát thực sự tiềm ẩn và nó nghiêm trọng hơn nhiều so với ở khu vực đồng euro và Mỹ”.

Động thái kỳ vọng này diễn ra sau khi một số nhà quản lý quỹ đã dự báo rằng các ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt lãi suất và lợi suất đang trên đà giảm xuống.

Kỳ vọng về lãi suất cao hơn đi kèm với các tín hiệu kinh tế hỗn hợp trên khắp Mỹ và châu Âu. Các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về lãi suất sau những thay đổi bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Úc và Canada trong những tuần gần đây, cả hai đều tiếp tục tăng lãi suất sau một thời gian tạm dừng, với lý do tương ứng là “rủi ro tăng giá” và “lo ngại” về lạm phát cao hơn.

Khu vực đồng euro đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, nhưng bà Lagarde cho biết, sức mạnh “đáng kinh ngạc” của thị trường lao động là lý do chính để nâng dự báo lạm phát cơ bản lên 5,1% trong năm nay, 3% trong năm 2024 và 2,3% vào năm 2025. Lạm phát cơ bản ở châu Âu trong tháng 5 là 5,3%.

Dario Messi, nhà phân tích thu nhập cố định tại Julius Baer cho biết: “Sẽ rất khó để biện minh cho việc tạm dừng thắt chặt miễn là dự báo lạm phát trong dài hạn không hướng tới mục tiêu 2%. Điều này làm gia tăng lo lắng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không thể giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái sâu sắc, đặc biệt là ở châu Âu”.

Tin bài liên quan